Khâm Thiên sênh phách một thời
Hát ả đào đã một thời là “nghề truyền thống” của phố Khâm Thiên. Sự hưng thịnh kéo dài hơn ba mươi năm đầu thế kỷ XX, mà đỉnh cao là 1930 - 1940. Nổi tiếng đến nỗi chỉ cần nói đi “ca tê” (KT) đã hiểu ngay là đi hát cô đầu ở Khâm Thiên rồi.
Truyền qua nhiều đời
Vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, cô đầu tập trung ở phố Hàng Giấy nội thành. Còn ngoại ô là Thái Hà Ấp. Hà Thành ngày càng đông dân, trong phố ngày một chật chội, mà nhà hát lại đòi hỏi không gian thông thoáng, yên tĩnh. Sự chuyển dịch ban đầu từ lý do ấy. Cô đầu Hàng Giấy chọn Khâm Thiên làm căn cứ. Còn một số tụ điểm khác như Ngã Tư Sở, Hai Mươi Bốn Gian (cuối phố Huế), Vạn Thái (Bạch Mai), và bên Gia Quất (Gia Lâm)… Nhưng nói đến nghề hát phải là trung tâm Khâm Thiên, nơi hội tụ đủ các danh ca, danh cầm mà bất kỳ ai quen biết ca trù đều nhớ tên: các đào nương Chu Thị Bốn, Chu Thị Năm, Phó Thị Yến, Nguyễn Thị Phúc, Nguyễn Thị Mùi, đào Sâm, đào Bích… rồi sau có Quách Thị Hồ từ Hai Mươi Bốn Gian tụ về. Các cây đàn điêu luyện như Phí Văn Thọ, Đinh Khắc Ban, Phó Đình Kỳ… cũng chỉ quen đi cặp với các ca nương trên. Một số nghệ sĩ trên đã sang Hong Kong hát ca trù để thu vào đĩa hát của các hãng Pathé, Columbia… vào thập niên ba mươi thế kỷ trước.
![]() Nguồn: sukientrongnuoc.vn |
Một kỷ niệm khó quên trong đời bà Quách Thị Hồ là lần bà được hát ca trù cho Chủ tịch Hồ Chí Minh nghe tại cuộc triển lãm văn học và ngâm thơ - ca trù mừng xuân Nhâm Dần, tổ chức ngày mồng Một Tết (5.2.1962) ở Văn Miếu. Bà kể vui: “Ông Vũ Đình Khoa Phó giám đốc Sở Văn hóa giới thiệu “bà Hồ hát ca trù”. Bác liền đứng dậy giơ tay đính chính một cách rất dí dỏm: “Phải nói rõ thế này cho đúng: bà Quách Thị Hồ hát ca trù, kẻo các cụ phụ lão cười cho. Bác Hồ đã không lấy vợ thì lấy đâu ra bác gái!”
Bạn với văn nhân
Có một loại khách rất nhẹ túi tiền mà vẫn được chị em quý trọng. Đó là những văn nghệ sĩ, những nhà thơ, nhà văn nổi tiếng.
Nguyễn Tuân là nhà văn lặn lội nhiều với chị em xóm ca trù Khâm Thiên. Ông hiểu cô đầu là những người lao động nghệ thuật thực sự. Nguyễn Tuân còn để lại một “tình sử” xúc động giữa nhà văn ưa xê dịch này với bà chủ nhà hát họ Chu tài sắc ở phố Khâm Thiên. “Bà Chu nổi tiếng là người tài hoa và có duyên nhất “xóm Khâm Thiên” ngày ấy. Bà quý trọng, chiều chuộng Nguyễn Tuân nhất mực. Có những thời kỳ Nguyễn đến ở lại nhà hát tháng này qua tháng khác. Khi bà Chu có khách mời đi hát ở tỉnh xa đôi ba ngày, bà gửi gắm nhờ các chủ nhà hát khác đến hát cho Nguyễn nghe và trông nom ông chu đáo. Cũng có lúc ông định cưới bà Chu làm vợ bé… Ngày giỗ Tổ nghề hát, ông cũng tuân thủ tục lệ, sắm mâm lễ vật với khăn đóng áo thụng, theo bà Chu đến lễ Tổ…
Trần Huyền Trân cũng nhiều duyên nợ với kiếp kỹ nữ. Ông là hàng xóm, lại là bạn tâm tình của chị em. Khi cùng các bạn làm thơ có tiền cũng hào phóng kéo nhau ra xóm đập trống. Sự cảm thông chia sẻ vinh nhục giữa hai lớp nghệ sĩ chịu chung nỗi đau đời đã để lại nhiều duyên thơ nghĩa tình sâu nặng. Năm 1940, Trần Huyền Trân đã viết bài thơ Cùng một lứa tặng cô đào Yến (người yêu của Thâm Tâm) từ căn nhà lá bên dòng Cống Trắng, có những câu thắt lòng:
Tự cổ buồn chung kiếp xướng ca
Nàng ơi, mưa đấy hay sênh phách
Tay yếu gieo lòng xuống chiếu hoa.
Nguyễn Công Trứ (1778 - 1858), một tác giả viết hát nói nhiều nhất, thường nhắc đến chí khí nam tử: Chí làm trai nam bắc tây đông, cho phỉ sức vẫy vùng trong bốn biển hoặc Kiếp sau xin chớ làm người/ Làm cây thông đứng giữa trời mà reo thế mà cũng: Cái tình là cái chi chi/ Dẫu chi chi cũng chi chi với tình… Càng tài tình càng ngốc càng si… để đi đến: Cuộc hành lạc bao nhiêu là lãi bấy/ Nếu không chơi thiệt ấy ai bù?
Đến chốn thiền môn rồi, ông vẫn: Lên chùa chân bước khoan khoan/ Khi mô mô Phật, khi tang tang tình/ Thuyền nan một lá xinh xinh? Non non nước nước mình mình ta ta…
Ấn tượng và quan niệm không đẹp về hát ả đào còn ám ảnh mãi tới sau giải phóng thủ đô 1954, khiến các giọng ca vàng của thời sênh phách phải tìm nghề khác kiếm sống… Cho tới năm 1976, nhờ khai thác và sưu tầm nghiên cứu nghệ thuật hát cửa đình ở Lỗ Khê (Đông Anh) mà bước đầu có được nhận định đúng hơn về bộ môn ca nhạc dân gian này. Đào kép lành nghề này chỉ còn đếm được trên đầu ngón tay, tuổi tác đều trên “thất thập”…
Cô cán bộ văn hóa Bạch Vân làm chủ nhiệm câu lạc bộ đã miệt mài gắn bó với ca trù, được các nghệ nhân dìu dắt yêu thương cũng đã trở thành một “đào hát” vững vàng. Câu lạc bộ ca trù còn là nơi hội tụ, phục hồi, động viên các đào kép cũ trở lại với nghề như đào Sinh (Hà Nội), đào Trúc, đào Chân, đào Phong, các kép đàn Văn Nhâm, Văn Hạ (Hà Tây), đào Lệ, đào Hợi (Bắc Ninh)…
Bà con Việt kiều xa quê hương nhiều năm, trở về thăm đất nước, thăm thủ đô có dịp sống lại không khí “xuống xóm” của bảy chục năm xưa…