Chuyển đổi du lịch xanh toàn diện, bền vững
Du lịch là ngành kinh tế quan trọng của Khánh Hòa, chính vì vậy “xứ Trầm” luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến ngành công nghiệp “không khói” này. Đặc biệt, du lịch xanh đang là xu hướng phát triển của thế giới. Những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp du lịch ở Nha Trang - Khánh Hòa đã quan tâm đến phát triển du lịch xanh với việc hạn chế dùng đồ nhựa một lần; xây dựng các mô hình du lịch thân thiện với môi trường, phát huy giá trị văn hóa bản địa vào hoạt động du lịch… Tuy nhiên, việc phát triển du lịch xanh mới chỉ ở bước đầu, ngành Du lịch tỉnh cần hướng tới chuyển đổi xanh toàn diện, phát triển du lịch bền vững…
Chính vì vậy, Sở Du lịch đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng Kế hoạch phát triển du lịch xanh và bền vững đến năm 2030 với mục tiêu đóng góp quan trọng cho phát triển du lịch tỉnh Khánh Hòa. Góp phần phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, bảo tồn và phát huy các giá trị về văn hóa, lịch sử, văn hóa cộng đồng, cảnh quan thiên nhiên.
Phát triển sản phẩm, du lịch xanh nhằm khai thác các điểm du lịch mới, đa dạng, hấp dẫn, phù hợp nhu cầu thị trường khách du lịch. Qua đó, thu hút thị trường khách có mức chi tiêu cao, thời gian lưu trú dài ngày, có ý thức hành động văn minh khi tham gia du lịch, huy động sự tham gia của các cơ quan quản lý nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp du lịch, thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển du lịch xanh.
Theo kế hoạch, mục tiêu đến năm 2030, Khánh Hòa có 80% các điểm du lịch, cơ sở kinh doanh du lịch được dán nhãn xanh. 80% cơ sở kinh doanh du lịch phát sinh nước thải từ 10m3/ngày trở lên có công trình, thiết bị, hệ thống xử lý nước thải bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật môi trường. 80% cơ sở kinh doanh du lịch cam kết không sử dụng sản phẩm nhựa một lần, túi ni lông khó phân hủy. 95% cơ sở kinh doanh du lịch đầu tư và sử dụng năng lượng tái tạo. 4 tuyến điểm du lịch kết nối các khu/điểm đến du lịch xanh trong toàn tỉnh; 4 sản phẩm du lịch xanh được đưa vào khai thác tại mỗi khu/điểm du lịch.
Xây dựng tour du lịch xanh
Để hoàn thành mục tiêu đặt ra, tỉnh sẽ tổ chức khảo sát, phân tích, đánh giá, lập danh mục các điểm du lịch, các sản phẩm du lịch để đầu tư, phát triển thành sản phẩm du lịch xanh trên địa bàn. Kết nối các điểm du lịch xanh, xây dựng tour du lịch xanh. Đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng công nghệ thiết yếu; tổ chức quản lý, bảo đảm xanh, sạch, đẹp, an toàn. Đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên về du lịch xanh, có kỹ năng điều hành, hướng dẫn doanh nghiệp du lịch thực hiện mô hình du lịch xanh, bền vững.
Triển khai chiến lược định vị thương hiệu du lịch xanh, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cộng đồng, khách du lịch, doanh nghiệp về phát triển du lịch xanh, bền vững. Xây dựng thông tin, dữ liệu và quảng bá xúc tiến du lịch xanh Khánh Hòa trong và ngoài nước. Cùng với đó, UBND tỉnh giao cho Sở Du lịch giữ vai trò đầu mối tham mưu thực hiện kế hoạch; chủ động đổi mới nội dung, phương thức xúc tiến, quảng bá du lịch; tăng cường kết nối hạ tầng dịch vụ, hỗ trợ, gia tăng trải nghiệm, giữ chân du khách, chú trọng phát triển, khai thác phân khúc thị trường theo sản phẩm chuyên đề Khánh Hòa có thế mạnh.
Ngành Du lịch cho biết sẽ đẩy mạnh triển khai chiến lược định vị thương hiệu du lịch xanh. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cộng đồng, khách du lịch, doanh nghiệp về phát triển du lịch xanh, bền vững. Xây dựng thông tin, dữ liệu và quảng bá xúc tiến du lịch xanh của tỉnh trong và ngoài nước. Trong đó, có việc thành lập Trung tâm điều hành thông tin, hỗ trợ khách du lịch; xây dựng bản đồ số du lịch xanh tại Khánh Hòa; xây dựng ứng dụng thông minh kết nối khách du lịch, người dân đến các điểm vui chơi, du lịch xanh. Các sở, ngành, địa phương cũng sẽ đẩy mạnh các chương trình bảo vệ môi trường như: giảm thiểu rác thải nhựa, phân loại chất thải rắn sinh hoạt; trồng cây xanh để tạo môi trường xanh - sạch - đẹp; tiếp tục triển khai kế hoạch tổng thể phục hồi vịnh Nha Trang...
Cùng với đó, để tạo điều kiện thuận lợi cho du khách đến với Khánh Hòa, UBND tỉnh đã đề nghị Cục Hàng hải Việt Nam xem xét mở rộng vùng nước cảng biển Khánh Hòa khu vực vịnh Nha Trang ra đến Đầm Nha Phu nhằm đưa Bến du thuyền quốc tế Ana Marina vào trong vùng nước cảng biển. Cấp phép khu vực neo đậu mới ở phía Bắc Nha Trang tạo điều kiện cho các tàu quốc tế có thể đưa khách vào Bến du thuyền Ana Marina. Giúp các hãng tàu có thêm lựa chọn điểm đến khi đưa khách đến Khánh Hòa. Việc mở rộng vùng nước cảng biển sẽ tạo thuận lợi để thiết lập thêm các khu neo đậu dành cho tàu khách, du thuyền và phát triển hoạt động hàng hải, du lịch tại phía Bắc vịnh Nha Trang.
Với đề nghị này, Cục Hàng hải Việt Nam đã đồng ý về chủ trương sẽ bố trí điểm neo đậu tạm thời ở phía Bắc Nha Trang để tàu du lịch quốc tế có thể trung chuyển khách vào Bến du thuyền Ana Marina. Đồng thời đề nghị, Cảng vụ Nha Trang làm việc với UBND tỉnh để mở rộng vùng nước cảng biển ra hết đầm Nha Phu; làm việc với đơn vị tư vấn để rà soát, bố trí khu vực cho tàu neo đậu tránh trú bão, hướng đến phát triển các dịch vụ tàu thuyền vui chơi giải trí ở khu vực này.