Cần thêm nhiều khu thiết chế công đoàn
Toàn tỉnh Đồng Nai hiện có trên 450.000 lao động đang ở trọ; với mức thu nhập chưa cao, nhiều lao động xa quê phải lựa chọn thuê những căn phòng trọ giá rẻ, thiếu không gian giải trí, sinh hoạt hàng ngày. Để giúp công nhân nâng cao đời sống tinh thần, hàng năm, công đoàn và công ty TNHH Saitex International Đồng Nai (KCN Amata) đã thường xuyên tổ chức hội thao với đa dạng các môn thi đấu giúp công nhân có dịp giao lưu, rèn luyện sức khỏe, tái tạo sức lao động.
Tuy nhiên, theo anh Nguyễn Hoàng Nam, nhu cầu giải trí của công nhân rất lớn, do vậy, mỗi năm chỉ tham gia hội thao được một lần là quá ít. Trong khi đó, ở gần các KCN, công nhân không có địa điểm để giải trí, tập luyện thể thao; anh Nam và nhiều công nhân khác hy vọng, xung quanh các KCN sẽ sớm có thêm khu thiết chế văn hóa để công nhân có nơi giao lưu, nâng cao đời sống, yên tâm sản xuất.
Hơn chục năm làm cán bộ công đoàn chuyên trách, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Sakurai Việt Nam Nguyễn Hữu Quang trăn trở, nhiều năm nay, hơn 12.000 công nhân lao động của công ty vẫn chủ yếu miệt mài làm việc, ít có điều kiện vui chơi, giải trí. “Chúng tôi muốn tổ chức hoạt động văn hóa, thể thao nào đều phải đi thuê địa điểm. Nếu tổ chức giải bóng đá thì thuê sân, tổ chức thi đấu bóng chuyền phải thuê nhà luyện tập thể thao. Tuy nhiên, tiền thuê cũng là kinh phí công đoàn bỏ ra, là tiền của người lao động đóng góp”, anh Quang tâm sự.
Qua khảo sát, đánh giá nhu cầu nhà ở công nhân tại một số địa phương của Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam cho thấy, các thiết chế văn hóa, thể thao và các tiện ích công cộng hiện chưa được đầu tư đúng mức hoặc đang dần xuống cấp. Trong bán kính từ 3 - 5km quanh nơi người lao động sống, có 43,7% người lao động cho biết, khu vực đó thiếu các thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ tiện ích của người lao động.
Đẩy nhanh xây dựng thiết chế công đoàn
Ngay sau khi Luật Nhà ở có hiệu lực từ 1.8.2024 và trên cơ sở các tỉnh giới thiệu khu đất cho Tổng LĐLĐ Việt Nam để xây dựng Dự án Thiết chế Công đoàn, Ban Quản lý Dự án Thiết chế Công đoàn (Tổng LĐLĐ Việt Nam) đã khảo sát việc thực hiện xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân thuê và khu thiết chế văn hóa, thể thao. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện còn gặp phải một số vướng mắc, khó khăn từ việc phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 đến kế hoạch phân khu…
Theo Trưởng Ban Quản lý Dự án Thiết chế Công đoàn Lê Văn Nghĩa, mặc dù các tỉnh, thành đã phê duyệt kế hoạch phân khu 1/2.000, phù hợp với quy hoạch chi tiết của Tổng LĐLĐ Việt Nam dự kiến, song còn vướng mắc về thời gian, tiến độ quy hoạch, đơn vị thẩm định còn quá dài. Dẫn đến tổng thời gian chuẩn bị đầu tư từ khi lập quy hoạch chi tiết 1/500 đến khi phê duyệt dự án nếu nhanh phải mất từ 1 - 1,5 năm. Điều này gây ảnh hưởng rất lớn đến quá trình thực hiện dự án.
Xác định việc xây dựng các khu thiết chế là yêu cầu cấp bách, thiết thực, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các KCN, khu chế xuất. Theo đó, trong giai đoạn 2024 - 2025, Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ phấn đấu khởi công 3 dự án nhà ở tại 3 tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Bắc Ninh. Để đạt được mục tiêu này, Tổng LĐLĐ Việt Nam mong muốn UBND các tỉnh, thành sẽ hỗ trợ, giúp đỡ về quy hoạch chi tiết; đánh giá tác động môi trường; thẩm tra, thẩm định thiết kế bản vẽ cơ sở, bản vẽ thi công; công tác giao và cho thuê đất. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng, nếu được triển khai sớm sẽ bảo đảm tiến độ thực hiện các dự án.