Theo Ban tổ chức, ngày 17.11.2017 Thủ tướng Chính phủ ra Nghị quyết Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao nhiều nhiệm vụ quan trọng để triển khai Nghị quyết từng bước phát huy hiệu quả, tạo sự chuyển biến căn bản trong nhận thức, tư duy và hành động của các cấp, ngành, địa phương vùng ĐBSCL và được người dân, doanh nghiệp tích cực tham gia hưởng ứng. Trong bối cảnh đó, Dự án “Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững Đồng bằng sông Cửu Long” (ICRSL) đã được hình thành với các hợp phần là các tiểu dự án triển khai trên địa bàn 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL và Trung tâm Dữ liệu vùng đồng bằng sông Cửu Long được hình thành và xây dựng trong khuôn khổ Dự án này.
Tham dự sự kiện có Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên; đại diện Lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường; Lãnh đạo UBND TP. Cần Thơ; đại diện các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Công an, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; đại diện Ngân hàng thế giới, Ban Quản lý Trung ương các dự án thủy lợi; Sở Tài nguyên và Môi trường 13 tỉnh vùng ĐBSCL, các sở, ban, ngành TP. Cần Thơ; các chuyên gia, nhà khoa học.
Trung tâm Dữ liệu vùng ĐBSCL có khả năng tích hợp dữ liệu đa ngành (tài nguyên - môi trường, nông nghiệp, kinh tế - xã hội, ...), từng bước chuẩn hóa, khắc phục tình trạng thiếu hụt cơ sở dữ liệu, đồng bộ hóa các tài liệu thuộc khu vực ĐBSCL phục vụ phân tích, đánh giá và hỗ trợ ra quyết định về phát triển bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu.
Đây là một trong những hành động cụ thể của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc triển khai vận hành Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số; xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu cho phát triển Chính phủ điện tử; tiếp tục triển khai xây dựng, hoàn thiện các cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành tài nguyên và môi trường, kết nối liên thông với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các Bộ, ngành, địa phương.
Trung tâm là nơi cung cấp những thông tin khoa học, công nghệ tại ĐBSCL; bảo đảm cung cấp thông tin thường xuyên, kịp thời về cơ sở dữ liệu đa ngành từ các báo cáo định kỳ, chuyên ngành, báo cáo tổng hợp phục vụ công tác tổng hợp và kinh kế bền vững cho vùng ĐBSCL.
Tại lễ khánh thành Trung tâm, các đại biểu đã được nghe chuyên gia, nhà khoa học giới thiệu hệ thống thông tin của Trung tâm dữ liệu; ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI và máy học trên một số bài toán thực tế; các giải pháp tạo lập dữ liệu và ứng dụng nền tảng mô hình thủy động lực đối với bài toán quản lý tài nguyên nước trong việc chia sẻ dữ liệu với các bên liên quan và năng lực xử lý của hạ tầng công nghệ thông tin và giới thiệu tính ứng dụng máy bay không người lái (UAV).
Về cách thức hoạt động, các trạm quan trắc (được xây dựng theo các tiểu dự án) sẽ đồng thời truyền thông tin về các đơn vị thụ hưởng và về Trung tâm Dữ liệu vùng ĐBSCL để dùng chung cho các Bộ, ngành, địa phương. Nội dung và quy mô của dự án là thu thập dữ liệu; chuẩn hóa, tích hợp cơ sở dữ liệu; phân tích, thiết kế mô hình, thiết kế bản tin và báo cáo mẫu; mua và xây dựng phần mềm ứng dụng; xây dựng hành lang pháp lý, tuyên truyền; đào tạo chuyển giao công nghệ. Trong đó, thu thập dữ liệu lịch sử, hiện trạng trong thời gian thực hiện dự án, làm nền cho việc cập nhật số liệu sau này liên quan về tài nguyên và môi trường và một số lĩnh vực liên quan khác vùng ĐBSCL; chuẩn hóa, tích hợp cơ sở dữ liệu ĐBSCL như phân tích nội dung thông tin dữ liệu, thiết kế mô hình cơ sở dữ liệu tích hợp, xây dựng bản đồ nền dạng, xây dựng cơ sở dữ liệu sạt lở bờ sông, bờ biển, chuyển giao cơ sở dữ liệu, xác định xu thế sạt lở bờ sông, bờ biển và đào tạo chuyển giao công nghệ; giám sát thay đổi sử dụng đất, cơ cấu cây trồng bằng công nghệ viễn thám. Việc đào tạo hướng dẫn vận hành đã triển khai cơ bản nhằm giúp sớm đưa Trung tâm vào hoạt động.
Trung tâm dữ liệu ra đời nhằm phục vụ người dân có được thông tin để chủ động trong sản xuất nhằm tăng năng suất cây trồng, cung cấp thông tin kịp thời và chính xác giúp nhà khoa học có thể đưa ra các giải pháp, cải tiến kỹ thuật nhằm phát triển nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, hữu ích đối với nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội của vùng ĐBSCL và hướng tới mục tiêu đưa ĐBSCL thành “đồng bằng thông minh” trong tương lai.