Khám phá kiến trúc nhà cổ Nam bộ
"Tản mạn kiến trúc Nam Bộ" là nỗ lực thấu hiểu, dựng lại bức tranh toàn diện về kiến trúc miền Nam. Nhóm tác giả trẻ muốn truyền tải, gợi mở cảm hứng yêu mến, trân trọng của thế hệ hôm nay dành cho di sản kiến trúc dân tộc.
Hành trình khám phá bản sắc dân tộc
Tháng 11.2022, Công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam hợp tác cùng nhóm tác giả Tản mạn kiến trúc giới thiệu cuốn sách "Tản mạn kiến trúc Nam bộ - Một biên khảo về kiến trúc dân dụng miền Nam (từ cuối thế kỷ XIX đến cuối thế kỷ XX)". Cuốn sách là một nghiên cứu có tính dẫn nhập về các công trình kiến trúc Nam Bộ được xây dựng trong phạm vi từ nửa cuối thế kỷ XIX - nửa cuối thế kỷ XX.

- Ảnh: Nhã Nam
Nhóm tác giả gồm các bạn trẻ sinh ra và lớn lên ở các tỉnh Nam bộ. Với họ, các di sản kiến trúc nơi đây đã trở nên quen thuộc, là một phần trong tâm trí. Dự án Tản mạn kiến trúc ra đời tháng 4.2019, xuất phát từ mối quan tâm về di sản kiến trúc, văn hóa tại Việt Nam.
Trong khoảng thời gian 2019 - 2022, nhóm tác giả đã thực hiện hàng trăm bài viết song ngữ Việt - Anh để giới thiệu thành quả nghiên cứu đến người đọc; đồng thời xây dựng các chương trình đi bộ tìm hiểu kiến trúc, các buổi nói chuyện chuyên đề tại các trường đại học, để tạo ra những đối thoại đa dạng quanh chủ đề di sản kiến trúc. Kết quả là phác họa nên bức tranh tổng quan về tiến trình vận động, những nét đặc trưng và sự phân bố của các công trình kiến trúc cổ khu vực miền Nam.
Thiên nhiên phương Nam với nắng, mưa cùng cảnh sắc núi non, sông ngòi riêng biệt đã góp phần quan trọng tạo nên một lối kiến trúc đặc trưng. Để thấy được những không gian sống đã hình thành trên vùng đất này, nhóm tác giả lần lượt dựng lại trước mắt người đọc những yếu tố nổi bật của môi trường thiên nhiên Nam Bộ, như địa hình, khí hậu, thủy văn cũng như sự phân bố của thảm thực vật.
Gắn kết những yếu tố tự nhiên với sự lựa chọn một cách có chủ đích của những con người nơi đây, cuốn sách muốn nhấn mạnh đến ý hướng chủ động kiến tạo nên nơi chốn sinh sống của người miền Nam, từ đây hé mở cái nhìn về một vùng không gian kiến trúc vốn đã thấm đẫm những câu chuyện, những suy tư, ước mơ của con người ngay từ những buổi sơ khởi.
Kết nối với di sản cha ông
Nhà gỗ, hay nhà rường là một loại hình kiến trúc đạt được mức độ hoàn thiện cao mà những chủ nhân miền Nam đã sáng tạo, xây dựng nên. Là sản phẩm kết tinh kỹ thuật, quan niệm xây dựng của người phương Nam, ngôi nhà gỗ mang những đặc điểm quan trọng của kiến trúc, văn hóa nơi đây. Điểm độc đáo trong quan niệm cũng như thực tiễn xây dựng của các ngôi nhà gỗ của người phương Nam nhóm tác giả muốn nhấn mạnh là tính liền mạch trong chỉnh thể của ngôi nhà.

Bước vào nửa sau thế kỷ XIX, xã hội Việt Nam đón nhận và ngày càng chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ văn hóa phương Tây. Người Pháp sau khi chiếm được Nam Kỳ đã tiến hành thiết lập, xây dựng những thành phố mới theo hướng hiện đại, tạo nên những xu hướng xây dựng nhà ở mới. Trong quá trình đó, người Việt đã tiếp thu, học hỏi, lai ghép kiến trúc mới với kiến trúc bản địa để tạo nên một lối chiết trung đầy cuốn hút, độc đáo.
Trong căn nhà của người Việt, dù là nhà gỗ truyền thống hay các kiểu nhà chịu ảnh hưởng phương Tây, họa tiết trang trí có một vị trí đặc biệt quan trọng. Nó diễn tả, gợi mở những ao ước, cảm nghĩ, quan niệm về cái đẹp của tiền nhân. Nhóm tác giả đã tổng kết, lên danh mục các loại hình họa tiết trang trí, bước đầu phân loại, giải thích ý nghĩa của các họa tiết đó.
Đặc biệt, cuốn sách cũng đưa ra một phát hiện thú vị về sự khác biệt giữa ngôi nhà gỗ truyền thống với nhà ở hiện đại ngày nay: trong khi nhà ở đô thị hiện đại có xu hướng gia tăng sự phân ly và ngăn trở, tạo thành các không gian khép kín, tách biệt, thì ngồi nhà gỗ trong quan niệm của người phương Nam xưa lại cố gắng tạo ra sự liền lạc, liên thông giữa các thành phần.
Điều này giúp độc giả có thể hình dung được tổng thể các kiểu thức trang trí truyền thống ở Việt Nam, qua đó làm cơ sở để tiếp cận, cảm nhận, thấu hiểu ngôi nhà cổ, kết nối hiện tại với truyền thống cha ông.
Chia sẻ với quá trình hoạt động nổi cùng các kết quả nghiên cứu mà nhóm tác giả đạt được, nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Thúy Vi bảy tỏ sự trân trọng và đánh giá cao: “Các bạn, cũng như nhiều người tâm huyết với việc bảo tồn vốn cổ cùng có hoài bão lớn là qua các nghiên cứu và trước tác của mình góp phần làm cho mọi người lưu tâm đến giá trị của các kiến trúc cổ ngày nay đang dần dần mất đi trong cơn lốc của sự hiện đại hóa nhằm lưu giữ lại các công trình này.”