Triển khai đồng bộ, hiệu quả
Tờ trình về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP) năm 2022 do Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày. Theo đó, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trên tất cả các lĩnh vực nhằm huy động, quản lý, sử dụng tiết kiệm, hợp lý, hiệu quả các nguồn lực đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế - xã hội, phát triển bền vững; thực hiện nghiêm các quy định của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Về kết quả THTK, CLP trong ban hành, thực hiện định mức, tiêu chuẩn ngày càng được bổ sung, hoàn thiện, đồng bộ hơn theo hướng minh bạch, dễ tiếp cận, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, tình trạng nợ đọng, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh chưa được khắc phục triệt để.
Về quản lý, điều hành ngân sách nhà nước, Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, tổng hợp số cắt giảm của các bộ, cơ quan trung ương được khoảng 716,9 tỷ đồng; tiết kiệm do thực hiện cơ chế khoán chi, giao quyền tự chủ tài chính theo chế độ quy định của các bộ ngành, địa phương năm 2022 là 3.494 tỷ đồng… Công tác quản lý, mua sắm tài sản công tại các bộ, ngành và địa phương năm 2022 tiếp tục chuyển biến, đảm bảo chặt chẽ, tiết kiệm.
Trong tổ chức bộ máy, quản lý, sử dụng lao động và thời gian lao động trong khu vực nhà nước, các bộ, ngành trung ương giảm 17 tổng cục và tổ chức tương đương, 8 cục thuộc tổng cục và thuộc bộ, 145 vụ/ban thuộc tổng cục và thuộc bộ, 90% phòng trong vụ, các địa phương giảm 7 sở và 711 tổ chức phòng thuộc cơ quan chuyên môn UBND cấp tỉnh và cấp huyện… Tuy nhiên, công tác phối hợp giữa các bộ, cơ quan có lúc, có nơi còn rời rạc, thiếu gắn kết, chưa kịp thời, chất lượng chưa cao; xuất hiện tình trạng một bộ phận nhỏ cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, chuyển việc, nhất là trong lĩnh vực quản lý nhà nước, y tế, giáo dục.
Về nhiệm vụ, giải pháp năm 2023, Chính phủ xác định tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; triệt để tiết kiệm, chống lãng phí, tiếp tục cắt giảm các khoản chi thường xuyên, các nhiệm vụ chi không thực sự cấp bách; tăng cường xây dựng, hoàn thiện thể chế; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với xây dựng Chính phủ điện tử, xây dựng Chính phủ số…
Phân tích sâu hơn các tồn tại, hạn chế
Báo cáo Thẩm tra sơ bộ Kết quả THTK, CLP năm 2022 do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phạm Thúy Chinh trình bày. Theo đó, cơ quan thẩm tra ghi nhận, công tác THTK, CLP năm 2022 đã có nhiều chuyển biến. Nhận thức, trách nhiệm về THTK, CLP của các bộ, ngành, địa phương được nâng lên ngay trong quá trình tổ chức giám sát chuyên đề của Quốc hội “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành, tiết kiệm chống lãng phí giai đoạn 2016-2021” và sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 63/2022/QH15 ngày 16.6.2022, Nghị quyết số 74/2022/QH15 ngày 15.11.2022 về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về THTK, CLP.
Tuy nhiên, Chính phủ mới chỉ liệt kê các kết quả đạt được mà chưa có đánh giá, phân tích mối quan hệ, sự chuyển biến trong tổ chức thực hiện và kết quả THTK, CLP với việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, chế độ, định mức; những tồn tại, hạn chế, bất cập trong báo cáo chưa tương xứng với những nội dung về kết quả đạt được.
Bên cạnh đó, công tác chỉ đạo, điều hành còn hạn chế; chưa tuân thủ nghiêm quy định về thời hạn lập, gửi Chương trình và Báo cáo THTK, CLP; tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu chưa được phát huy; việc xây dựng chính sách pháp luật và các quy định về định mức, tiêu chuẩn, chế độ và cải cách hành chính chưa thực sự đáp ứng đầy đủ yêu cầu thực tiễn; còn diễn ra tình trạng lãng phí ở nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị; việc mua sắm, sử dụng phương tiện, thiết bị làm việc của một số cơ quan, tổ chức trong khu vực nhà nước còn chưa tuân thủ nghiêm các quy định hiện hành; việc quản lý, sử dụng trang thiết bị làm việc, nhà đất, tài sản công còn có biểu hiện lãng phí…
Do đó, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ bổ sung báo cáo đánh giá, phân tích sâu sắc, đầy đủ hơn những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân trong công tác THTK, CLP và các giải pháp khắc phục theo từng nội dung báo cáo. Công khai danh sách Bộ, ngành, địa phương chậm ban hành chương trình THTK, CLP năm 2022 và năm 2023 trên các phương tiện thông tin đại chúng; khẩn trương xây dựng kế hoạch triển khai và xác định thời điểm hoàn thành các nhiệm vụ và giải pháp quy định tại Nghị quyết số 74/2022/QH15 của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ Sáu và Kỳ họp thứ Mười…
Qua thảo luận tại phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao quyết tâm của Chính phủ trong chỉ đạo, điều hành công tác THTK, CLP khi đạt được nhiều kết quả và có chuyển biến tích cực. Đặc biệt, trong năm 2022, Quốc hội đã có giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành, tiết kiệm chống lãng phí giai đoạn 2016-2021” và ban hành Nghị quyết số 63/2022/QH15 ngày 16.6.2022, Nghị quyết số 74/2022/QH15 ngày 15.11.2022 về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về THTK, CLP.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng thẳng thắn chỉ rõ, việc lãng phí, tình trạng lãng phí còn vi phạm, sai sót ở mức độ khác nhau, đặc biệt là trong lĩnh vực quản lý ngân sách, đầu tư công, mua sắm, quản lý đất đai, tài sản công, nhất là thủ tục hành chính của các bộ, ngành, các địa phương còn gây phiền hà, cản trở cho doanh nghiệp và người dân, ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước…
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị, cần nghiên cứu lại thời điểm báo cáo của Chính phủ; đồng thời, bám sát các chủ trương, các nghị quyết của Đảng, của Bộ Chính trị, Ban Bí thư để báo cáo có trọng tâm, trọng điểm, đánh giá rõ về chuyển biến trong nhận thức và hành động, nêu rõ hạn chế, tồn tại cơ bản, nguyên nhân và trách nhiệm.
Cơ bản thống nhất với các nhiệm vụ giải pháp năm 2023 Chính phủ đã nêu, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị cần có giải pháp đẩy mạnh THTK, CLP; tiếp tục khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong đấu thầu, chỉ định thầu, chào hàng cạnh tranh ở các bộ, ngành và các địa phương trong mua sắm, quản lý đầu tư công, đất đai, tài sản công, cổ phần hóa. Sửa đổi, bổ sung hoàn thiện cơ chế chính sách về định mức, tiêu chuẩn chế độ; khắc phục tình trạng phân bổ dự toán chậm, giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp; tiếp tục sắp xếp, tổ chức lại bộ máy biên chế của các cơ quan nhà nước, tiết kiệm chi; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; đẩy mạnh hơn nữa cải cách hành chính và nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi nhiệm vụ.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng đề nghị, Chính phủ nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để bổ sung, hoàn thiện báo cáo; Ủy ban Tài chính - Ngân sách hoàn thiện Báo cáo thẩm tra để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Năm tới.