Khan hiếm nguồn cung, giá nhà tăng nhẹ

- Chủ Nhật, 22/11/2020, 07:25 - Chia sẻ
“Giá nhà hiện chưa có xu hướng giảm, nguyên nhân chính xuất phát từ nguồn cung còn hạn chế. Không chỉ riêng năm 2020, mà vài năm trở lại đây, nguồn cung cũng đang có xu hướng chững lại ở một số phân khúc, nhất là nhà ở bình dân, nhà ở cho người thu nhập thấp”, Viện trưởng Viện nghiên cứu bất động sản Bùi Văn Doanh nhận định.

Nhu cầu rất lớn

Theo số liệu của Viện Nghiên cứu bất động sản Việt Nam, giá căn hộ chung cư tại Hà Nội quý III.2020 tăng khoảng 0,24%, nhà ở riêng lẻ tăng khoảng 0,03% so với quý II.2020; giá chung cư bình dân cũng dao động 22 - 25 triệu đồng/m2. Hà Nội rất hiếm sản phẩm thuộc phân khúc bình dân, giá thấp; nếu có thì thường nằm tại các vùng ven đang phát triển như Đông Anh, Gia Lâm, Hà Đông… Tỷ lệ hấp thụ ở phân khúc này luôn đạt khoảng 70%. Tại TP Hồ Chí Minh, trong quý III.2020, giá căn hộ chung cư tăng khoảng 0,35%, nhà ở riêng lẻ giá tăng khoảng 0,26% so với quý II. “Giá nhà hiện chưa có xu hướng giảm, nguyên nhân chính xuất phát từ nguồn cung còn hạn chế. Không chỉ riêng năm 2020, mà vài năm trở lại đây, nguồn cung cũng đang có xu hướng chững lại ở một số phân khúc, nhất là nhà ở bình dân, nhà ở cho người thu nhập thấp”, Viện trưởng Viện nghiên cứu bất động sản Bùi Văn Doanh nhận định.

Trước đó, tại Hội thảo "Giải pháp thị trường bất động sản hậu Covid-19", Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh nhận định thị trường đang thiếu nguồn cung nhà ở xã hội. Hiện có 206 dự án nhà ở xã hội với quy mô xây dựng khoảng 168,7 nghìn căn nhưng lại đang bị chậm tiến độ hoặc tạm dừng thi công. Trong khi đó, thời điểm này chưa có cơ chế ưu đãi, khuyến khích phát triển nhà ở thương mại có quy mô vừa và nhỏ, giá  thấp để phục vụ nhu cầu nhà ở cho người dân. 

Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh Lê Hoàng Châu cho rằng, khi đã cơ bản giải quyết các nhu cầu thiết yếu thì mối quan tâm lớn nhất của người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp, công nhân lao động, các gia đình trẻ và người nhập cư là tìm kiếm nhà ở với mức giá vừa túi tiền phù hợp với khả năng tài chính. Nhưng thực tế, giá của khu căn hộ trung cấp  khoảng 2,5 tỷ đồng (35 triệu đồng/m2), cao hơn khoảng trên dưới 20 lần, so với thu nhập trung bình của các hộ gia đình, cá nhân chỉ có khả năng dành dụm được 8 - 12 triệu đồng/tháng. Căn hộ giá vừa túi tiền khoảng 2 tỷ đồng trở xuống (25 - 30 triệu đồng/m2) và căn hộ nhà ở xã hội thì nguồn cung lại rất ít, hầu như vắng bóng trên thị trường TP Hồ Chí Minh trong hai năm qua. 

Nguồn: ITN

15 triệu đồng/m2 liệu có khả thi?   

Bộ Xây dựng đang báo cáo Chính phủ hỗ trợ nhà ở giá thấp có diện tích nhỏ hơn 70m2 và giá bán đến 15 triệu đồng/m2. Đa số chuyên gia cho rằng đây là mức giá hợp lý, nhưng việc thực hiện không dễ. Về phía người dân vẫn lo ngại, liệu mức giá này có thể áp dụng ở các đô thị lớn như Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh không? Có bảo đảm an toàn, chất lượng, kết cấu hạ tầng công trình cho người dân không? 

Chuyên gia kinh tế TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng trong bối cảnh hiện tại, việc mua nhà với giá 15 triệu đồng/m2 rất khó. Vài năm trước, một số dự án cam kết bán với giá 20 triệu đồng/m2 đã không khả thi bởi chi phí đầu tư dự án ngày càng tăng lên. Mặt khác, quá trình giải phóng mặt bằng chưa được đẩy nhanh, dẫn đến dự án chậm tiến độ, đẩy chi phí tăng cao, chất gánh nặng cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, xây dựng nhà ở giá thấp vẫn phải đòi hỏi hạ tầng, cảnh quan môi trường bảo đảm mới bán được, đây là áp lực lớn với doanh nghiệp. Mặt bằng chung hiện nay, giá nhà vẫn đang tăng lên dù chịu tác động của dịch bệnh. “Sẽ rất khó để đưa ra mức giá 15 triệu đồng/m2 nếu không có ưu đãi lớn cho doanh nghiệp”, chuyên gia Đinh Trọng Thịnh nói.

Để tạo lập được chỗ ở cho người lao động thu nhập thấp, theo ông Lê Hoàng Châu, ngoài chính sách hỗ trợ, Nhà nước cũng phải quan tâm, tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế, pháp luật cho môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch. Đối với nhà ở xã hội, muốn tăng nguồn cung, cần sớm hoàn thiện cơ chế chính sách phát triển nhà ở xã hội, nhất là phân khúc nhà ở xã hội cho thuê và thuê mua. Cần có chương trình, mục tiêu phát triển nhà ở xã hội, để bố trí nguồn tái cấp vốn từ ngân hàng nhà nước, nguồn cấp bù lãi suất cho Ngân hàng Chính sách Xã hội và các ngân hàng thương mại để thực hiện ưu đãi tín dụng cho các đối tượng hưởng chính sách nhà ở xã hội trong 5 năm tới. Đối với nhà ở thương mại giá rẻ, cần khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư các dự án nhà ở thương mại có mức giá không quá 20 triệu đồng/m2, ở các tỉnh và không quá 22 - 25 triệu đồng/m2 ở các đô thị loại I… 

Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Nguyễn Mạnh Hà cho rằng, vẫn cần có kế hoạch kiểm tra, khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong việc thực hiện chương trình phát triển nhà ở của mỗi địa phương mới có thể thúc đẩy thị trường nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ. Theo ông, có 2 yếu tố quyết định đến nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ là vốn và đất thì lại đều gặp khó khăn. Hơn nữa, một số địa phương chưa thực sự quan tâm phát triển nhà ở xã hội, do đó các dự án khó triển khai.

Hạnh Nhung