Khám phá thế giới: Bí ẩn Đảo phục sinh Chile

Linh Đạm 19/03/2011 07:30

Vào ngày Chủ nhật của Lễ phục sinh năm 1722, nhà thám hiểm người Hà Lan, đô đốc hải quân Jacob Roggeveen đã đặt chân lên một hòn đảo lạ nằm ở phía Nam Thái Bình Dương, từ đó khám phá ra một trong những địa danh huyền bí và biệt lập bậc nhất thế giới. Đảo Phục sinh, được đặt tên sau sự kiện đó, giờ đây đã trở thành đích đến không thể bỏ sót của đất nước Chile xinh đẹp.

Tọa lạc ngoài khơi bờ biển phía Tây Chile vào khoảng 3.700 km, Đảo Phục sinh, hay Đảo Rapa Nui theo tên gọi của người bản địa, sở hữu một  lịch sử độc đáo mà cho tới nay vẫn còn rất bí ẩn. Dù bị cách ly hàng thế kỷ khỏi thế giới bên ngoài, người dân đảo đã phát triển được một nền văn hóa rất riêng và đặc sắc. Nền văn hóa đó nổi tiếng với những bức tượng đá nguyên khối khổng lồ hình người mím môi gọi là Moai nằm rải rác khắp đảo. Các Moai này được dựng vào khoảng từ thế kỷ thứ X đến thế kỷ thứ XVI sau công nguyên với nhiều kích cỡ khác nhau, từ vài tấn tới hơn 100 tấn, cao từ chưa đầy 1,2 m tới 21,6 m. Một số tượng được dựng ngay ngắn theo hàng trong khi số khác nằm trong tư thế đang vận chuyển. Tại sao và làm như thế nào mà những kỳ quan cổ đại trên lại được tập hợp và xây dựng chính xác đến như vậy ? Hiện vẫn chưa có câu trả lời đầy đủ.

Mặc dù có nhiều giả thiết được đưa ra về khởi nguyên của đảo Phục sinh, con người cũng như những bức tượng khổng lồ ở đây, nhưng các nhà khảo cổ học và lịch sử tin rằng chúng đều giúp phác thảo quá trình hình thành hòn đảo. Lịch sử loài người trên đảo này bắt đầu khi người Polynesian ( có thể từ đảo Mangareva, Pitcairn …) tới định cư vào khoảng năm thứ 400 sau công nguyên. Họ mang theo chuối, khoai sọ, khoai lang, mía, cây làm giấy, gà… để dần dần thiết lập một nền văn minh tương đối phát triển.

Đảo Phục sinh có rất ít cây cối dù trước kia nó đã từng sở hữu cả rừng cọ xum xuê. Dường như cư dân đảo đã phá sạch rừng trong quá trình dựng nên những tượng đá khổng lồ hay để làm nguyên liệu đóng thuyền câu cá và xây nhà. Có bằng chứng cho thấy, sự biến mất của cây cối trên đảo trùng lặp với quá trình sụp đổ của nền văn minh đảo Phục sinh. Thành phần rác thời kỳ đó đã thể hiện sự suy giảm đột ngột số lượng xương cá, xương chim khi cư dân đảo mất nguyên liệu đóng thuyền câu và các loài chim bị mất chốn làm tổ. Gà và chuột đã trở thành thức ăn chính. Cũng có một vài bằng chứng cho rằng trên đảo từng tồn tại tục ăn thịt người.

Thức ăn ngày càng hiếm buộc dân ở đây phải nghĩ ra các biện pháp phân chia nguồn tài nguyên ít ỏi còn lại. Trong hệ thống thờ cúng Người nuôi chim (manutara), một cuộc thi được tổ chức hàng năm, theo đó đại diện của từng bộ lạc (do lãnh tụ bộ lạc lựa chọn) sẽ lặn xuống biển và bơi tới Motu Mui, một hòn đảo nhỏ gần đó, để tìm ra quả trứng đầu tiên của loài chim nhạn biển Sooty Tern. Người nào mang trứng về nhanh nhất sẽ được phép kiểm soát nguồn tài nguyên đảo cho bộ lạc của mình suốt năm. Truyền thống này vẫn còn tồn tại cho tới khi người châu Âu lần đầu tiên đặt chân tới  đây.

Tuy nhiên, vào giữa thế kỷ thứ XIX, dân số đảo bị thu hẹp chỉ còn khoảng 4.000 người. Sau đó, chỉ trong vòng 20 năm, chế độ nô lệ và bệnh tật mà người phương Tây đem tới càng làm dân số đảo giảm không phanh, chỉ còn lại 111 người vào năm 1877. Tuy nhiên, khi đảo Phục sinh được sáp nhập vào Chile vào năm 1888, số lượng người dân đảo Rapa Nui dần dần được khôi phục.

Ngày nay, sự phát triển nhanh chóng của các hoạt động du lịch trên đảo cùng với dòng người đổ về từ khắp nơi đang đe dọa thay đổi tính bản địa của người Polynesian. Dẫu vậy, hòn đảo với những tượng moai khổng lồ vẫn vẹn nguyên sức hấp dẫn bởi những bí ẩn chưa được giải đáp đầy đủ về sức sáng tạo vô song của con người từ thủa xa xưa.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Khám phá thế giới: Bí ẩn Đảo phục sinh Chile
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO