Đa dạng hóa truyền thông dân số
Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS - KHHGĐ) tỉnh Khánh Hòa Phan Văn Giáp, trong tháng 5 và 6.2020, tận dụng thời gian tình hình dịch cơ bản được kiểm soát, Chi cục đã phối hợp với các ban, ngành như Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên tổ chức tuyên truyền trực tiếp 108 buổi với 4.135 người tham dự; 27 buổi truyền thông về sàng lọc trước sinh và sơ sinh cho 675 người; tư vấn cho 1.215 người về mất cân bằng giới tính khi sinh và tổ chức 26 buổi nói chuyện chuyên đề cho 1.400 người.
Trước đó, ngành dân số tỉnh đã tập trung đẩy mạnh tuyên truyền trên các trang mạng xã hội facebook, zalo… Theo đó, ngành đăng tải các nội dung, thông điệp truyền thông, các chương trình mới được UBND tỉnh phê duyệt như Chiến lược Dân số đến năm 2030, Chương trình Điều chỉnh mức sinh đến năm 2030, Chương trình Truyền thông dân số đến năm 2030… Bên cạnh đó, các địa phương thường xuyên tổ chức tập huấn, truyền thông về chính sách dân số, tư vấn sức khỏe tiền hôn nhân cho từng nhóm đối tượng như đội ngũ cộng tác viên, chuyên trách dân số, vị thành niên - thanh niên.
Từ 2020 - 2025, ngành Dân số tỉnh Khánh Hòa đề ra nhiệm vụ thực hiện các mục tiêu dân số đến 100% tổ chức đảng, chính quyền, cơ quan, ban, ngành, đoàn thể; 85% các cặp vợ chồng, nam, nữ trong độ tuổi sinh đẻ hiểu biết đầy đủ về lợi ích của cuộc vận động mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ 2 con; 95% cán bộ và nhân viên y tế, cơ sở y tế hiểu và thực hiện đúng các quy định của pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi. Phấn đấu 70% phụ nữ mang thai đồng ý tham gia tầm soát trước sinh, 85% bà mẹ đồng ý tầm soát sơ sinh; 80% trẻ vị thành niên, thanh niên hiểu và có kỹ năng thực hành về dân số, sức khỏe sinh sản, KHHGĐ; 70% cha mẹ có con trong tuổi vị thành niên, thanh niên ủng hộ, hướng dẫn con cái chủ động tìm hiểu về sức khỏe sinh sản lứa tuổi; 75% người cao tuổi hiểu và áp dụng các kiến thức về các biện pháp chăm sóc sức khỏe phù hợp…
Nhờ sự đa dạng hóa trong công tác truyền thông, số người dân được tiếp cận với các nội dung về DS - KHHGĐ của tỉnh được tăng lên đáng kể. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã có 3.847 lượt thai phụ sàng lọc trước khi sinh, phát hiện 14 ca nguy cơ cao, 2 ca Down và 6 ca dị tật khác; thực hiện 637 ca sàng lọc sơ sinh, phát hiện 15 trường hợp có nguy cơ cao thiếu men G6PD. Đồng thời, ngành duy trì hoạt động mô hình tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân tại 10/12 câu lạc bộ (điểm), thu hút 886 lượt vị thành niên - thanh niên tham gia; duy trì các hoạt động rà soát, thu thập, cập nhật thông tin biến động về DS - KHHGĐ nhằm nâng cao chất lượng báo cáo thống kê điện tử.
Cần nỗ lực hơn nữa
Ông Phan Văn Giáp cũng chia sẻ, hiện nay, công tác DS - KHHGĐ trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế như mức sinh giữa các vùng, miền còn chênh lệch đáng kể; dân số đang già hóa nhanh; tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh đã ở mức cao 110,6 trẻ trai/100 trẻ gái (năm 2019); tuổi thọ bình quân tăng nhưng số năm sống khỏe mạnh thấp so với nhiều nước; tình hình phân bố dân số, quản lý nhập cư, di dân còn bất cập. Bên cạnh đó, việc tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người di cư và ở một số đô thị, khu công nghiệp còn nhiều hạn chế. Trong khi đó, công tác truyền thông, cung cấp dịch vụ chưa toàn diện, mới chỉ chủ yếu tập trung vào lĩnh vực KHHGĐ… Vì vậy, để kế hoạch hoạt động chương trình truyền thông dân số trên địa bàn tỉnh đến năm 2030 đi đúng hướng và đạt các mục tiêu đề ra, rất cần sự chung tay phối hợp của các cấp chính quyền, ban, ngành, đoàn thể, người dân và sự chia sẻ, đồng hành của toàn xã hội.
Cũng theo ông Giáp, để khắc phục những tồn tại trên, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông toàn diện và tập trung xây dựng các mô hình hoạt động về dân số và phát triển; đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm truyền thông phù hợp cho các đơn vị, địa phương, ưu tiên tuyến cơ sở, nhất là các xã nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng bị thiên tai; phát huy vai trò đội ngũ cán bộ, cộng tác viên làm công tác dân số, y tế cơ sở nhằm hình thành và duy trì bền vững hành vi tích cực của các tầng lớp nhân dân về dân số và phát triển. Song song đó, sẽ đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực, kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ truyền thông dân số, báo cáo viên, tuyên truyền viên các ngành; triển khai, nhân rộng các điển hình tiên tiến, mô hình hiệu quả về truyền thông; đẩy mạnh xã hội hóa công tác truyền thông, huy động sự tham gia, đóng góp phương tiện, nguồn lực của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp cho công tác truyền thông về dân số và phát triển…
“Để khắc phục những khó khăn, tồn tại nhằm hoàn thành mục tiêu trước mắt đến 2025 và xa hơn là 2030, nỗ lực của một mình ngành dân số là chưa đủ, đã là chương trình mục tiêu quốc gia thì cần sự chung tay của toàn bộ hệ tống chính trị, trong đó việc đầu tư kinh phí và công tác dân vận đóng vai trò trụ cột của công tác dân số” - ông Giáp nhấn mạnh.