Khát vọng bên dòng sông huyền thoại

- Thứ Hai, 03/05/2021, 07:28 - Chia sẻ
Biển trời bao la/ Đẹp như gấm hoa/ Nước mây muôn màu/ Những con tàu ra Bắc vào Nam… Mỗi dịp 30.4, hòa chung vào từng câu hát trong “Bài ca thống nhất” của dân tộc, người dân xứ Thanh lại trở về bên dòng sông Mã - nơi có cây cầu Hàm Rồng đã từng là tọa độ lửa ôn lại những chiến công oanh liệt của quân và dân địa phương trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Những tượng đài trong tọa độ lửa

	Một góc thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa hôm nay
Một góc thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa hôm nay

Em đưa anh về quê hương Thanh Hóa, nghe giọng hò khoan bên bờ sông mã. Còn đó Hàm Rồng... Một thời đạn bom, một thời liệt oanh trên quê hương mình. Theo những câu hát ngọt ngào, chúng tôi tìm về nơi có cây cầu huyết mạch, "tọa độ lửa" của tuyến vận chuyển chiến lược chi viện cho chiến trường miền Nam. Nơi tôi luyện ý chí, bản lĩnh con người xứ Thanh trong mưa bom bão đạn, khẳng định sức mạnh của đường lối chiến tranh Nhân dân và ngời sáng Chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam… Nơi đó, chính là cầu Hàm Rồng nằm vắt ngang qua dòng Sông Mã, gối đầu trên ngọn núi Ngọc, núi Rồng nên thơ mà rất đỗi ngoan cường.

Theo hồi ức của nữ Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Ngô Thị Tuyển - người đã đi vào lịch sử với kỳ tích vác 2 hòm đạn nặng hơn gấp đôi trọng lượng cơ thể, sau khi dựng lên "sự kiện vịnh Bắc Bộ" để thực hiện kế hoạch "Sấm Rền", tháng 3.1965, đế quốc Mỹ đã cho máy bay xâm phạm bầu trời Thanh Hóa. Các máy bay do thám của không quân Mỹ xác định, từ Hà Nội vào đường mòn Hồ Chí Minh có 60 điểm tắc. Trong đó, Hàm Rồng được xem là một “điểm tắc lý tưởng”, là “đầu mút của khu vực cán xoong”. Tuy vậy, ý đồ phong toả lực lượng và cô lập Hàm Rồng để tấn công dứt điểm của chúng đã thất bại cay đắng trước ý chí kiên cường của quân và dân ta. Chỉ trong trong 2 ngày (3 - 4.4.1965), quân và dân ta đã bắn hạ 47 chiếc máy bay của không lực Hoa Kỳ, bẻ gãy âm mưu công kích “lá rụng nhiều tầng" của đế quốc Mỹ.

Hình ảnh người con gái 19 tuổi, mang trên mình hòm đạn nặng hơn gấp đôi trọng lượng cơ thể mình đã in sâu vào hàng triệu trái tim người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế. Ngày gặp lại nữ Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Ngô Thị Tuyển, những người đã từng là kẻ thù bên kia chiến tuyến phải thốt lên rằng: “Giờ thì chúng tôi và cả thế giới đã tin. Thật tuyệt vời! Nhân dân Việt Nam thật tuyệt vời!”.

Không chỉ có nữ Anh hùng Ngô Thị Tuyển, trong những năm kháng chiến chống Mỹ, những người con xứ Thanh mỗi người như một nét vẽ sáng lòa đã góp phần điểm tô cho trang sử vẻ vang của dân tộc. Đó là: Đại đội trưởng dân quân Nguyễn Thị Hằng dẫu bị thương vẫn không rời vị trí chỉ huy; Đại đội phó Đại đội Súng máy phòng không 14,5 ly Đoàn Văn Lưu đang ở hầm chiến đấu thì bị nhiều mảng rocket găm vào người nhưng vẫn quyết tâm chiến đấu, quyết không rời trận địa… Chiến thắng Hàm Rồng đã giữ vững “mạch máu” lưu thông giữa hậu phương lớn với tiền tuyến lớn, đóng góp to lớn vào Đại thắng mùa xuân năm 1975. Đây là chiến thắng không chỉ làm nức lòng quân và dân cả nước mà được bạn bè quốc tế đánh giá cao. 

Không chỉ ở Hàm Rồng, trong những ngày bị “đạn xéo bom cày”, quân và dân Thanh Hóa vừa lo chiến đấu, vừa xây dựng hậu phương vững chắc chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam. Với khẩu hiệu “gạo không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, 227.138 thanh niên quê hương Thanh Hóa đã lên đường nhập ngũ hoặc tham gia thanh niên xung phong trên các chiến trường. Các phong trào thi đua: “Hòn đá chống Mỹ”, “Ba giỏi”... được nhân rộng đã huy động sức mạnh của toàn dân phục vụ chiến đấu. Người dân Thanh Hóa đã không ngần ngại dỡ nhà làm cầu, lấy đá lát đường, cứu chữa phương tiện, hàng hóa bị máy bay địch bắn phá. Các đoàn vận tải cơ giới địa phương cũng tham gia vận chuyển hơn 15 triệu tấn hàng hóa phục vụ chiến đấu.

