Khảo cổ học và cộng đồng
Tại Hà Nội vừa diễn ra hội thảo Khảo cổ học cộng đồng, với sự tham gia của các nhà khảo cổ Việt Nam và các nước như Anh, Nhật Bản, Thái Lan… Các đại biểu đã cùng nhau bàn thảo làm thế nào để thu hút người dân tham gia khảo cổ học - hoạt động còn khá mới ở Việt Nam.
Khảo cổ học và cộng đồng
Khảo cổ học cộng đồng là khảo cổ học bởi nhân dân và cho nhân dân. Phát triển nền khảo cổ học cộng đồng sẽ huy động sức lực toàn dân trong hoạt động khảo cổ như: phát hiện, khai quật, bảo vệ di tích, trưng bày và bảo quản hiện vật… Điều đó không chỉ giúp phát hiện thêm nhiều hiện vật, mà còn có lợi ích về nhận thức của người dân. Khi trực tiếp tham gia và có sự trao đổi về kiến thức khảo cổ, người dân sẽ hiểu hơn về di tích, lịch sử, văn hóa truyền thống của địa phương, đồng thời thấy được giá trị của các di tích, hiện vật. Từ đó, người dân có ý thức giữ gìn chúng.
Bên cạnh đó, khảo cổ học cộng đồng còn là điều kiện để các nhà khảo cổ làm giàu tri thức chuyên môn. Về vấn đề này, TS khảo cổ học Nguyễn Tiến Long cho biết: “Khảo cổ học luôn đi cùng dân tộc học và ngôn ngữ học. Vì thế nếu chỉ ngồi ở bàn giấy, có những điều các nhà khảo cổ không thể hiểu được. Ví dụ, các nhà khảo cổ học tranh luận rất nhiều về một hiện vật là cái bơi chèo hay dụng cụ đào đất, mà vẫn chưa có kết luận chính thức, nhưng khi người dân ở nơi hiện vật được phát hiện nhìn thấy, họ biết ngay nó dùng để xúc bùn, vì đời cha ông họ vẫn thường sử dụng nó…”
Rất nhiều các công trình khảo cổ bắt nguồn từ việc người dân vô tình phát hiện và báo tin, từ đó các chuyên gia mới đến thám sát và khảo cổ. Do đó sự tham gia của cộng đồng có một vai trò hết sức quan trọng đối với ngành khảo cổ học.
Để thu hút người dân tham gia
Khảo cổ học cộng đồng đã được biết tới ở nhiều quốc gia, nhưng với Việt Nam, đây là hoạt động khá mới mẻ. Hiện tại, Việt Nam cũng đang trong giai đoạn tiến hành nhiều cuộc khai quật nhằm phục vụ cho phát triển kinh tế. Tuy nhiên, hoạt động này thường do các nhà chuyên môn thực hiện, rất ít người dân có kiến thức để tham gia.
Gs Ian Glover, Đại học London, Anh cho biết: để khảo cổ học cộng đồng phát triển thì các hoạt động phải xuất phát từ người dân, có sự tham gia của người dân. Ở châu âu, khảo cổ học cộng đồng có từ rất sớm, khoảng cuối thế kỷ XV. Trào lưu đó phát triển khiến rất nhiều hiện vật được tìm thấy, các hội gồm những người yêu thích khảo cổ đã thành lập. Nhưng đến đầu thế kỷ XX, khảo cổ học mang tính hàn lâm hơn, do chính phủ chỉ đạo, các trường đại học hay các bảo tàng thực hiện ít có sự tham gia của người dân. Sau chiến tranh thế giới thứ II, nhiều cuộc khai quật “chữa cháy” được tiến hành và cần rất nhiều tình nguyện viên. Các “nhà khảo cổ không chuyên” tham gia các cuộc khai quật sẽ hiểu hơn về khảo cổ học và sau khi hoàn thành, họ trở về địa phương và phổ biến cho cộng đồng… Do đó, khảo cổ học có thể quay trở lại với công chúng.
Để người dân có kiến thức và tham gia các hoạt động khảo cổ, ngoài tổ chức họp báo khi khai quật di tích, cần công bố kết quả khai quật. Với người dân, báo cáo khai quật không mấy ý nghĩa, vì họ không phải nhà chuyên môn. Để cho người dân hiểu thì cần đưa ra thông tin cụ thể về kết quả khai quật qua hiện vật, hình ảnh, vẽ minh họa… PGS.TS Nishimura Masanari, Đại học Kansai, Nhật Bản gợi ý: cần giới thiệu về khảo cổ học cho các em nhỏ qua sách giáo khoa, đồng thời, tổ chức cho học sinh đi thăm quan di tích, bảo tàng… Bên cạnh đó, hiện vật khi đưa vào trưng bày phải giới thiệu nguồn gốc, xuất xứ, ý nghĩa, mô tả cách sử dụng hiện vật, các hình ảnh khi khai quật di tích… Về điều này, các bảo tàng ở Việt Nam thường có điều kiện, không gian trưng bày rất tốt, nhưng thiếu nhiều thông tin chú thích cho hiện vật, khu trưng bày ít hình ảnh, mô hình nên chưa sinh động, khiến người xem khó hiểu.
Tổng thư ký Hội Khảo cổ học Việt Nam, Ts Nguyễn Giang Hải cho biết: ởã Việt Nam, khảo cổ học cộng đồng còn khá mới và đây được coi là hội thảo đầu tiên về vấn đề này. Qua hội thảo, các nhà nghiên cứu có thể xem xét, đánh giá để phát triển khảo cổ học cộng đồng tại Việt Nam trong thời gian tới.