Khảo sát - bước tiếp nhận thông tin chuẩn bị cho giám sát

Lê Thị Hiền 09/09/2014 08:48

Khảo sát có vai trò quan trọng trong quá trình giám sát. Do đó, khi lập kế hoạch giám sát, cần xây dựng nhiệm vụ khảo sát và xác định đó là công đoạn cần thiết. Trên cơ sở đó, nội dung khảo sát phải bám sát trọng tâm giám sát để đạt hiệu quả cao nhất.

Việc tiến hành khảo sát giúp đại biểu có cái nhìn tổng quan hơn về vấn đề đang giám sát, đồng thời có thêm thông tin đa chiều về nhiều vấn đề khác mà đại biểu quan tâm. Đặc biệt, các hình ảnh ghi được trong quá trình khảo sát chính là trực quan minh hoạ sinh động, là dữ liệu hữu ích và là căn cứ để kết luận giám sát. Đây là một yếu tố quan trọng giúp hiệu quả, hiệu lực giám sát của HĐND tỉnh Bình Dương thời gian qua được nâng lên rõ rệt. Các kiến nghị, đề xuất sau giám sát của Thường trực, các ban HĐND luôn được UBND tỉnh và các sở, ngành hữu quan tiếp thu, có giải pháp tích cực, nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành, góp phần thực hiện tốt các mục tiêu, chỉ tiêu cơ bản nghị quyết Tỉnh ủy đề ra, thúc đẩy KT - XH địa phương phát triển.

Đơn cử, tổ chức giám sát tình hình và kết quả thực hiện Quy hoạch phát triển mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe bus trên địa bàn giai đoạn 2006 - 2010 và tầm nhìn đến năm 2020, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh đã thành lập Tổ khảo sát. Để khảo sát thực tế, Tổ đã trực tiếp tham gia các tuyến xe bus trọng điểm của tỉnh nhằm nắm rõ tình hình, chất lượng hoạt động. Cũng nằm trong nội dung kế hoạch khảo sát, Tổ đã có buổi làm việc với Sở Giao thông - Vận tải, Trung tâm Quản lý và Điều hành vận tải hành khách công cộng và 3 doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách công cộng bằng xe bus trên địa bàn. Bộ phận giúp việc của Tổ đã tổng hợp các hình ảnh trọng tâm và báo cáo Ban về kết quả khảo sát, đây là cơ sở ban đầu để Ban đánh giá tình hình và kết quả thực hiện Quy hoạch phát triển mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe bus trên địa bàn. Tại buổi giám sát, các hình ảnh, thông tin thu thập trong đợt khảo sát được trình chiếu trực tiếp để các đơn vị chịu sự giám sát và các đại biểu tham dự giám sát cùng nhìn nhận, phân tích, đánh giá ưu khuyết điểm, nguyên nhân của những hạn chế, khó khăn trong thực hiện Quy hoạch. Từ đó cùng đề ra những giải pháp giúp UBND tỉnh và các ngành chức năng thực hiện nhiệm vụ ngày càng tốt hơn.

Kinh nghiệm cho thấy, đôi khi, những hạn chế, thiếu sót trong thực hiện nhiệm vụ được đại biểu nêu lên nhưng đơn vị chịu sự giám sát chưa thừa nhận hoặc chưa nhìn thấy thiếu sót. Trong trường hợp đó, một số hình ảnh, thông tin thu thập được từ khảo sát chính là căn cứ, là cơ sở thực tế để đánh giá, kết luận. Chẳng hạn như các hình ảnh thu thập được từ các cuộc khảo sát về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật đối với dự án đầu tư công trình nâng cấp, mở rộng đường Nguyễn Thị Minh Khai; về tình trạng ô nhiễm môi trường trên kênh Ba Bò; hoạt động của các điểm bưu điện văn hóa và đài truyền thanh cấp xã; tình hình di dời các cơ sở kinh doanh gây ô nhiễm môi trường; về tiến độ thực hiện Đề án xây dựng Nông thôn mới; kết quả thực hiện Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi…

Bên cạnh đó, khi khảo sát để nắm một vấn đề đang giám sát, đại biểu sẽ nắm được nhiều vấn đề, thu thập được nhiều thông tin khác trên mọi mặt của đời sống xã hội, đặc biệt là các vấn đề đại biểu quan tâm, từ đó có thêm những thông tin xác thực để chất vấn cũng như yêu cầu các ngành chức năng khắc phục những thiếu sót và nâng cao chất lượng hoạt động. Chẳng hạn, khi khảo sát về tình hình đời sống của người lao động ở các khu nhà trọ, đại biểu nắm các thông tin cơ bản như việc quản lý giá điện, nước của ngành công thương; quản lý xây dựng nhà trọ của ngành xây dựng và ngành tài nguyên - môi trường; thực hiện Luật Lao động của các doanh nghiệp; việc đầu tư, quản lý các thiết chế văn hóa cơ sở của ngành văn hóa - thể thao - du lịch và chính quyền địa phương… Bên cạnh các thông tin chính này, đại biểu có thể trao đổi với người ở trọ để nắm thêm thông tin về công tác phổ cập giáo dục như: trẻ ở các khu nhà trọ có được đi học, có được hưởng các chính sách về giáo dục, y tế...? Từ đó, đại biểu có cơ sở để chất vấn ngành giáo dục, ngành y tế trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình.

