Thực ra, tình trạng này không chỉ xảy ra ở Việt Nam, mà ở các nước đang phát triển, có đến 80-90% nguồn thu là do nhận từ các khoản trợ cấp của chính quyền trung ương.
Đi các địa phương, nơi nào mà chẳng có hàng loạt vấn đề đều có vẻ quan trọng như sau: thiếu việc làm; bệnh tật; các tệ nạn xã hội: trộm cắp, cờ bạc, nghiện hút, đánh đập phụ nữ; trẻ em bỏ học ngày một nhiều; thiếu nước sạch; ô nhiễm môi trường; thiếu quan tâm đến trẻ em tuổi nhà trẻ, mẫu giáo; điều kiện đi lại khó khăn; thiếu điện; các cơ sở phúc lợi xã hội (nhà trẻ, trường học, trạm xá…) bị xuống cấp… Trước vô vàn vấn đề như vậy, thế mới biết, có quyền quyết về tiền có vẻ sướng, nhưng đấy là khi nhiều tiền trong túi. Còn khi mắc bệnh “viêm màng túi” mà lại phải chi cho nhiều thứ thì nó có thể chuyển hóa thành cơn đau đầu khá dữ. Trong khi đó, vai trò của chính quyền địa phương đang thay đổi và sẽ còn thay đổi cùng với sự gia tăng của các vấn đề kinh tế, xã hội và môi trường đang xảy ra ở cơ sở. Trong tình cảnh như thế, một câu hỏi đặt ra là: với tư cách cơ quan có thẩm quyền quyết định kế hoạch KT-XH ở địa phương, đồng thời quyết về ngân sách địa phương, HĐND có thể làm gì với túi tiền hạn hẹp đó để dùng vào đúng việc, đúng cách?
Trước hết, điều quan trọng nhất có lẽ là chọn ưu tiên. Lập luận để chọn ưu tiên có thể là: Tại sao lại chọn vấn đề này? Vấn đề đó tác động đến địa phương như thế nào? Bao nhiêu người hoặc nhóm người bị ảnh hưởng bởi vấn đề đó? Nếu chỉ tác động đến một số ít người thì cần cân nhắc vì sao đáng ưu tiên? Vấn đề đã tồn tại bao lâu? Có thể giải quyết được không? Có nguồn lực không? Nếu vấn đề không được giải quyết sẽ dẫn đến hậu quả gì?
Cơ sở xác định ưu tiên có thể là: Vấn đề mà đa số cử tri quan tâm là gì? Vấn đề có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của hầu hết cử tri? Vấn đề đó có được HĐND bàn trong tương lai? Vấn đề đó bản thân đại biểu có hiểu rõ và có khả năng tham gia giải quyết không? Vấn đề đó có nằm trong diện ưu tiên quốc gia, chương trình trọng điểm?

Thứ hai, nếu nguồn lực từ nhà nước không đủ, chính quyền địa phương, trong đó có HĐND phải tìm kiếm các chiến lược thích hợp để bổ sung nguồn lực cho sự phát triển. Khu vực doanh nghiệp và các tổ chức phi lợi nhuận cần được tham gia cung cấp các dịch vụ vốn đang do nhà nước đảm nhiệm. Xu hướng này không làm giảm đi vai trò của chính quyền địa phương mà làm thay đổi vai trò của chính quyền địa phương từ vị thế nhà cung cấp dịch vụ trực tiếp sang vai trò của người khuyến khích, thúc đẩy và kiểm tra để bảo đảm các sản phẩm và dịch vụ xã hội đáp ứng các tiêu chuẩn được quy định.
Xu hướng mới nói trên đã đặt lên vai các đại biểu dân cử và cơ quan hành chính địa phương những trách nhiệm mới. HĐND có thể cùng UBND tạo ra một môi trường mà trong đó, người dân có thể tự đáp ứng nhu cầu của mình bằng chính nỗ lực của bản thân. Thực tế ở nhiều nước đang có xu hướng chuyển dịch và chia sẻ trách nhiệm cộng đồng: chính quyền địa phương tạo điều kiện cho người dân trong phạm vi quyền hạn của mình để họ tự đảm đương nghĩa vụ và trách nhiệm đối với các dịch vụ cộng đồng và phát triển cơ sở hạ tầng mà từ trước đến nay vẫn được coi là trách nhiệm của các cơ quan chính quyền.
