Khát vọng phát triển và bình đẳng

Thảo Nguyên 25/07/2023 08:54

Được đi học, có việc làm, cuộc sống ổn định và thực hiện mơ ước là mong muốn của nhiều trẻ em gái và phụ nữ vùng cao. Bên cạnh nỗ lực tự thân của họ, việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, giải quyết hiệu quả một số vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em vùng đặc biệt khó khăn cũng cần được quan tâm.

Nhiều thay đổi với phụ nữ vùng cao

Cuộc sống của phụ nữ vùng cao đã và đang phải đối mặt với nhiều quan niệm ảnh hưởng đến việc thụ hưởng và trao cơ hội phát triển bình đẳng. Đặc biệt là tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết, tục “kéo vợ”… đã để lại nhiều hệ lụy trực tiếp và lâu dài cho không chỉ phụ nữ, trẻ em gái, mà cho cả gia đình và xã hội.

Mơ ước trẻ em gái được đi học và phát triển bản thân - Ảnh: luatvietnam.vn
Mơ ước trẻ em gái được đi học và phát triển bản thân. Nguồn: luatvietnam.vn

“Cuộc sống của phụ nữ vùng cao giống như bị bao phủ bởi màn sương. Nhiều trẻ em chưa được đi học. Trẻ em gái có thể bị lừa, bị dụ dỗ bán sang Trung Quốc. Có bạn còn ít tuổi nhưng bị bố mẹ bắt đi lấy chồng. Có bạn muốn đi làm thuê, ra ngoài kiếm tiền, nhưng gia đình không cho đi vì sợ bị lừa... Không chỉ vậy, khi về nhà chồng, nhiều người không có việc làm và thu nhập, hầu hết chỉ ở nhà làm ruộng, không có điều kiện chăm sóc con cái, thậm chí bị bạo lực gia đình” - Má Thị Di, dân tộc Mông ở Lào Cai, chia sẻ.

Câu chuyện của Di về hành trình trưởng thành và quyết định thoát khỏi tập tục kéo vợ của dân tộc mình đã được phản ánh thú vị, sinh động và chân thực trong bộ phim tài liệu Những đứa trẻ trong sương của nữ đạo diễn trẻ người Tày Hà Lệ Diễm. Má Thị Di cho biết: “Khi bạn trai tổ chức “kéo vợ”, tôi chưa tự tin có một gia đình và vẫn muốn đi học. Biết không ai giúp được mình, bởi đây là tập tục truyền thống, nên ngay khi bị kéo tôi đã mạnh mẽ lựa chọn không lấy chồng sớm”.

Không chỉ Di, ngày càng nhiều trẻ em gái người dân tộc thiểu số đã dám đứng lên lựa chọn thực hiện mong ước của mình. Mùa Thị Mai, sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, chia sẻ: “Tôi đến từ Sơn La. Bạn thân của tôi đã đi lấy chồng, do vẫn bị trói buộc bởi suy nghĩ lạc hậu là nếu không lấy chồng sớm thì không có ai lấy, nếu không lấy chồng sẽ bị bắt... Còn tôi quyết tâm đi học và thay đổi trong tư duy, cách nhìn nhận, phong cách sống và lối sống hàng ngày của mình. Tôi thi đỗ đại học và khát khao sẽ làm được nhiều việc giúp cho phụ nữ của dân tộc mình phát triển hơn, có cái nhìn rộng mở hơn, giúp mọi người biết được quyền của mình là được bảo vệ, được đi học, đi làm, có tiếng nói trong gia đình”.

Sự thay đổi này cũng diễn ra ở nhiều nơi, trẻ em gái và phụ nữ dân tộc thiểu số có cơ hội và nỗ lực học tập, có công việc và thu nhập. Không ít người làm du lịch homestay; phát triển các nghề thủ công như dệt, đan lát; hay mở rộng mô hình trồng trọt, chăn nuôi... Thậm chí có phụ nữ học tiếng Anh và mở lớp dạy học, giúp nhiều phụ nữ khác mở rộng hiểu biết về cuộc sống bên ngoài bản làng.

Thúc đẩy quyền của phụ nữ dân tộc thiểu số

Đảng và Nhà nước luôn coi trọng công tác bảo vệ và thúc đẩy quyền của phụ nữ dân tộc thiểu số. Trong đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam là đơn vị luôn đồng hành với phụ nữ, đặc biệt là các đối tượng yếu thế, phụ nữ ở những địa bàn khó khăn trong tiến trình thực hiện khát vọng phát triển và bình đẳng.

Khát vọng phát triển và bình đẳng cho phụ nữ dân tộc thiểu số - Ảnh: TTXVN
Khát vọng phát triển và bình đẳng cho phụ nữ dân tộc thiểu số. Ảnh: TTXVN

Dự án thành phần số 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, 1 trong 10 dự án thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chủ trì thực hiện, nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ, và trẻ em, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới.

Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Tôn Ngọc Hạnh cho biết, Dự án được thiết kế chú trọng 4 nội dung: tuyên truyền, vận động thay đổi "nếp nghĩ, cách làm" xóa bỏ các định kiến, khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục văn hóa có hại và một số vấn đề xã hội cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; xây dựng và nhân rộng các mô hình nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em; bảo đảm tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ và trẻ em trong các hoạt động phát triển kinh tế xã hội, giám sát và phản biện xã hội, nâng cao năng lực cho cán bộ nữ dân tộc thiểu số; nâng cao năng lực thực hiện lồng ghép giới cho cán bộ trong hệ thống chính trị và già làng/trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng.

Hội Phụ nữ hỗ trợ tư vấn tâm lý, kỹ năng để chị em có những lựa chọn lao động tại địa phương, hay vươn ra các khu công nghiệp. Với những chị em khởi nghiệp và thuê lao động nữ vào làm ở địa phương, bằng việc phát triển sản phẩm OCOP, sản phẩm thủ công... Hội Phụ nữ cũng tăng cường kết nối với đơn vị tiêu thụ sản phẩm, hay nhà đầu tư hướng dẫn mở rộng sản xuất cũng như thị trường; tổ chức trưng bày, giới thiệu bán sản phẩm tại các Trung tâm Phụ nữ Phát triển của Hội Phụ nữ... Hội Phụ nữ đang kết nối với Đề án 1 của Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 đẩy mạnh phát triển các tổ hợp tác xã do phụ nữ làm chủ, có lao động nữ...

Tuy nhiên, bà Tôn Ngọc Hạnh cũng cho biết việc thay đổi nhận thức, tư duy của cả một thế hệ không đơn giản, chưa kể có những rào cản về ngôn ngữ. Điều này đòi hỏi quá trình “mưa dầm thấm lâu”, bằng nhiều hình thức, cách thức tác động, qua đó hướng đến mục tiêu nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho phụ nữ và trẻ em.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Khát vọng phát triển và bình đẳng
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO