Khát vọng phát triển!

- Thứ Tư, 06/01/2021, 08:18 - Chia sẻ
Theo thông lệ, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, mỗi khi bước vào năm mới, Chính phủ ban hành các Nghị quyết 01 và 02 đề ra các giải pháp quyết liệt triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ngay từ những ngày đầu, tuần đầu của năm mới.

Năm nay, Nghị quyết 01 và 02 được ban hành và thực thi trong bối cảnh hết sức đặc biệt.

Trên thế giới, đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp và nhiều khả năng chưa thể kết thúc sớm. Điều này tiếp tục tác động tiêu cực đến nền kinh tế thế giới và làm cho mức độ cạnh tranh chiến lược giữa một số quốc gia trở nên gay gắt hơn.

Ở trong nước, năm 2021 có ý nghĩa vô cùng quan trọng, là năm tổ chức Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV, đại biểu HĐND các cấp và là năm đầu tiên thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 và các kế hoạch 5 năm trên các lĩnh vực theo các nghị quyết của Đảng, Quốc hội.   

Vấn đề đáng chú ý không kém chính là biến đổi khí hậu, vốn được cảnh báo liên tục trong thập kỷ qua và thể hiện tác động khốc liệt trong năm qua. Sẽ khó mà quên tháng 10 năm ngoái, những trận bão nhiệt đới Linfa, Nangka, Ofel và Molave đổ bộ vào miền Trung đã gây thương vong cho 243 người, phá hủy và làm ngập lụt khoảng 243 nghìn ngôi nhà, gây ra thiệt hại về cơ sở hạ tầng khoảng 1,3 tỷ USD. Hạn mặn thâm nhập ngày càng sâu cũng đưa khu vực đồng bằng sông Cửu Long đến gần hơn với bờ vực thảm họa hệ sinh thái…

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất trong khu vực Đông Á và Thái Bình Dương khi đối mặt với biến đổi khí hậu. Hàng năm, nhiều người phải gánh chịu biết bao thảm họa thiên tai và để lại những vết sẹo hằn sâu, không thể xóa mờ.

Thực tế này đòi hỏi Nhà nước phải đầu tư rất lớn không chỉ cho phát triển mà còn cho phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an sinh xã hội và củng cố quốc phòng, an ninh. Khó khăn ở chỗ nguồn lực của đất nước rất hạn chế. Hụt thu ngân sách năm 2020 tuy không nhiều như hình dung ban đầu của Chính phủ nhưng lượng tồn ngân dồi dào Chính phủ tích lũy được trước khủng hoảng dịch Covid-19 đang “teo tóp” dần trong khi khả năng thu năm nay chưa rõ tiến triển theo chiều hướng nào.   

Ở một khía cạnh khác, các xu hướng mới về dịch chuyển đầu tư, thương mại, chuyển đổi số, cùng với sự thay đổi nhanh chóng của các mô hình kinh doanh, phương thức sản xuất, tiêu dùng, giao tiếp xã hội, khoa học công nghệ... vừa là thời cơ nhưng cũng chính là thách thức với các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và cả người dân. Nếu không bắt kịp các xu hướng này thì đất nước không chỉ bỏ lỡ cơ hội mà có thể còn “nhanh chóng” tụt lại phía sau.   

“Hành trang” bước vào năm mới, nhiệm kỳ mới khá tươm tất - với năm 2020 được xem là thành công nhất trong 5 năm qua khi mang về những kết quả, thành tích đặc biệt. Tuy vậy, rất nhiều thách thức phía trước không cho phép bất kỳ ai tự bằng lòng với những gì đã đạt được. Ngay trong Nghị quyết 01 năm 2021, Chính phủ cũng đã xác định phương châm hành động của năm - không chỉ là “đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo” mà còn gồm cả “khát vọng phát triển” với 8 trọng tâm điều hành rất mạch lạc, rõ ràng. Chính phủ cũng đặt ra chỉ tiêu phấn đấu cụ thể đối với 96 nhiệm vụ và phân công các bộ, ngành theo dõi, đánh giá.

Những gì cần làm để đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững Chính phủ đã xác định rõ trong Nghị quyết 01 và 02. Thách thức còn lại và lớn hơn đối với các cấp có thẩm quyền là phải triển khai những nhiệm vụ đó với tinh thần khẩn trương hơn nữa, quyết liệt ngay từ ngày đầu, tháng đầu của năm mới.

Hà Lan