Khám phá thế giới: Ngày hội sông Nile

Linh Ngọc 17/07/2010 00:00

Hàng năm, cứ mỗi độ nước lên, người dân Ai Cập sống tại đôi bờ sông Nile lại tổ chức lễ hội Leylet en Nuktah để chào mừng lũ về. Đây một trong những lễ hội quan trọng nhất của người dân Ai Cập để tạ ơn những gì sông Nile mang lại cho họ.

Từ cách đây hàng ngàn năm, người dân Ai Cập đã tổ chức nghi lễ chào đón, tôn vinh dòng nước lũ vào ngày 17 tháng 6 hàng năm, ngày đầu tiên mực nước trên sông Nile dâng lên trước khi lũ tràn. Có nhiều cách lý giải nguồn gốc ra đời của lễ hội đặc biệt Leylet en Nuktah, hay còn được biết đến với cái tên “Ngày hội sông Nile” này, trong đó phần lớn đều liên quan đến nữ thần Isis- đại diện cho sao Sirius (sao Thiên Lang), một ngôi sao rất quan trọng đối với người Ai Cập cổ.

Trước hết phải nhắc đến truyền thuyết kể về cái chết của thần Osiris, phu quân của thần Isis dưới bàn tay của chính em trai mình là thần Seth. Thần Osiris bị xé làm 14 mảnh quăng đi khắp nơi. Thần Isis tìm lại quấn thi thể chồng mình trong lớp vải rồi trốn vào sông Nile trong 70 ngày. Sau 70 ngày đó, thần Osiris đã phục sinh và trở thành vị vua cai quản cõi chết và là người làm dâng nước sông Nile. Trong các tài liệu cổ, người dâng nước sông Nile được miêu tả là một vị vua với nước da màu xanh (màu tượng trưng cho sự tái sinh). Từ đó, hàng năm vào giữa tháng 6, khi nhìn thấy màu nước sông Nile ngả xanh, dấu hiệu thần Osiris xuất hiện đồng nghĩa với lũ lụt sắp xảy ra, người dân Ai Cập lại tập trung đến bờ sông Nile để tổ chức lễ hội. Họ ca hát và nhảy múa trên những con thuyền ngược xuôi dày đặc khắp mặt sông. Trên bờ, người ta đặt một bức tượng thần sông Nile tạc bằng gỗ để mọi người lần lượt cúi đầu tỏ lòng kính trọng trong tiếng tụng niệm của vị chủ tế.

Một truyền thuyết khác lại kể rằng, thần Osiris đi chơi gặp nạn và bị chết. Nữ thần Isis đau đớn, khóc lóc thảm thiết, nước mắt của bà trút xuống như mưa làm nước dâng ngập cả hai bên bờ sông Nile. Người dân đã ca hát, vỗ về rất nhiều để an ủi nữ thần và cuối cùng nụ cười đã trở lại trên khóe môi nữ thần Isis. Bên bờ sông, nơi có dòng nước mắt của nữ thần tràn qua, mầm non hé mở và lương thực mọc lên tốt tươi. Kể từ đó, mỗi khi nước sông Nile dâng tràn là người ta lại mừng vui ca hát vì “đêm rơi lệ” đó.

Trên thực tế, lễ hội truyền thống này của người Ai Cập thể hiện mối quan hệ mật thiết giữa cuộc sống và nền văn minh của họ với sông Nile. Dòng sông Nile mang lại sự sống cho người Ai Cập từ hàng nghìn năm nay. Nếu không có sông Nile chảy qua, có lẽ Ai Cập chỉ là sa mạc trải dài. Hàng năm, vào khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 8, nước sông Nile dâng rất nhanh, lên đỉnh điểm là vào giữa tháng 9 và nước rút vào khoảng tháng 10. Khi sông Nile trở lại trạng thái bình thường, nơi có lũ đi qua để lại nhiều phù sa và nước thấm sâu vào lòng đất mang lại cho người dân hai bên bờ sông Nile những vụ mùa bội thu và cuộc sống phồn thịnh. Chính vì lẽ đó, người dân Ai Cập coi sông Nile như một vị thần linh thiêng và hàng năm họ lại tổ chức ngày lễ  chào mừng ngày sông Nile dâng nước với lòng biết ơn và sự trân trọng, thành kính nhất.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Khám phá thế giới: Ngày hội sông Nile
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO