Khám phá không gian Tết Đoan Ngọ tại Hoàng thành Thăng Long
Nhằm lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội tổ chức chuỗi hoạt động nhân dịp Tết Đoan Ngọ và Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6.
Trưng bày “Tết Đoan Ngọ xưa và nay” gồm 2 chủ đề chính: Tết Đoan Ngọ dân gian truyền thống và Tết Đoan Ngọ trong cung đình thời Lê Trung Hưng.
Không gian Tết Đoan Ngọ dân gian truyền thống (tại khu trưng bày 19C Hoàng thành Thăng Long) tái hiện các phong tục đặc sắc như: thờ cúng tổ tiên, dâng cúng sản vật mùa hạ, “diệt sâu bọ” bằng rượu nếp, trứng luộc, bánh ú tro, chè kê... Điểm nhấn là hình tượng con giáp linh vật rắn - năm Ất Tỵ - được kết từ lá cây thân thuộc.
Không gian cung đình thời Lê Trung Hưng (tại nhà N14, Khu di sản Hoàng thành Thăng Long) tái hiện các nghi lễ cung đình như: lễ cúng tổ tiên, lễ thiết triều, lễ ban quạt, lễ ban yến… Thông qua tranh vẽ, mô hình và hiện vật phỏng dựng, du khách sẽ được khám phá văn hóa cung đình xưa.

Đặc biệt, Ban tổ chức trưng bày mô hình chiếc quạt lớn với bài thơ đề lên quạt của vua Lê Hiến Tông (1498 - 1504) trong dịp Tết Đoan Ngọ, thể hiện tâm tư, trăn trở của nhà vua về việc trị quốc an dân. Không gian lễ ban quạt được phỏng dựng với mô hình quan Tư lễ ban quạt cho các quan trong triều.
Ngoài ra, Trung tâm phối hợp giới thiệu quy trình, dụng cụ làm quạt và bộ sưu tập của nghệ nhân Lân Tuyết, gồm hai dòng quạt: quạt truyền thống (giấy dó châm kim, the hoa văn chạm trổ tinh tế) và quạt nghệ thuật (vẽ tứ thời, thư pháp, tích truyện như Thánh Gióng, Múa rồng, Tố nữ…).
Hoạt động trưng bày góp phần làm sống lại không gian văn hóa phi vật thể cung đình, giúp du khách hình dung rõ nét đời sống sinh hoạt nơi hoàng cung.
Bên cạnh đó, nhằm đưa di sản đến gần hơn với công chúng, Trung tâm phối hợp với các nghệ nhân tổ chức hoạt động trình diễn và giao lưu: thư pháp trên quạt; kết lá tạo hình, diễn ra ngày 31/5 và 1/6.
Đây là dịp để các nghệ nhân chia sẻ tri thức thú vị, mang đến trải nghiệm độc đáo cho du khách và học sinh, sinh viên.