Khám phá Hà Nội theo cách khác
Với lộ trình đi qua những con phố đẹp nhất của Hà Nội, cùng nhiều địa điểm, công trình kiến trúc gắn với lịch sử hình thành và phát triển của Thủ đô như hồ Gươm, hồ Tây, cầu Long Biên… các vận động viên tham gia Giải Marathon Quốc tế Di sản Hà Nội 2018 (Hanoi International Heritage Marathon 2018) sẽ có dịp khám phá một Hà Nội vừa cổ kính vừa hiện đại, theo cách khác.
Hà Nội vừa cổ kính vừa hiện đại
“Ở công ty tôi có treo poster giải marathon Berlin. Hàng ngày, khi ngắm nhìn nó, chúng tôi luôn tự hỏi, bao giờ Hà Nội sẽ có một giải marathon tầm cỡ quốc tế như thế?”. Kiên trì chuẩn bị trong gần 2 năm, mong ước của PGS. TS. Nguyễn Trí cũng như cán bộ, nhân viên Công ty TNHH Đức Hương Anh, đơn vị sáng lập đường đua Marathon Quốc tế Di sản Hà Nội, nay đã thành hiện thực. Vào sáng 21.10 tới, hơn 2.500 vận động viên chuyên nghiệp và bán chuyên đến từ gần 50 quốc gia và vùng lãnh thổ sẽ tham dự giải Hanoi International Heritage Marathon 2018 ở các cự ly 42km, 21km, 10km và 5km. Giải do Báo Đại biểu Nhân dân phối hợp với Công ty TNHH Đức Hương Anh và một số đơn vị liên quan tổ chức.
“Thủ đô Hà Nội nghìn năm văn hiến nổi tiếng với nhiều địa danh lịch sử, văn hóa nhưng lại chưa có đường chạy marathon của riêng mình, trong khi rất nhiều thủ đô lớn trên thế giới như Paris, Berlin, London… đều có giải marathon lâu đời và thường niên. Xuất phát từ trăn trở đó, chúng tôi, những người con Hà Nội đã lên ý tưởng tổ chức Giải Marathon Quốc tế Di sản Hà Nội 2018 nhằm giúp cho các vận động viên cũng như mỗi người dân nơi đây có thêm một hình thức tập luyện; đồng thời góp phần quảng bá hình ảnh của Hà Nội, của Việt Nam” - PGS.TS. Nguyễn Trí nói.
Các cung đường chạy của giải kết nối nhiều địa danh tâm linh trên địa bàn Hà Nội, từ Hồ Gươm, Hồ Tây, cầu Long Biên, đến hàng chục phố cổ. Theo PGS.TS. Nguyễn Trí - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đức Hương Anh, sự kết nối này làm cho giải không chỉ mang tính chất thể thao mà còn đậm chất văn hóa, giúp các vận động viên không đơn thuần hoàn thành cự ly, mà còn được khám phá dáng vẻ cổ kính truyền thống bên cạnh những nét hiện đại của Thủ đô. Bởi, chạy quanh Hồ Tây hay đứng từ trên cầu Long Biên, chúng ta có thể ngắm nhìn rất nhiều công trình xây dựng tiêu biểu cho sự phát triển của Hà Nội.
![]() Các cung đường chạy của giải kết nối nhiều địa danh tâm linh của Hà Nội |
Đường chạy “sạch”, thành tích chính xác
“Một cuộc đua thể lực và ý chí trên những cung đường đầy ý nghĩa lịch sử, qua các địa danh đã đi vào thi ca như Hồ Gươm - Hồng Hà - Hồ Tây là sự kiện mà những người yêu thể thao và yêu Hà Nội không thể bỏ lỡ. Đó cũng là lý do VPBank tham gia đồng tổ chức để nỗ lực đưa Hanoi International Heritage Marathon thành giải marathon thường niên của Hà Nội nói riêng và của Việt Nam nói chung”. Giám đốc Truyền thông và Tiếp thị VPBank Trần Tuấn Việt |
Để tổ chức giải marathon tại một thành phố sầm uất như Thủ đô Hà Nội không đơn giản. Tuy thời gian xuất phát các cự ly tương đối sớm, nhưng Ban tổ chức cũng đã cố gắng phối hợp với các đơn vị, địa phương, để bảo đảm đường chạy “sạch” hoàn toàn. Vận động viên được thoải mái trên đường đua và tận hưởng không khí mùa thu Hà Nội cũng như khám phá Thủ đô, không sợ bị ảnh hưởng bởi phương tiện giao thông hay bất kỳ yếu tố nào khác. Đường chạy sạch sẽ, văn minh, bảo đảm mỹ quan đô thị. Ông Đinh Huỳnh Linh - Giám đốc đường đua cho biết, sẽ có những tuyến đường cấm hoàn toàn phương tiện giao thông (như đường ven Hồ Tây, đường đê Ngọc Thụy...), có đoạn chia làn hoặc cấm đường theo kiểu cuốn chiếu… “Chọn một cung đường khác, nhường đường chạy cho vận động viên, cũng là một cách mỗi người dân Hà Nội có thể đóng góp cho giải”.
Một trong những mục tiêu Ban tổ chức hướng đến là đưa Giải Marathon Quốc tế Di sản Hà Nội trở thành giải marathon hàng đầu Việt Nam, thu hút nhiều vận động viên đẳng cấp quốc gia và quốc tế tham dự, qua đó lan tỏa, hỗ trợ phong trào thể dục thể thao trong cộng đồng, tạo điều kiện cọ xát cho vận động viên trên sân nhà. Ngay trong lần tổ chức đầu tiên này, hơn 150 vận động viên quốc tế cùng nhiều vận động viên trong đội tuyển điền kinh quốc gia Việt Nam đã đăng ký tham gia, như Phạm Thị Huệ (cự ly 42km), Nguyễn Thị Oanh (21km), Lê Trung Đức (21km)… Vì thế, Ban tổ chức cũng đặt uy tín chuyên môn cao nhất, bảo đảm thành tích chính xác, giải thưởng công bằng. Không chỉ vận động viên chuyên nghiệp mà tất cả người chạy đều có hệ thống tính giờ tiêu chuẩn, chính xác tuyệt đối.
Giải Marathon Quốc tế Di sản Hà Nội không chỉ là hoạt động thể thao, góp phần nâng cao thể lực, tầm vóc của người Hà Nội, người Việt Nam, mà còn là hoạt động văn hóa, là dịp để qua đó mỗi người thêm hiểu, thêm yêu Thủ đô; đồng thời thu hút thêm nhiều khách du lịch đến đây. Ban tổ chức kỳ vọng giải marathon này sẽ trở thành sinh hoạt văn hóa mới của Hà Nội, xây dựng hình ảnh Thủ đô văn hiến, thân thiện trong mắt bạn bè quốc tế. Và chính mỗi người dân Hà Nội sẽ góp sức làm cho giải ngày càng tốt hơn để rồi tự hào về nó.