Khẩn trương rà soát ban hành danh mục các đối tượng thụ hưởng
Trong bối cảnh thời gian thực hiện Chương trình chỉ còn hơn 1 năm, do đó Chính phủ cần khẩn trương rà soát ban hành ngay danh mục các đối tượng thụ hưởng cụ thể để xây dựng kế hoạch triển khai và quyết liệt chỉ đạo các địa phương tập trung thực hiện.
Đây là kiến nghị đưa ra tại phiên thảo luận Tổ 17 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh: Lai Châu, Gia Lai và An Giang) về Điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, chiều nay, 25.5.

Theo đánh giá của các đại biểu, Chương trình mục tiêu quốc gia quan trọng này có ý nghĩa, vai trò rất lớn trong phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Từ các nguồn lực của Chương trình đã thực sự giải quyết những nhu cầu cấp thiết, đa dạng của khu vực này, như: tăng cường kết cấu hạ tầng nông thôn, miền núi; nâng cao chất lượng đời sống cho người dân…

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng thẳng thắn chỉ rõ, quá trình tổ chức triển khai thực hiện đã phát sinh một số khó khăn, vướng mắc; ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân và kết quả thực hiện chương trình. Do đó, cần thiết phải điều chỉnh nội dung tại chủ trương đầu tư; nhất là quy định về nguồn vốn của Chương trình…

Theo các đại biểu việc nhận diện được những rào cản, vướng mắc và tìm được giải pháp căn cơ để giải quyết những vấn đề tồn đọng là hết sức cần thiết, góp phần giúp Chương trình thực sự là “điểm tựa” cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.


Theo ĐBQH Lê Hoàng Anh (Gia Lai) cần cân nhắc về sự cần thiết điều chỉnh chủ trương đầu tư trong bối cảnh thời gian thực hiện Chương trình chỉ còn hơn 1 năm. Do đó, Chính phủ phải khẩn trương rà soát ban hành ngay danh mục các đối tượng thụ hưởng cụ thể để xây dựng kế hoạch triển khai và quyết liệt chỉ đạo các địa phương tập trung thực hiện.

Liên quan đến đề xuất điều chỉnh nguồn vốn, hiện đang có nhiều ý kiến băn khoăn về nguồn vốn đầu tư và nguồn vốn sự nghiệp. Có ý kiến đại biểu đề nghị, nghị quyết chung của kỳ họp này cần nêu cụ thể hơn về các nguồn vốn này.

Về phê duyệt và đầu tư các dự án đầu tư thuộc nội dung điều chỉnh, một số đại biểu bày tỏ đồng tình với nguyên tắc phù hợp với quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh, định hướng phát triển ngành, lĩnh vực.


Thực tế giám sát, nắm bắt tình hình tại các địa phương, các đại biểu cho rằng, việc đào tạo nghề cho người dân vùng miền núi đồng bào dân tộc thiểu số hiện rất khó khăn do ít có trường nghề, trung tâm dạy nghề ở khu vực này. Nếu từ đồng bằng lên mở chi nhánh đào tạo ở khu vực này cũng rất khó khăn vì người dân sống phân tán, khó đủ quy mô để mở chi nhánh, trong khi đào tạo quy mô nhỏ cũng khó tồn tại được. Đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng học sinh miền núi, người dân tộc thiểu số khó tiếp cận dạy nghề mà về vùng đô thị học thì không được nhận sự hỗ trợ từ Chương trình.
Nêu vấn đề này, có ý kiến đề nghị, cần hỗ trợ trường dạy nghề, trung tâm đào tạo nghề có đào tạo người ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi dù nằm ở các khu vực khác, thậm chí cả ở khu vực đồng bằng...