Khát vọng từ những cái tên
Hàng năm, dịp cả nước kỷ niệm ngày thống nhất đất nước, một nhóm chàng trai, cô gái đang sống tại TP Hồ Chí Minh lại hẹn hò tổ chức sinh nhật chung. Họ chính là những người chào đời trong ngày 30.4.1975 lịch sử, được đặt cho những cái tên mang niềm tự hào và cả khát vọng về hòa bình, thống nhất của cha anh.
Đại Thắng, Giải Phóng, Thống Nhất
Cái tên khá đặc biệt của Lê Thành Nam Giải Phóng cũng đã phần nào nói lên ngày sinh đáng nhớ của anh. Mẹ anh vẫn thường kể lại rằng, anh chào đời lúc 11h20 ngày 30.4.1975, khi cả miền Bắc đang hướng về phía những chiếc loa truyền thanh để nghe tin thắng trận. Ban đầu ông nội anh dự định đặt cho đứa cháu trai là Lê Thành Nam, nhưng vì cậu bé ra đời chỉ vài phút sau khi quân giải phóng cắm cờ trên nóc dinh Độc Lập, nên cha anh đã quyết định thêm 2 từ “Giải Phóng” để ghi nhớ ngày sinh của anh cũng là ngày miền Nam được giải phóng, đất nước thống nhất, non sông liền một dải.
Trong danh sách hơn 2.000 người đang sống ở TP Hồ Chí Minh chào đời ngày 30.4.1975, có hàng trăm người mang những cái tên gắn liền với sự kiện lịch sử này như thế. Đặc biệt, hơn 50 người mang tên Hòa Bình. Anh Nguyễn Hòa Bình đã được ba mẹ chuẩn bị sẵn cái tên Nguyễn Văn Thành, nhưng 1h15 sáng 30.4.1975 người mẹ chuyển dạ ở Bệnh viện Gia Định, người bố lúc ấy là lính Cộng hòa trốn về thăm con trong những giây phút cuối cùng của chính quyền Sài Gòn, ông đã lấy hai từ Hòa Bình đặt lại tên con, như niềm khao khát của tất cả người dân Việt Nam lúc đó. Cái tên Lê Đại Thắng cũng ra đời trong hoàn cảnh như vậy. Cha của anh kể lại rằng, những người lính luôn mong mỏi từng giờ từng phút đất nước sạch bóng quân thù. Ngày Sài Gòn giải phóng là niềm vui lớn nhất, và cũng là ngày gia đình đón chào thành viên mới - đứa con trai út, vì thế ông đã đặt ngay tên cho con là Lê Đại Thắng như một kỷ niệm, như một “bằng chứng” của lịch sử.
![]() Những người sinh ngày 30.4.1975 tổ chức sinh nhật chung |
Lê Vinh Quang cũng sinh đúng ngày 30.4.1975. Lúc mẹ anh trở dạ, được chuyển thẳng vào Bệnh viện Trưng Vương, cha anh đang tham gia lực lượng võ trang Thành đoàn tiếp quản quận 11. “Khi đến bệnh viện, ẵm đứa con đỏ hỏn trên tay, hạnh phúc riêng hòa hạnh phúc chung của dân tộc, cha tôi nghĩ ngay đến cái tên Vinh Quang để kỷ niệm ngày Sài Gòn giải phóng” - anh Vinh Quang kể. Còn với Huỳnh Thống Nhất, cho đến bây giờ là không ít người vẫn nghĩ chị là “anh” khi mới nghe tên. Ba mẹ đặt tên này cho chị sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng với mong muốn đất nước sum vầy hai miền Nam - Bắc.
Còn rất nhiều cái tên ấn tượng như Trần Các Hùng Dũng, Nguyễn Xuân Đại Thắng, Tạ Thống Nhất... Tất cả họ đều được sinh ra trong ngày tháng 4 lịch sử của dân tộc, có thể chào đời ở những nơi khác nhưng lớn lên và tạo lập sự nghiệp cùng thành phố mang tên Bác. Có nhóm thường hội ngộ vào ngày 30.4, tổ chức sinh nhật chung, chia sẻ, hỗ trợ nhau trong công việc và trong cuộc sống. Cũng chính từ các cuộc sinh hoạt chung của nhóm những người sinh ngày 30.4.1975 mà nhiều người đã nên vợ nên chồng.
