Chính trị

Khẩn trương đưa Nghị quyết về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân vào cuộc sống

Hạnh Nhung 23/05/2025 13:49

Nêu rõ, Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân, các đại biểu đề nghị, ngay trong 6 tháng cuối năm nay, Chính phủ cần khẩn trương đồng bộ các giải pháp, đưa Nghị quyết này đi vào cuộc sống, góp phần thúc đẩy thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra.

Thảo luận tại tổ 19 23.5
Quang cảnh phiên thảo luận tại Tổ 19. Ảnh: Khánh Duy

Sáng 23/5, các ĐBQH tại Tổ 19 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Phú Thọ, Đồng Nai, Quảng Bình) thảo luận về: Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2024; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2025.

ĐBQH Nguyễn Thành Nam (Phú Thọ) phát biểu. Ảnh: Khánh Duy
ĐBQH Nguyễn Thành Nam (Phú Thọ) phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: Khánh Duy

Tại phiên thảo luận, ĐBQH Nguyễn Thành Nam (Phú Thọ) bày tỏ sự thống nhất rất cao với báo cáo của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế và Tài chính về nội dung này. Trong đó, đã đánh giá cụ thể về bối cảnh, tình hình trong nước và thế giới trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Đại biểu cũng chia sẻ sự phấn khởi khi 15/15 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội 2024 đều hoàn thành.

Đại biểu cũng nêu rõ, thể chế được xác định là "điểm nghẽn của điểm nghẽn", nên ngay tại Kỳ họp thứ Chín này, Chính phủ đã kịp thời đề xuất trình Quốc hội những nghị quyết để thể chế hóa kịp thời các Nghị quyết của Bộ Chính trị, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế.

Trong đó, trên cơ sở Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân, Quốc hội cũng vừa thông qua Nghị quyết về cơ chế, chính sách để phát triển kinh tế tư nhân.

Tương tự, liên quan đến lĩnh vực giáo dục, Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện các dự án Luật, dự thảo Nghị quyết liên quan đến giáo dục... trình Quốc hội xem xét.

Theo đại biểu Nguyễn Thành Nam, nếu những cơ chế, chính sách được thông qua tại kỳ họp lần này, khi đi vào thực tiễn chắc chắn sẽ tháo gỡ được các điểm nghẽn, hỗ trợ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo các mục tiêu đã đề ra.

Để các cơ chế, chính sách khẩn trương đi vào cuộc sống, đại biểu đề nghị, ngay sau khi được Quốc hội thông qua, Chính phủ cần cụ thể hóa bằng các Nghị định, Thông tư hướng dẫn để các bộ, ngành, các cấp tổ chức thực hiện nghiêm túc, cùng góp phần thực hiện thành công mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm 2025.

ĐBQH Bùi Xuân Thống (Đồng Nai) phát biểu. Ảnh: Khánh Duy
ĐBQH Bùi Xuân Thống (Đồng Nai) phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: Khánh Duy

Liên quan đến đánh giá dự toán thu không sát thực tế, dẫn đến năm nào cũng vượt thu ngân sách, ĐBQH Bùi Xuân Thống (Đồng Nai) đề nghị, Chính phủ phải có đánh giá kỹ hơn để có dự báo thu chính xác, phục vụ tốt hơn cho công tác chỉ đạo, điều hành kinh tế vĩ mô.

Liên quan đến giải ngân vốn đầu tư công, đại biểu nêu vấn đề, trong báo cáo thì tỷ lệ giải ngân được phản ánh rất cao, nhưng thực tế "đồng tiền có đi ra ngoài xã hội hay không, đồng thời cần đánh giá kỹ hơn việc chuyển nguồn theo hướng hạn chế chuyển nguồn trong giải ngân vốn đầu tư công.

Đối với lĩnh vực văn hóa, xã hội, đặc biệt là giáo dục, đại biểu cho biết, cử tri hiện vẫn băn khoăn về vấn đề sách giáo khoa, "trường này một bộ trường kia một bộ", gây khó khăn cho cả giáo viên và học sinh; đề nghị Chính phủ cần khẩn trương tới năm 2026 phải hoàn thành thống nhất một bộ sách giáo khoa trên toàn quốc.

Về phương hướng, nhiệm vụ đề ra cho năm 2025, nêu rõ Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân, đại biểu Bùi Xuân Thống đề nghị, ngay trong 6 tháng cuối năm này, Chính phủ cần đưa ra các giải pháp đồng bộ, khẩn trương đưa Nghị quyết này đi vào cuộc sống, tạo cơ sở pháp lý, nền tảng để kinh tế tư nhân thực sự phát triển mạnh mẽ.

ĐBQH Nguyễn Thị Như Ý (Đồng Nai) phát biểu. Ảnh: Khánh Duy
ĐBQH Nguyễn Thị Như Ý (Đồng Nai) phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: Khánh Duy

ĐBQH Nguyễn Thị Như Ý (Đồng Nai) đề nghị đánh giá kỹ hơn và dành sự quan tâm đúng mức hơn cho vấn đề môi trường. Thực tế hiện nay chúng ta mới chủ yếu đánh giá về mức độ ô nhiễm không khí, còn ô nhiễm môi trường hầu như chỉ được tiếp cận hoặc nhìn qua những hình ảnh trên phương tiện thông tin đại chúng khi đã xảy ra hậu quả lớn.

Đại biểu đề xuất cần có giải pháp căn cơ hơn trong bảo đảm một môi trường sạch - xanh đồng đều; và từ giải pháp căn cơ của Nhà nước sẽ dần dần cải thiện và nâng cao ý thức, hành vi của người dân với vấn đề bảo vệ môi trường.

Liên quan đến nhà ở xã hội, tại Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội sẽ xem xét, thảo luận, thông qua Nghị quyết về thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội. Dẫn thực tế, việc giải ngân để cho vay thực hiện nhà ở xã hội nêu trong báo cáo còn thấp (đến tháng 2/2025 các ngân hàng chỉ mới giải ngân 3.400 tỷ đồng trên tổng số 145.000 tỷ đồng, đạt hơn 2,34%), đại biểu đề nghị, cần đánh giá, chỉ rõ nguyên nhân để có giải pháp thực sự phù hợp thúc đẩy việc thực hiện chính sách này.

Trần Quang Minh (Quảng Bình)
ĐBQH Trần Quang Minh (Quảng Bình) phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: Khánh Duy

Liên quan đến việc xây dựng vị trí việc làm, ĐBQH Trần Quang Minh (Quảng Bình) ghi nhận việc Bộ Nội vụ đã đưa ra lộ trình cho năm 2026 và đề nghị cần đẩy nhanh hơn nữa công việc này, nhất là sau khi thực hiện tinh gọn, tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp. Vì đây là vấn đề hết sức quan trọng, sẽ tạo sự công bằng và tinh thần thi đua, thu hút người có năng lực vào làm việc tại các cơ quan nhà nước.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Khẩn trương đưa Nghị quyết về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân vào cuộc sống
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO