Khám phá kì thi Đại học “khốc liệt” nhất thế giới
Kỳ thi tuyển sinh Đại học quốc gia của Trung Quốc (được gọi là Cao khảo) được xem là một trong những kỳ thi “khốc liệt” nhất thế giới - kì thi mà phần lớn các thanh thiếu niên nước này đã phải chuẩn bị ngay từ ngày đầu tiên bước chân vào trường tiểu học.
“Một tháng trước khi bước vào kì thi Cao khảo, tôi đã sụt gần 6kg. Một nửa tóc ở phía sau đầu bạc trắng”.
“Tôi vẫn còn gặp ác mộng rằng…tôi không thể hoàn thành bài kiểm tra Cao khảo, ngay cả bây giờ, sau 10 năm trải qua kì thi đó.”

Đó là những gì thanh niên Trung Quốc chia sẻ về Cao khảo - kỳ thi tuyển sinh Đại học duy nhất tại Trung Quốc - nổi tiếng thế giới vì sự khốc liệt, gắt gao với quá trình chuẩn bị kéo dài.
Kì thi mang tính quyết định cuộc đời
Cao khảo được tổ chức ở Trung Quốc trong cùng một ngày vào đầu tháng 6 hàng năm. Trong 9 tiếng đồng hồ, học sinh tham gia kì thi bắt buộc phải thi 3 môn là Văn học, Toán và Ngoại ngữ (thường là tiếng Anh), cùng một bài thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh) hoặc Khoa học Xã hội (Sử, Địa, Chính trị).
Mỗi năm, có khoảng 10 triệu học sinh Trung Quốc tham gia kì thi này. Kết quả Cao khảo là tiêu chí duy nhất để học sinh được nhận vào các trường Đại học. Các trường Đại học sẽ dựa vào điểm thi để thông báo thí sinh trúng tuyển.
Chỉ có 40% trong số các thí sinh dự thi được nhận vào các trường Đại học - trong đó chỉ khoảng 2% thí sinh dự thi được 38 trường Đại học hàng đầu ở Trung Quốc nhận, và chỉ 0,05% thí sinh được nhận vào Đại học Thanh Hoa và Đại học Bắc Kinh danh giá.
Quá trình chuẩn bị đầy áp lực
Kết quả thi Cao khảo hoàn toàn quyết định tương lai của học sinh Trung Quốc. Đó là lý do tại sao, trong khoảng một năm trước khi diễn ra, kỳ thi này sẽ chiếm trọn cuộc sống hàng ngày của các em, với một lịch trình học tập và thi thử nghiêm ngặt.

Tuy nhiên, trong khi quá trình chuẩn bị chính thức cho kỳ thi Cao khảo diễn ra từ năm lớp 11 và 12, thì về cơ bản, học sinh Trung Quốc đã phải chuẩn bị tâm lý cho kì thi này từ ngày đầu các em bước chân vào tiểu học.
“Từ hồi tiểu học, tôi đã luôn phải tập trung vào điểm số và việc chuẩn bị cho kỳ thi Cao khảo. Cảm giác đối với kì thi này thực sự phức tạp, vừa muốn nó đừng đến, vừa muốn nó đến nhanh. Chúng tôi phải dành quá nhiều thời gian cho nó” anh Guolong Zhu, người tham dự kỳ thi Cao khảo năm 2006 chia sẻ.

Năm học lớp 12, thay vì được dạy về các môn học khác nhau, hệ thống tất cả các trường THPT Trung Quốc sẽ tập trung ôn luyện cho các em các nội dung của bài kiểm tra Cao khảo. Toàn bộ thời gian năm học lớp 12 được dùng để chuẩn bị cho kỳ thi quan trọng này.
“Chúng tôi đã hoàn thành tất cả các kiến thức và bài vở từ năm lớp 10 và 11. Năm cuối, chúng tôi chỉ tập trung làm đề, ôn luyện”, anh Zhu cho biết.

Việc học thời gian này rất vất vả, mỗi ngày bắt đầu từ 7 giờ sáng và kết thúc vào 10 giờ đêm, lặp lại trong suốt cả năm học. Học sinh chỉ được nghỉ trưa khoảng 2 tiếng, một tháng các em được nghỉ 1 ngày rưỡi. Bên cạnh thời gian dành cho việc ôn luyện, giáo viên giúp các em xem lại bài, sửa lỗi thường gặp trong các bài thi thử.
“Để vào được đại học ở Trung Quốc, điểm thi Cao khảo là tiêu chí xét duyệt duy nhất. Không cần điểm hoạt động ngoại khóa hay thể thao, không cần gì khác. Chỉ cần điểm số của kì thi này mà thôi”, anh Zhu nói.
Học sinh chỉ có duy nhất một cơ hội mỗi năm để vào được trường Đại học mơ ước của mình - một cơ hội để thành công. Vì thế, mỗi lần được luyện đề đều đáng giá, mỗi ngày và mỗi đêm đều đáng giá, mỗi một điểm hơn kém nhau cũng đều đáng giá.

Xã hội Trung Quốc vì vậy cũng giành ưu tiên cao nhất cho kì thi Cao khảo. Ngày diễn ra kỳ thi, các chuyến bay thương mại và quân sự phải đi đường vòng, giao thông xung quanh các điểm thi bị kiểm soát chặt chẽ, tài xế bị cấm bấm còi, các công trường xây dựng bị đóng cửa… Tất cả để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các em làm bài thi của mình.

Dù mang lại nhiều áp lực về cả thể chất lẫn tinh thần cho các em học sinh, theo anh Zhu, Cao khảo vẫn được xem là kì thi phù hợp với xã hội Trung Quốc.
“Ở Trung Quốc, kì thi Cao khảo là cách sàng lọc tốt nhất. Nếu không chỉ dựa vào điểm số của kì thi này, mà còn dựa vào cả hoạt động ngoại khóa, thì có thể sẽ không công bằng đối với những người có ít điều kiện hơn”.
Để kỳ thi và áp lực học tập thay đổi, bản thân văn hóa và xã hội Trung Quốc cũng phải thay đổi. Nhưng cho đến lúc đó, Cao khảo vẫn sẽ tiếp tục được coi là kỳ thi “khốc liệt” nhất.