Khám phá thế giới: Quạt tay – nét văn hóa tiêu biểu của nhân loại
Chiếc quạt tay là một phần của lịch sử văn minh văn hóa của hầu hết các quốc gia trên thế giới. Tuy chưa có minh chứng chính xác nào về chiếc quạt đầu tiên của loài người, nhưng có thể chắc chắn chiếc quạt tay đã gắn liền với đời sống thường nhật của con người từ rất lâu.

Thật vậy, khoảng 4000 năm về trước, người Ai Cập đã sử dụng quạt tay và xem nó như một vật linh thiêng, sử dụng trong các nghi lễ tôn giáo và cũng coi nó là biểu tượng của quyền năng. Bằng chứng tiêu biểu là hai chiếc quạt tay được tìm thấy trong ngôi mộ của hoàng đế Tutamkhamun. Trong đó, một chiếc có tay cầm bằng vàng với những chiếc lông đà điểu, chiếc còn lại được làm từ gỗ mun dát vàng và gắn đá quý. Những dân tộc cổ đại khác, như người Do thái cổ, Ba Tư, và La Mã cũng sử dụng những chiếc quạt tay với nhiều mục đích khác nhau, trong đó ghi chép văn tự quan trọng và cả Kinh thánh.

Ban đầu, quạt tay chỉ dùng để tạo những luồng gió nhẹ mát cho chính người quạt hay cho người khác. Nhưng cùng với sự phát triển của lịch sử, con người không ngừng sáng tạo ra những chiếc quạt độc đáo với vô vàn những mục đích sử dụng khác nhau. Có khi chiếc quạt tay được dùng để che nắng mưa, có khi lại biến thành chiếc khay để cho hoặc nhận đồ ăn nhẹ. Quạt dùng để chào hỏi, ra tín hiệu thay lời nói, để biểu lộ tâm trạng, nhấn mạnh ý kiến, và cả để che khiếm khuyến trên khuôn mặt... Hơn nữa, những chiếc quạt tay từng đóng vai trò nhất định trong nhà thờ của Đạo Chúa. Ngày đó, quạt được dùng để tránh côn trùng rơi vào chén thánh và để phụ nữ Châu âu che mặt trong những buổi lễ nhóm. Ngày nay, không chỉ có mặt trong các gia đình, nhà hàng, khách sạn, nơi trưng bày các sản phẩm văn hóa, các bảo tàng , những chiếc quạt còn có mặt trong các lễ hội văn hóa, chương trình biểu diễn ở nhà hát, chương trình khiêu vũ, hay trên sàn diễn của các kinh đô thời trang...

Thời kỳ vàng kim của những chiếc quạt tay là vào khoảng thế kỷ XIX, quạt có mặt ở hầu hết các châu lục, đặc biệt là Châu âu. Khi đó, trong thời gian trị vì của vua Louis XIV, nước Pháp trở thành trung tâm quạt tay của thế giới. Hoàng gia Pháp đặc biệt ưa chuộng những chiếc quạt mang tính nghệ thuật và rất xa xỉ. Chẳng hạn như Madam de Pompadour, người tình của vua Louis, sở hữu một chiếc quạt được dày công làm trong suốt 9 năm, bằng giấy, trang trí bằng 10 bức tiểu họa, có giá trị 30.000 USD. Cũng vào thời diểm đó, nữ hoàng Elizabeth, Vương quốc Anh, luôn mang những chiếc quạt lộng lẫy, làm bằng lông vũ, dát vàng và đính hồng ngọc. Riêng ở Trung Quốc hay Việt Nam, nếu như chiếc quạt dành cho phái nữ thể hiện tính e lệ, duyên dáng, thì những chiếc quạt dành cho nam giới mang tính trí tuệ và quyền lực mà không một vị quan lại hay nho sĩ có thể thiếu được. Với người Nhật Bản, những chiếc quạt thế kỉ XIX lại là vật dụng có tính ma thuật mà các thầy tu sử dụng trong các buổi hành lễ. Ngoài ra, ở xứ xở anh đào còn có những chiếc quạt tay bằng kim loại, một phần vũ khí trang bị cho các võ sĩ samurai.

Kích thước và hình dạng của chiếc quạt tay nhiều như chính khả năng tưởng tượng phong phú của con người. Chúng có thể được làm bằng như bất kỳ loại vật liệu nào như mong muốn với bàn tay khéo léo và óc sáng tạo của người nghệ nhân. Ngày xưa, quạt được làm giản đơn từ những chất liệu có thớ như giấy, vỏ cây khô hay lá cọ... Về sau, khi chiếc quạt được cải từ một tấm đơn sang loại có nan và gấp gọn được, nhiều chất liệu khác được sử dụng như ngà voi, xương, mi ca, mai rùa, vải, lụa, the, gấm, lông công cùng nhiều phụ kiện trang trí như pha lê, ngọc trai, và các loại đá quý để tạo ra những chiếc quạt tinh xảo và đẹp mắt.

Có nhiều giả thiết khác nhau về nguồn gốc chiếc quạt tay. Trong đó, hai nước châu Á là Nhật Bản và Trung Quốc đều cho rằng chính họ phát minh ra chiếc quạt với những điển tích về sự ra đời của chúng. Theo người Nhật Bản, họ làm quạt mô phỏng theo cánh của con dơi trong khi người Trung Quốc lại cho rằng hình ảnh người phụ nữ cầm chiếc mặt nạ để quạt mang lại ý tưởng sáng tạo ra vật dụng này. Cho dù bắt nguồn từ bất kỳ nơi đâu, cho dù công nghệ vươn đến đỉnh cao mang lại luồng gió mát mới từ các thiết bị như quạt điện hay điều hòa nhiệt độ..., chiếc quạt tay mãi là một phần không thể tách rời với đời sống văn hóa của con người.