Cha mẹ đặt tên, tự tạo sự nghiệp
Lê Thành Nam Giải Phóng tự nhận, khi còn đi học là một cậu bé thông minh nhưng ngỗ nghịch. Tuy nhiên, chính với cá tính mạnh mẽ, năng động, Lê Thành Nam Giải Phóng đã tìm thấy nơi để anh chứng tỏ bản lĩnh của mình, đó là những tháng ngày hoạt động sôi nổi ở Nhà Văn hóa thanh niên TP Hồ Chí Minh. Anh từng là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Lý luận trẻ, kiêm Ủy viên Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ Đội nhóm của Nhà văn hóa Thanh niên TP. Là thủ lĩnh của nhiều phong trào đã giúp anh có những tháng ngày khó quên gắn bó với hoạt động Đoàn. Anh luôn ấp ủ ước mơ được làm gì đó liên quan đến công việc giáo dục - đào tạo. Anh từng làm Giám đốc điều hành của Công ty Net Space, chuyên điều hành các dự án liên kết đào tạo. Một thời gian sau, anh chuyển sang làm công việc khác và hiện nay là quản lý kinh doanh miền Nam của Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Vietcombank - Cardif, nhưng anh vẫn chung tay cùng bạn bè thực hiện ước mơ bấy lâu, đó là liên kết và đưa môi trường giáo dục hiện đại từ các nước phát triển vào Việt Nam để sinh viên Việt Nam có thêm lựa chọn hình thức đào tạo theo tiêu chuẩn hiện đại, chú trọng đào tạo ngành nghề gắn với thực tế.
Các chương trình liên kết đào tạo mà Lê Thành Nam Giải Phóng và các bạn đang thực hiện không chỉ phục vụ sinh viên, mà còn đáp ứng nhu cầu học thực chất của không ít người đã thành đạt và đang ở cương vị lãnh đạo. Lê Thành Nam Giải Phóng tâm sự: “Học không bao giờ là quá muộn, miễn là việc học đó thật sự có ích, có giá trị. Không được sinh ra tại thành phố mang tên Bác nhưng lớn lên trên mảnh đất này, đã hơn 40 năm trôi qua, tôi tự nhận thấy, thành phố đã cho tôi rất nhiều. Tôi vẫn luôn tự nhủ rằng, mình cần phải sống sao cho đúng, có thể không giàu, nhưng thanh thản”.
Anh Nguyễn Hòa Bình cũng mong muốn làm việc tốt hơn để đóng góp cho gia đình và cống hiến cho đất nước. “Cha mẹ đặt tên nhưng mình phải tạo ra tính cách và giữ mình trong việc làm ăn cho xứng đáng với cái tên”. Ngay sau khi học xong Đại học Ngoại ngữ, Nguyễn Hòa Bình đã làm nhiều công việc, từ gia sư đến phát hành báo và đến khi đủ điều kiện thì lập công ty riêng. Hiện nay, công ty của anh phát hành gần 1.000 đầu sách, báo, tạp chí trong và ngoài nước. Những lúc gặp khó khăn, chính cái tên Hòa Bình đã động viên anh cố gắng học hỏi, phấn đấu. Thạc sĩ Huỳnh Thống Nhất, ngoài công ty riêng hiện còn tham gia giảng dạy tại khoa Sư phạm khoa học xã hội, Trường Đại học Sài Gòn…
Hơn 40 năm đã trôi qua, chính thế hệ sinh ra sau chiến tranh như anh Giải Phóng, chị Thống Nhất, anh Hòa Bình, anh Vinh Quang… đã và đang phát huy trí tuệ, tinh thần yêu nước để đóng góp cho sự phát triển của TP Hồ Chí Minh, và của nước Việt Nam. Trên con đường lập thân lập nghiệp, họ luôn ý thức được niềm tự hào cũng như trách nhiệm khi sinh ra đúng vào ngày lịch sử của dân tộc và mang những cái tên gửi gắm mong mỏi, khát vọng của cha anh.