Khát vọng phồn vinh, hạnh phúc!

- Thứ Sáu, 23/10/2020, 06:37 - Chia sẻ
Bắt đầu từ ngày 20.10 vừa qua, dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng đã được công bố rộng rãi để lấy ý kiến nhân dân. Với sự chuẩn bị công phu, bài bản, trí tuệ, dân chủ, cầu thị, nghiêm túc cập nhật tình hình, nhất là tác động của đại dịch Covid-19, dự thảo các Văn kiện Đại hội XIII của Đảng được nhận định là có nhiều điểm mới.

Mới ở đây, như nhận định của Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, GS.TS Phùng Hữu Phú, không phải do ý tưởng chủ quan của Tiểu ban và Tổ biên tập văn kiện, mà do nhu cầu khách quan cấp thiết của thực tiễn đất nước, thế giới, với nhiều thời cơ, thách thức đan xen, đặt ra nhiều vấn đề mới về lý luận, thực tiễn, đòi hỏi chúng ta phải vươn lên mạnh mẽ hơn, đổi mới đồng bộ, toàn diện hơn, ở trình độ cao hơn.

Đặc biệt, những điểm mới trong dự thảo các Văn kiện lần này không phải chỉ mới về câu chữ, mà mới từ cách tiếp cận, tầm bao quát, từ những tư tưởng chỉ đạo, mục tiêu phấn đấu và những định hướng phát triển đất nước trên cơ sở tổng kết nghiêm túc thực tiễn đổi mới đầy sáng tạo của nhân dân ta qua 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (năm 1991), trọng tâm là 10 năm thực hiện Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020, 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng. Và mới từ sự phân tích, dự báo xu thế phát triển của thế giới; nghiên cứu, tiếp thu các thành quả phát triển lý luận.

Dự thảo các Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã quán triệt sâu sắc nguyên tắc kết hợp nhuần nhuyễn giữa “lý luận và thực tiễn”, giữa “kiên định và đổi mới”, giữa “kế thừa và phát triển”. Đồng thời đã kế thừa, bổ sung phát triển đúng đắn đường lối đổi mới của Đảng ta trong 35 năm qua với nhiều nội dung đổi mới và điểm nhấn quan trọng cả về nhận thức, tầm nhìn, quan điểm và tư tưởng chỉ đạo đến phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp.

Dự thảo khẳng định, ba đột phá chiến lược do Đại hội lần thứ XI, XII của Đảng xác định có ý nghĩa, giá trị lâu dài, vẫn còn nguyên giá trị nhưng đã được bổ sung, cụ thể hóa cho phù hợp với giai đoạn phát triển mới. Đó là: hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển; phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; và xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ.

Trong đó, với hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN là: Tập trung ưu tiên hoàn thiện đồng bộ, có chất lượng và tổ chức thực hiện tốt hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách nhằm tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng; huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, nhất là đất đai, tài chính; thực hiện phân cấp, phân quyền hợp lý, hiệu quả, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực. Dẫn ra ví dụ về nội dung này trong phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 13 vừa qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: Vừa rồi, rất nhiều cán bộ bị thi hành kỷ luật về vấn đề sử dụng đất đai, kinh doanh, kinh tế không đúng quan điểm, tư tưởng, chính sách, và không đúng đạo đức. Làm cái gì cũng “chấm mút”, trong khi đây là của toàn dân, của đất nước. Cho nên, phải chú ý xây dựng cơ chế pháp lý. Ở đây có vai trò của Quốc hội, của Chính phủ, các cơ quan và phải quản lý bằng pháp chế, chứ không chỉ kêu gọi về đạo đức. Bởi lẽ, “dù có nói bao nhiêu đi chăng nữa, nhưng nếu không có cơ chế, không có kỷ luật, kỷ cương thì chúng ta cũng không được như bây giờ. Thực tế khóa này là như thế, nếu không làm nghiêm vấn đề chống tiêu cực, thi hành kỷ luật một loạt cán bộ - tôi nói rất đau xót, nhưng không thể không làm là vì thế”, Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước nói.

Khẳng định “vừa qua đã có kinh nghiệm”, Người đứng đầu Đảng và Nhà nước ta “rất mong khóa tới phải làm tốt công việc này”. Tâm lý, dư luận nhân dân đang rất lo: “Sắp tới có làm tiếp không, hay lại quay trở lại cái cũ, lại chưa làm gì đã “chấm mút”. Tôi đã nói rồi, tiền cũng quý, nhưng chết không mang theo được tiền, danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất”. Nhấn mạnh quan điểm này, Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước đặc biệt lưu ý: “Phải xây dựng đạo đức, nhưng đồng thời phải có kỷ luật, kỷ cương, có pháp chế, tạo điều kiện cho người ta làm, chứ không làm cho họ co rụt lại không dám làm thì cũng hỏng - chỗ này phải rất biện chứng”.

Từ khi đất nước ta tiến hành công cuộc đổi mới đến nay, mỗi kỳ Đại hội Đảng đều có những điểm mới, điểm nhấn, tạo ấn tượng sâu đậm trong nhận thức của cán bộ, đảng viên, nhân dân, tạo sự thống nhất, đồng thuận, tin tưởng trong Đảng, trong xã hội. Vậy điểm mới, điểm nhấn của Đại hội XIII lần này là gì?

Theo GS.TS Phùng Hữu Phú, dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII có một số điểm nhấn, trong đó có 2 thành tố mới được đề cập và nhấn mạnh nhiều lần, từ chủ đề Đại hội, quan điểm chỉ đạo đến mục tiêu tổng quát, định hướng phát triển, nhiệm vụ trọng tâm, đột phá chiến lược. Đó là “khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc với mục tiêu đến giữa thế kỷ XXI trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa” và “đổi mới sáng tạo”. Đây có thể xem là điểm nhấn trong dự thảo Văn kiện và của Đại hội XIII, phản ánh nhận thức mới của Đảng về sức mạnh nội sinh và phương thức phát triển đất nước trong bối cảnh mới.  

Lam Giang