Công tác chuẩn bị bầu cử tại Thái Nguyên

Khẩn trương, nghiêm túc

- Chủ Nhật, 02/05/2021, 05:14 - Chia sẻ
Công tác tuyên truyền bầu cử luôn được chúng tôi quan tâm chú trọng cả về chiều rộng và chiều sâu, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, vùng có đồng bào dân tộc thiểu số; tuyên truyền bằng cả tiếng phổ thông và tiếng đồng bào dân tộc, để cử tri mọi lứa tuổi, thành phần dân tộc đều có thể hiểu và thực hiện đầy đủ quyền, nghĩa vụ. Qua đó, nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp Nhân dân về tầm quan trọng, ý nghĩa của cuộc bầu cử để tích cực hưởng ứng tham gia và thực sự coi đó là Ngày hội của toàn dân... Đó là chia sẻ của Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử (UBBC) tỉnh Thái Nguyên PHẠM HOÀNG SƠN với phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân về công tác chuẩn bị bầu cử.

Đúng lộ trình, bảo đảm chất lượng

- Thời gian qua cùng với cả nước, Thái Nguyên đã tích cực triển khai thực hiện kế hoạch bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Xin ông cho biết công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử ở tỉnh đến thời điểm hiện tại?

- Ngay sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết về Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Nguyên đã sớm thành lập ban chỉ đạo, xây dựng kế hoạch, đồng bộ triển khai thực hiện cuộc bầu cử trên địa bàn toàn tỉnh; thành lập Ủy ban Bầu cử cấp tỉnh, phân công nhiệm vụ cho từng thành viên; hướng dẫn các huyện, thành phố, thị xã, các xã, phường, thị trấn thành lập ban chỉ đạo và ban hành kế hoạch để lãnh đạo, chỉ đạo công tác bầu cử ở địa phương, bảo đảm đúng tinh thần Chỉ thị số 45-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Trong đó, đặc biệt chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các nội dung về nghiệp vụ công tác bầu cử; Hội nghị hiệp thương và tiếp xúc vận động bầu cử; tham mưu công tác nhân sự, tiếp nhận đơn, thư, xem xét, giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến bầu cử; phương án bảo đảm an ninh, trật tự, y tế; công tác thông tin, tuyên truyền, nắm bắt tình hình của nhân dân được tiến hành thường xuyên, liên tục.

Qua 3 lần hiệp thương, tỉnh Thái Nguyên đã thống nhất lập danh sách 13 người ứng cử ĐBQH khóa XV, 7 đại biểu được bầu (trong đó, Trung ương là 3 người và tỉnh Thái Nguyên là 10 người); 105 người ứng cử đại biểu HĐND tỉnh khóa XIV, 66 đại biểu được bầu; 532 người ứng cử đại biểu HĐND cấp huyện, 319 đại biểu được bầu và 6.773 người ứng cử đại biểu HĐND cấp xã, 4.074 đại biểu được bầu. 

Đến nay, công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử tại các địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh được thực hiện đúng lộ trình, bảo đảm chất lượng và quy định của pháp luật. Theo đó, có 9/9 huyện, thành phố, thị xã và 178/178 xã, phường, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh đã thành lập ủy ban bầu cử, ban bầu cử và tổ bầu cử. Tỉnh Thái Nguyên đã thành lập 3 Ban bầu cử đại biểu Quốc hội và 27 Ban bầu cử đại biểu HĐND tỉnh; kiện toàn 88 ban bầu cử cấp huyện và 1.358 ban bầu cử cấp xã; toàn tỉnh sẽ có 1.444 khu vực bỏ phiếu, tương ứng với 1.444 tổ bầu cử.

Để công tác chuẩn bị bầu cử được tiến hành chặt chẽ, đúng quy định, hoạt động kiểm tra, giám sát cũng được triển khai tích cực, hiệu quả, nhằm đánh giá đúng tình hình tổ chức, thực hiện; kịp thời khắc phục những tồn tại, thiếu sót và giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình chuẩn bị bầu cử tại địa phương. UBBC tỉnh đã xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát thường xuyên, đột xuất, thành lập 4 đoàn để thực hiện 3 đợt kiểm tra, giám sát công tác chuẩn bị bầu cử, từ ngày 15.3 - 20.5 và thực hiện kiểm tra trước, trong ngày bầu cử (ngày 21.5, 22.5, 23.5); đồng thời Ủy ban MTTQ tỉnh, Ủy ban bầu cử các cấp và các Ban bầu cử đã xây dựng kế hoạch giám sát, kiểm tra theo thẩm quyền.

7 nhiệm vụ trọng tâm

- Để cuộc bầu cử được tiến hành dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm và thực sự là ngày hội của toàn dân, trong thời gian tới, UBBC tỉnh và UBBC các cấp trong tỉnh sẽ tập trung vào những vấn đề trọng tâm gì, thưa ông?