Thứ ba, nếu chính quyền địa phương không đủ khả năng thực hiện một công việc nào đó, hoặc không hiệu quả, giải pháp có thể là tạo điều kiện để người dân, xã hội, doanh nghiệp, nghĩa là những ai có điều kiện và sẵn lòng thực hiện công việc đó. Ví dụ, việc xây dựng nhà ở cho những người khó khăn về kinh tế nằm ngoài khả năng của chính quyền địa phương. Tuy nhiên, chính quyền địa phương có thể hỗ trợ người dân tự xây nhà ở cho chính mình. Một số hoạt động tạo điều kiện có thể tiến hành để có nhà ở cho người thu nhập thấp là: Hỗ trợ tiền cho những người nghèo xây nhà ở; giúp người nghèo tiếp cận được với các thông tin cần thiết về các nguồn vốn có thể vay ưu đãi để xây dựng nhà ở; cung cấp quỹ đất nếu có thể; xoá bỏ những cản trở về tài chính và pháp luật; giúp đỡ người muốn xây nhà ở có được nguồn nhân lực cần thiết; hỗ trợ về mặt tổ chức để giúp mọi người phát triển nhà ở…Những quyết sách này đều nằm trong tầm tay với của HĐND vừa là cơ quan quyết định, vừa giám sát.
Các chiến lược tạo điều kiện ở trên đặc biệt hiệu quả khi phối hợp với các tổ chức phi chính phủ, các nhóm và các khu vực tư nhân. Họ có thể thực hiện các dịch vụ và chương trình với chi phí thấp hơn và giảm thiểu những điều kiện ràng buộc lâu dài của chính quyền địa phương. Đồng thời, chính quyền địa phương cũng có thể giữ lại các nguồn lực khan hiếm để thực hiện các công việc khác. Các chiến lược này đòi hỏi đại biểu và các đồng nghiệp trong HĐND phải điều chỉnh sự nhận thức về vai trò của chính quyền địa phương.
Thứ tư, trong điều kiện túi tiền còn mỏng, việc giám sát tiêu tiền khắt khe, riết róng là điều hết sức quan trọng. Tại một khóa bồi dưỡng cho HĐND, chúng tôi đưa ra bức tranh Đông Hồ “Đánh ghen” để các đại biểu liên tưởng về giám sát ngân sách. Ý tưởng ở đây là: cần coi việc quản của công như quản chồng, riết róng như vậy khi chưa có nguy cơ, và khi đã xảy ra chuyện rồi thì sẵn sàng lồng lên để đòi lại chồng. Câu chuyện sau đây là một ví dụ điển hình chứng minh rằng, sự giám sát chặt chẽ của HĐND, không chỉ giám sát việc chi tiêu công, mà cả giám sát ngân sách ngay từ khi giao chỉ tiêu có thể mang lại cho ngân sách địa phương rất nhiều. Chuyện kể rằng, liên quan đến việc chuyển nhượng quyền thu phí giao thông trên một xa lộ, UBND đã khoán 1000 tỷ trên 10 năm với mức tăng lưu lượng hàng năm là 3%. Nhưng HĐND đã hoãn ra quyết định, tổ chức giám sát để làm rõ thêm. Nhờ đó, HĐND đã đưa ra con số thuyết phục: lưu lượng thực ra phải lên đến 7%/năm trong 9 năm, và ngân sách đã được lợi 200 tỷ.
Quyết định phân bổ ngân sách và giám sát việc thu chi, phát triển KT-XH ở địa phương là trách nhiệm của HĐND. Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, “chiếc bánh” ngân sách còn nhỏ, thì câu tục ngữ “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm” xem ra rất phù hợp với HĐND của nhiều địa phương trong thời điểm hiện nay.