Với những đóng góp vô cùng to lớn về sức người, sức của trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, quân và dân tỉnh Thanh Hóa đã được Đảng, Nhà nước, Chính phủ ghi nhận tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân cho 12 tập thể và 55 cá nhân và được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng cờ thưởng với dòng chữ “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” cùng nhiều thư khen, nhiều huân chương các loại và nhiều phần thưởng cao quý khác cho các đơn vị và cá nhân có thành tích xuất sắc...

Vươn xa những cánh sóng

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng khảo sát tại khu công nghiệp xã Điền Trung, Huyện Bá Thước Ảnh: Thế Anh
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng khảo sát tại khu công nghiệp xã Điền Trung, Huyện Bá Thước
Ảnh: Thế Anh

46 năm kể từ ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước đã đi qua. Hòa mình vào dòng chảy của lịch sử, người dân xứ Thanh hôm nay đã và đang tập trung xây dựng quê hương, hướng đến tỉnh kiểu mẫu theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Thật ngỡ ngàng! Nhiều người sẽ thốt lên như vậy khi đến với Khu Kinh tế Nghi Sơn - nơi đang dần khẳng định là một Khu kinh tế ven biển có sức hấp dẫn đặc biệt. Đến nay, Khu Kinh tế Nghi Sơn đã thu hút được 233 dự án đầu tư trong nước với tổng số vốn đăng ký đầu tư hơn 131.000 tỷ đồng; 19 dự án đầu tư nước ngoài với tổng nguồn vốn đăng ký đầu tư 12,72 tỷ USD. Từ điểm nhấn Lọc hóa dầu Nghi Sơn đã lan tỏa sức hút đầu tư đa ngành, đa nghề, với những nhà đầu tư “tỷ đô” hứa hẹn tiếp tục lựa chọn Nghi Sơn làm điểm đến.

Tại cực Bắc của tỉnh, Bỉm Sơn cũng đang trở thành một điểm đầu tư hấp dẫn. Giai đoạn 2015-2020, tổng nguồn vốn đầu tư vào địa bàn lên tới 22.000 tỷ đồng, tăng gấp 1,5 lần so với giai đoạn trước. Đô thị du lịch biển Sầm Sơn có bước chuyển mình mạnh mẽ và dần khẳng định thương hiệu du lịch hàng đầu ở miền Bắc. Tương tự là trung tâm động lực phía Tây - Lam Sơn - Sao Vàng, với nhiều cơ chế ưu đãi, khuyến khích đầu tư của tỉnh, lại có Cảng Hàng không Thọ Xuân đã được quy hoạch thành Cảng hàng không quốc tế dự bị cho Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài, kết nối trực tiếp với Khu Kinh tế Nghi Sơn, tạo thành hành lang liên kết, phát triển từ Cảng Hàng không Thọ Xuân đi Khu Kinh tế Nghi Sơn…

Từ sự phát triển mạnh mẽ của 4 cực tăng trưởng động lực đã góp phần quan trọng đưa kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển lên tầm cao mới. Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH, Chủ tịch HĐND tỉnh Đỗ Trọng Hưng nhấn mạnh: Giai đoạn 2015-2020, tăng trưởng GRDP bình quân của Thanh Hóa ước đạt 12,5%. Quy mô nền kinh tế năm 2020 gấp 4,5 lần so với năm 2010, đứng đầu các tỉnh Bắc Trung bộ và thứ 8 cả nước. Thu ngân sách của tỉnh tăng trưởng đột biến, đứng đầu khu vực và thứ 11 cả nước… Đặc biệt, ghi nhận những thành tựu và khát vọng vươn lên mạnh mẽ của Thanh Hóa trong thời kỳ mới, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 58-NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là một nghị quyết có tầm chiến lược cho sự phát triển của Thanh Hóa cũng như sự phát triển của vùng và cả nước. Tuy nhiên, người đứng đầu Đảng bộ, chính quyền tỉnh cũng thừa nhận: Chất lượng tăng trưởng kinh tế còn thấp. Thu ngân sách chưa thật sự bền vững. Kết cấu hạ tầng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội…

Bước sang giai đoạn mới, Thanh Hóa đặt mục tiêu: Phát triển kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở phát triển công nghiệp nặng, nông nghiệp là nền tảng; công nghiệp năng lượng, công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ logistics là đột phá; du lịch là mũi nhọn. Trong đó, tập trung phát triển 4 trung tâm kinh tế động lực, 5 trụ cột tăng trưởng và 6 hành lang kinh tế. Phấn đấu đến năm 2025 trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước - một cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc. Đến năm 2030, sẽ trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, người dân có mức sống cao hơn bình quân cả nước.

Bách Hợp