Cầu Mỹ Thuận 2 - biểu tượng năng lực Việt
Ngày 24.12, tại điểm cầu Vĩnh Long, Tiền Giang, Bộ Giao thông Vận tải phối hợp UBND tỉnh Vĩnh Long, UBND tỉnh Tiền Giang tổ chức Lễ khánh thành cầu Mỹ Thuận 2 và đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ.
Dự tại điểm cầu Tiền Giang có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Trung ương Đảng, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, đại diện lãnh đạo Bộ, ngành trung ương và Tỉnh ủy, UBND, MTTQ Việt Nam các tỉnh Tiền Giang, TP Cần Thơ, Bến Tre, Trà Vinh cùng tham dự.
Theo đó, cầu Mỹ Thuận 2, cách cầu Mỹ Thuận hiện hữu 350m về phía thượng lưu. Dự án được khởi công vào tháng 2.2020. Cầu có chiều dài hơn 6,6km, trụ cao 125,5m, 128 bó cáp văng và 32 đốt đúc. Trong đó, cầu chính dài hơn 1,9 km, nhịp chính dài 650m, thiết kế 6 làn xe, vận tốc thiết kế 80 km/h.
Dự án có vốn đầu tư 5.000 tỷ đồng, Đây là dự án cầu dây văng lớn, phức tạp được người Việt thiết kế thi công. Dự án này do Ban quản lý dự án 7 (Bộ Giao thông Vận tải) làm chủ đầu tư.
Cầu Mỹ Thuận 2 có điểm đầu nối dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận; điểm cuối kết nối cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ. Đây là cây cầu dây văng lớn, dài và rộng do người Việt Nam thiết kế và thi công và đưa vào sử dụng sau 3 năm khởi công.
Kết nối với cầu Mỹ Thuận 2 là phần đường dẫn hai đầu cầu dài 4,73km, trong đó phía tỉnh Tiền Giang 4,33km, phía tỉnh Vĩnh Long 0,4km. Cấp đường phục vụ ô tô cao tốc, vận tốc thiết kế 100km/h.
Giai đoạn trước đầu, phân kỳ đầu tư với quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường phía tỉnh Tiền Giang 17m, lệch phía phải tuyến tương tự như dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.
Phía tỉnh Vĩnh Long, bề rộng nền đường 25m, đồng bộ với bề rộng mặt cầu. Giai đoạn hoàn chỉnh sẽ đầu tư xây dựng 6 làn xe, bề rộng nền đường khoảng 32m.
Ông Bùi Mạnh Hùng, Giám đốc Công ty xây dựng và lắp máy Trung Nam, đại diện liên danh các nhà thầu bày tỏ lời cảm ơn đến sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Bộ, ngành trung ương và các địa phương để công trình hoàn thành đúng tiến độ. Cây cầu Mỹ Thuận 2 sừng sững thông xe sau 3 năm khởi công là biểu tượng cho năng lực Việt, trí tuệ Việt đã hoàn thành.
Đại diện chính quyền tỉnh Tiền Giang, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh, cho rằng việc đưa cầu Mỹ Thuận 2 đi vào khai thác, sẽ giúp giảm ùn tắc giao thông trên tuyến QL1 đoạn qua miền Tây; giúp vận tải, vận chuyển hàng hoá kết nối tốt hơn với các địa phương khác và cả nước, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Đây là cơ sở để ĐBSCL phát triển hơn trong thời gian tới.
Cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ, luồng gió mới cho hạ tầng giao thông ĐBSCL
Tại điểm cầu Vĩnh Long, Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với UBND tỉnh Vĩnh Long và Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp tổ chức Lễ khánh thành Dự án đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ.
Dự tại điểm cầu Vĩnh Long có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch HĐND tỉnh Vĩnh Long Bùi Văn Nghiêm; Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu. Cùng dự có đại diện lãnh đạo HĐND , UBND các tỉnh thành trong khu vực
Công trình Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ là dự án thành phần thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 839/QĐ-TTg ngày 16.6.2020 và Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt dự án tại Quyết định số 1170/QĐ-BGTVT ngày 17.6.2020, với quy mô giai đoạn hoàn chỉnh 6 làn xe, vận tốc thiết kế 100km/h, chiều dài tuyến 23 km.
Dự án đi qua địa phận tỉnh Vĩnh Long và tỉnh Đồng Tháp, có điểm đầu tại Km107+363, thuộc phường Tân Hòa, thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long kết nối với Dự án cầu Mỹ Thuận 2; điểm cuối tại Km 130+337, thuộc địa phận thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long kết nối với QL1 tại nút giao Chà Và.
Dự án được phân kỳ đầu tư 4 làn xe, vận tốc thiết kế 80km/h; với tổng mức đầu tư hơn 4.800 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước do Ban Quản lý Dự án Mỹ Thuận làm chủ đầu tư. Bốn gói thầu dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ với tổng mức đầu tư hơn 4.800 tỷ đồng khởi công vào ngày 4.1.2021, hiện đã cơ bản hoàn thành và sẵn sàng thông xe, đưa vào khai thác.
Sau 3 năm thi công, các nhà thầu đã thắng được những khó khăn đặc thù của vùng như nền đất yếu, kênh rạch chằng chịt, thiếu cát…Dự án hoàn thành hứa hẹn mang lại luồng gió mới cho hạ tầng giao thông vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tuyến cao tốc dài gần 23km này sẽ rút ngắn khoảng cách và thời gian từ TP. Hồ Chí Minh về TP. Cần Thơ từ 3-4 giờ xuống còn hơn 2 giờ. Đây là một động lực to lớn khi đồng bằng đang trên đà phát triển mà vấn đề hạ tầng giao thông kém phát triển đã nhức nhối nhiều năm qua.
Phát biểu tại Lễ khánh thành, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Lữ Văn Ngời cho biết, để đảm bảo tính kết nối, phát huy hiệu quả đầu tư của tuyến đường cao tốc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 769 ngày 26.8.2023, trong thời gian tới, tỉnh Vĩnh Long sẽ tập trung huy động các nguồn lực, để đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội của địa phương, trong đó, tập trung đầu tư phát triển, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật (giao thông, thủy lợi…)
Đặc biệt là ưu tiên xây dựng trục động lực, các tuyến đường chính, các tuyến đường liên kết vùng, để tăng tính kết nối với tuyến cao tốc và từng bước hình thành, phát triển 2 hành lang kinh tế của tỉnh (hành lang kinh tế dọc sông Hậu, hành lang kinh tế dọc sông Tiền). Qua đó, phát triển hạ tầng các các khu, cụm công nghiệp, khu đô thị, dịch vụ, du lịch trên các hành lang kinh tế theo hướng xanh, bền vững; đồng thời, đầu tư các tuyến đường kết nối với tuyến cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ theo quy hoạch để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.