Để đóng góp vào hoạt động giám sát của HĐND, hoạt động khảo sát phải bảo đảm các quy trình, nhiệm vụ nhất định. Kinh nghiệm cho thấy, để tổ chức khảo sát hiệu quả cần bảo đảm các yêu cầu sau:

Một là, xác định mục đích khảo sát. Trong các hoạt động giám sát của HĐND, việc tổ chức khảo sát nhằm mục đích làm sáng tỏ các nội dung giám sát, đó là cơ sở ban đầu, định hướng cho giám sát. Đồng thời qua khảo sát nhằm cung cấp số liệu, có thêm nhiều thông tin thực tế, tạo thêm mắt xích để xâu chuỗi các dữ liệu giám sát. Đặc biệt, khảo sát còn nhằm mục đích dự báo trước kết quả thực hiện nhiệm vụ của đơn vị chịu sự giám sát về nội dung đang giám sát.

Hai là, xác định nội dung và hình thức khảo sát. Thực tế có rất nhiều hình thức khảo sát được HĐND tỉnh Bình Dương áp dụng như: tiến hành thực nghiệm, quan sát trực tiếp, lấy phiếu ý kiến, tổ chức đối thoại trực tiếp với cử tri, đánh giá trực tiếp sản phẩm của đơn vị chịu sự giám sát… Tuy nhiên, tiêu biểu và thông thường nhất là tổ chức đoàn khảo sát thực tế tại các địa phương, đơn vị trên địa bàn.

Về nội dung khảo sát, xây dựng nội dung khảo sát chính là xây dựng đề cương câu hỏi; câu hỏi càng chi tiết, cụ thể thì kết quả khảo sát, giám sát càng chất lượng và có được nhiều thông tin hữu ích. Ví dụ: khi khảo sát về việc thực hiện Đề án phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi, nội dung khảo sát và tiêu chuẩn đánh giá thường là: phòng học có đạt chuẩn theo quy định của Điều lệ trường mầm non; các thiết bị dạy học được đầu tư, trang cấp như thế nào; trình độ và cơ cấu giáo viên ra sao; tỷ lệ huy động trẻ và chất lượng chăm sóc trẻ cụ thể thế nào?... Một cuộc khảo sát thành công là sau khảo sát có thể tìm ra được đầy đủ câu trả lời cho các câu hỏi đã đặt ra. 

Ba là, phạm vi và đối tượng khảo sát. Phạm vi và đối tượng khảo sát không phù hợp thì kết quả khảo sát không hiệu quả, thông tin thu nhặt được sẽ thiếu chắc chắn. Nếu phạm vi và đối tượng khảo sát quá rộng thì thông tin bị loãng, nếu quá hẹp thì dễ dẫn đến đánh giá phiến diện. Do đó, việc xác định phạm vi và đối tượng khảo sát phải được cân nhắc, có chọn lọc cho phù hợp với nội dung, hình thức khảo sát, bảo đảm nguồn tin thu được có cơ sở thực tiễn và khoa học.

Bốn là, thời gian thực hiện khảo sát. Việc tính toán kỹ lưỡng thời gian khảo sát cũng là yếu tố quan trọng quyết định thành công của cuộc khảo sát. Khi xác định thời gian khảo sát cần gắn với đặc điểm, tình hình của đối tượng khảo sát, giám sát. Nói cách khác, thời gian thực hiện khảo sát phải bảo đảm được lúc đối tượng khảo sát, giám sát đang phản ánh đúng hiện trạng hoạt động, nhằm thu thập được nhiều thông tin nhất, nắm bắt được nhiều vấn đề nhất sau khi khảo sát. Như khảo sát về tình hình đời sống của người lao động ở các khu nhà trọ, nếu không xác định thời gian phù hợp sẽ không gặp được người ở trọ. Vì vậy, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh đã lựa chọn thời gian khảo sát vào buổi tối và các ngày nghỉ của người lao động, qua đó đã nắm bắt được hiện trạng sinh hoạt, đời sống tinh thần, vui chơi, giải trí của người lao động ở các khu nhà trọ, góp phần quan trọng vào thành công của cuộc giám sát: các đề xuất, kiến nghị sau giám sát của Ban được UBND tỉnh và các ngành chức năng tiếp thu, đề ra các giải pháp khắc phục hạn chế, thực hiện nhiệm vụ ngày càng tốt hơn.

Bên cạnh các vấn đề nêu trên, thành phần tham gia đoàn khảo sát cũng là yếu tố phải được tính toán. Ngoài các đại biểu HĐND và các ngành hữu quan, có thể trưng dụng các chuyên gia, các nhà chuyên môn có kinh nghiệm, am hiểu lĩnh vực giám sát cùng tham gia đoàn khảo sát, nhằm góp phần để khảo sát, giám sát thành công và hiệu quả.

Góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

    Nổi bật
        Mới nhất
        Khảo sát - bước tiếp nhận thông tin chuẩn bị cho giám sát
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO