Đờn ca tài tử có giai điệu và lời ca đậm tính nghệ thuật dân gian đặc trưng của vùng đất Nam Bộ. Được cải biên từ nhã nhạc cung đình Huế và văn học dân gian, UNESCO đã đưa Đờn ca tài tử vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Vừa mang tính bác học, vừa mang tính dân dã, đây được xem là dòng nhạc “thính phòng” đặc thù của miền Nam.

Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ không ngừng được sáng tạo nhờ tính ngẫu hứng theo dòng cảm xúc. Chữ Tình được thể hiện thật phong phú trong hầu hết các bài nhạc: tình yêu quê hương đất nước, tình yêu đôi lứa, tình cảm gia đình, tình bạn tri kỷ, và cả tình anh em ruột thịt.
Trong chương trình Đờn ca tài tử: Một chữ tình, diễn ra vào 15h ngày 22.2, tại Toong, 2 Thi Sách, Quận 1, TP Hồ Chí Minh, Nghệ Văn Thực Nghiệm sẽ đưa khán giả đến những hoạt động giao lưu tâm tình của người dân vùng miệt vườn sông nước: tìm hiểu nguồn gốc và sự phát triển của nghệ thuật Đờn ca tài tử cùng ThS. NSƯT Huỳnh Khải, nguyên Trưởng Khoa Âm nhạc truyền thống Nhạc viện TP Hồ Chí Minh; khám phá chữ Tình trong các bài cổ nhạc chủ đề tình duyên nổi tiếng từ nhóm Đờn ca Tài tử Bông Sen Vàng; xem nghệ sĩ trình diễn trích đoạn của một bài cổ nhạc kinh điển của Đờn ca tài tử; thực hành Hò Xự Xang Xê Cống và trải nghiệm đánh đàn cò và đàn guitar vọng cổ - hai nhạc cụ quan trọng trong các khúc hòa tấu…