Khảo sát ô nhiễm làng nghề tại huyện Thạch Thất

Diệp Anh 27/12/2016 11:35

Qua khảo sát của Đoàn ĐBQH TP về tình trạng ô nhiễm làng nghề tại huyện Thạch Thất, có thể thấy ô nhiễm môi trường đang là một trong những thách thức đối với chính quyền địa phương, cần sớm được giải quyết.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Mạnh Hồng: Trên địa bàn huyện hầu hết các xã đều có làng có nghề, trong đó có 10 làng thuộc 8 xã được công nhận là làng nghề truyền thống, nơi có làng nghề tập trung nhiều nhất là các xã: Phùng Xá, Canh Nậu, Dị Nậu với các nghề chủ yếu như cơ kim khí, đồ gỗ, mộc xây dựng… Sự phát triển của các làng nghề đã góp phần vào tổng thu ngân sách của huyện, tuy nhiên cũng gây ảnh không nhỏ tới môi trường địa phương.

Khảo sát thực tế tại Phùng Xá cho thấy, hiện xã có làng nghề truyền thống cơ kim khí, CCN cơ kim khí và đồ mộc. Trong công tác BVMT, xã đã được đầu tư trạm xử lý nước thải đối với các hộ làm nghề mạ trong cơ kim khí. Tuy nhiên, hiện trạm xử lý nước thải nghề mạ chỉ đạt 50% tiêu chí về mức đạt chuẩn môi trường. CCN của xã chưa xây dựng được khu xử lý chất thải, còn xả chung trong sản xuất công nghiệp, từ làng nghề, nước thải sinh hoạt chưa được xử lý thải trực tiếp ra môi trường đất do vậy nguồn nước bị ô nhiễm. Bên cạnh đó, ô nhiễm do bụi, tiếng ồn, không khí còn cao; việc xử lý điểm vận chuyển rác thải chậm, nhất là khu vực đường bãi rác Xóm 6 đi trạm bơm Gốc Gạo gây bức xúc trong nhân dân…

Thực trạng ô nhiễm chưa được giải quyết không chỉ tại xã Phùng Xá mà đây là vấn đề chung của nhiều xã thuộc huyện Thạch Thất. Việc đầu tư xử lý nước thải tập trung tại các làng nghề chưa được thực hiện do đó toàn bộ nguồn nước thải ra tại các làng nghề hầu hết thải ra các ao hồ trong khu vực, dẫn đến ô nhiễm cục bộ tại các ao, mương thoát nước làm ảnh hưởng đến chất lượng nước, không khí trong khu vực. Cùng với đó, việc đầu tư các hệ thống xử lý bụi, mùi chưa được thực hiện đồng bộ nên các hệ thống này chưa xử lý được triệt để các nguồn ô nhiễm tại làng nghề.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Mạnh Hồng, thời gian tới huyện sẽ tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo các xã, thị trấn, các doanh nghiệp, các cơ sở SXKD, dịch vụ trên địa bàn thực hiện tốt công tác BVMT; tuyên truyền và BVMT tới đông đảo mọi tầng lớp nhân dân, các thành phần KT-XH; tăng cường thanh, kiểm tra công tác BVMT tại các cơ sở, hộ gia đình SXKD tại các làng nghề, CCN làng nghề, xử lý nghiêm các trường hợp gây ô nhiễm. Đồng thời, phê duyệt và tổ chức thực hiện Đề án tăng cường công tác QLNN về quy hoạch, quản lý đất đai và BVMT huyện giai đoạn 2016-2020; xây dựng và tổ chức thực hiện nhiệm vụ phân loại rác thải làng nghề, triền khai phân loại và thu gom riêng rác thải sinh hoạt và rác thải sản xuất, triển khai đấu thầu công tác vệ sinh môi trường, ngõ xóm theo chỉ đạo của UBND TP từ kinh phí thu phí VSMT của các hộ nhân dân, các hộ SXKD; chú trọng đào tạo cán bộ cho cơ sở về kiến thức, nhận thức môi trường; đào tạo và phát triển đội ngũ chuyên gia môi trường phục vụ cho công tác quản lý.

Đánh giá cao những cố gắng, kết quả đạt được của địa phương trong công tác quản lý, BVMT tại các làng nghề, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP Hà Nội Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh: Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, các cấp ủy chính quyền, nhất là người đứng đầu phải coi đây là một nhiệm vụ thường xuyên, cấp bách hàng đầu. Thời gian tới, UBND huyện cần tiếp tục quan tâm nhiều hơn nữa đến công tác BVMT; đổi mới công tác tuyên truyền, cùng với đó là việc chuyển đổi ngành nghề; quan tâm đến việc xây dựng quy hoạch tổng thể làng nghề, KCN để sản xuất chuyên nghiệp hơn; quan tâm đến xây dựng KCN; thực hiện nghiêm luật BVMT, xử lý nghiêm những trường hợp gây ô nhiễm nghiêm trọng... - ông Ngọ Duy Hiểu đề nghị.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Khảo sát ô nhiễm làng nghề tại huyện Thạch Thất
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO