Thờ cúng tổ tiên là tín ngưỡng truyền thống của người Việt Nam. Mỗi đồ thờ được đặt trên ban thờ đều mang ý nghĩa tâm linh quan trọng, bởi đó là thứ kết nối giữa dương gian và âm thế, thứ con người gửi gắm kỳ vọng và mong ước.
Để hiểu hơn về ý nghĩa, vai trò của mỗi biểu tượng, phù hiệu và món đồ thờ được đặt trên ban thờ của người Việt, cuốn sách "Biểu tượng, phù hiệu và đồ thờ của người An Nam" của nhà nghiên cứu Gustave Dumoutier sẽ là nguồn tư liệu hữu ích.
![Cuốn sách giúp hiểu hơn về ý nghĩa, vai trò của mỗi biểu tượng, phù hiệu và món đồ thờ được đặt trên ban thờ của người Việt. Ảnh: Nhã Nam 477439796-1035863918581342-2978143407433710413-n.jpg](https://cdn.daibieunhandan.vn/images/d8d2c18b750d001526a29a169a059c3a7a4414157e8b761f30272a895200eb6288131f888b4d484cf63be6ed8c95a4e2f25d0ae8096e34038c395b80ddb3562f0eff476624941c3f01074b09b44ae796/477439796-1035863918581342-2978143407433710413-n.jpg)
Cuốn sách không chỉ mô tả khái lược những biểu tượng, phù hiệu, khí сụ thờ cúng của người Việt thông qua hình họa, mà còn đi sâu khảo tả nguồn gốc, ý nghĩa của mỗi món đồ. Để rồi ta thấy ẩn sau mỗi đồ thờ, mỗi biểu tượng là ước mơ, mong mỏi của con người về một cuộc sống tốt lành, tươi đẹp, viên mãn, hạnh phúc. Qua đó, giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về ý nghĩa và vai trò của từng biểu tượng, phù hiệu và đồ thờ trong đời sống tâm linh của người Việt.
Như Gustave Dumoutier đã viết: “Đừng có hòng hiểu biết sâu sắc một tộc người nếu không lãnh hội được đời sống tinh thần và những truyền thống tòng đạo của họ, cũng như không thể nào đánh giá được một hành vi trong một sự kiện nếu không hiểu gì về động cơ và chủ ý vậy”.
Nhân dịp ra mắt sách, Nhã Nam phối hợp cùng Viện Pháp tại Hà Nội và Trung tâm Thông tin Thư viện - Trường Đại học Văn hóa Hà Nội tổ chức sự kiện giới thiệu sách vào sáng 22.2, tại Trường Đại học Văn hóa Hà Nội. Chương trình có sự tham gia của nhà nghiên cứu Trần Trọng Dương, nhà nghiên cứu Mai Anh Tuấn.