- Chúng tôi tập trung vào 7 nhiệm vụ trọng tâm. Một là, tiếp tục tổ chức tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh về ý nghĩa và tầm quan trọng của cuộc bầu cử; các quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND; về vị trí, vai trò của Quốc hội và HĐND trong bộ máy Nhà nước; vai trò của người đại biểu nhân dân; về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của công dân trong xây dựng bộ máy Nhà nước trong sạch, vững mạnh, hiệu lực, hiệu quả. Mỗi cán bộ, đảng viên phải gương mẫu, đề cao trách nhiệm, tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia cuộc bầu cử.

Hai là, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác nhân sự; bảo đảm phát huy dân chủ và sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của cấp ủy trong công tác cán bộ; bảo đảm cơ cấu, tỷ lệ, thành phần, đáp ứng với thực tế của từng địa phương, đơn vị.

Ba là, chú trọng công tác niêm yết danh sách cử tri, bảo đảm đúng, đủ, không bỏ sót, chuẩn bị các điểm bỏ phiếu; nắm tình hình, tâm tư, nguyện vọng của cử tri, kịp thời giải thích, tuyên truyền và giải quyết các vụ việc phát sinh liên quan đến bầu cử.

Bốn là, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp phối hợp chặt chẽ để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, tư tưởng trong nhân dân; có giải pháp phù hợp, kịp thời đối với những vấn đề nhạy cảm, vấn đề có thể phát sinh. Đồng thời, tạo điều kiện cho đông đảo các tầng lớp nhân dân được tiếp cận những thông tin chính thống, tích cực, tránh để các thế lực phản động lợi dụng kích động, dẫn dắt dư luận xã hội, phá hoại cuộc bầu cử.

Năm là, phát huy vai trò tuyên truyền, vận động của người có uy tín, sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên, cùng với việc xây dựng và triển khai các phương án bảo đảm an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội, giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các khiếu nại, tố cáo của công dân. Kiên quyết đấu tranh phòng, chống mọi luận điệu xuyên tạc; âm mưu, hoạt động phá hoại cuộc bầu cử, lợi dụng bầu cử để gây rối an ninh, trật tự, âm mưu chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Sáu là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện pháp luật về bầu cử; triển khai thực hiện tốt kế hoạch kiểm tra, giám sát, tập trung kiểm tra tại cơ sở về các nội dung như niêm yết danh sách cử tri, danh sách những người ứng cử; điều kiện cơ sở vật chất phục vụ bầu cử; công tác tuyên truyền, bảo đảm an ninh trật tự xã hội và y tế.

Bảy là, xây dựng các phương án chủ động ứng phó với các tình huống thiên tai, dịch bệnh có thể xảy ra trong thời gian tiến hành bầu cử, ban chỉ đạo bầu cử các cấp cần phối hợp chặt chẽ với ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 bảo đảm hoàn thành “nhiệm vụ kép” là bầu cử thành công và bảo đảm an toàn phòng dịch cho Nhân dân khi tham gia bầu cử.

Nguồn: ITN

Chú trọng công tác tuyên truyền

- Thông tin, tuyên truyền có ý nghĩa rất quan trọng trong công tác chuẩn bị bầu cử. Để cuộc bầu cử diễn ra thành công, hoạt động này đã và đang được tỉnh chỉ đạo triển khai ra sao, thưa ông?

- Công tác tuyên truyền về cuộc bầu cử được các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội trong toàn tỉnh tập trung thực hiện đồng bộ và đạt kết quả tốt. UBBC tỉnh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Thông tin và Truyền thông, UBBC cấp huyện, cấp xã đã ban hành các kế hoạch tuyên truyền về công tác bầu cử và bảo đảm thông tin liên lạc phục vụ cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến các nội dung liên quan đến công tác bầu cử bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng như nâng cao kiến thức, kỹ năng cho người ứng cử, tổ chức tốt hoạt động tiếp xúc cử tri vận động bầu cử. Triển khai đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và vận động nhân dân tích cực tham gia cuộc thi trực tuyến tìm hiểu pháp luật về bầu cử. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và Hội Liên hiệp Phụ nữ, Liên đoàn Lao động, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên trong công tác tuyên truyền về bầu cử.

Thái Nguyên rất coi trọng công tác tuyên truyền bầu cử, cả về chiều rộng và chiều sâu, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, vùng có đồng bào dân tộc thiểu số; các cán bộ được cử đi vận động bầu cử phải biết kết hợp tuyên truyền bằng cả tiếng phổ thông và tiếng đồng bào dân tộc, để cử tri mọi lứa tuổi, thành phần dân tộc đều có thể hiểu và thực hiện đầy đủ quyền, nghĩa vụ của cử tri. Qua đó, nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân về tầm quan trọng, ý nghĩa của cuộc bầu cử và tích cực hưởng ứng tham gia.

- Xin cảm ơn ông!

Phan Phương