Chưa thực sự phù hợp
Hiện nay, việc phân tuyến khám chữa bệnh được xây dựng nhằm bảo đảm người bệnh được khám và điều trị tại các cơ sở y tế phù hợp với tình trạng bệnh và khả năng chuyên môn của từng tuyến. Tuyến cao hơn sẽ đảm nhiệm điều trị các bệnh lý nặng và phức tạp hơn. Khi người bệnh có tình trạng bệnh vượt quá khả năng của tuyến dưới, cơ sở y tế sẽ thực hiện thủ tục chuyển bệnh nhân lên tuyến trên để tiếp tục điều trị. Ngược lại, khi người bệnh đã ổn định tại tuyến trên và cần theo dõi định kỳ, họ có thể được chuyển về tuyến dưới để tiếp tục điều trị và chăm sóc.
Việc quy định phân tuyến khám chữa bệnh sẽ giúp giảm thiểu tình trạng quá tải tại các bệnh viện tuyến Trung ương, tránh làm ảnh hưởng đến chất lượng điều trị, và mất cân đối quản lý Quỹ Bảo hiểm y tế. Các cơ sở tuyến Trung ương được giao chức năng tuyến cuối, tập trung điều trị bệnh nặng, triển khai kỹ thuật chuyên sâu, nghiên cứu khoa học, đào tạo nên không thể tập trung vào khám và điều trị các bệnh lý thông thường, chăm sóc ban đầu. Việc quá tải cũng có nguy cơ gây sai sót, tai biến, giảm chất lượng và hiệu quả điều trị, ảnh hưởng đến người bệnh.
Về thông tuyến, chuyển tuyến, Luật quy định việc đăng ký cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu theo địa giới hành chính là phù hợp, nhưng chưa tạo điều kiện thuận tiện cho người dân.
Tại dự thảo trình Quốc hội lần này, Chính phủ trình sửa đổi quy định mang tính chất "thông tuyến" huyện toàn quốc đối với các cơ sở khám, chữa bệnh ban đầu và cơ sở thuộc cấp cơ bản đã được phân tuyến huyện trước ngày 1.1.2025, thay vì chỉ "thông tuyến" huyện toàn quốc đối với bệnh viện tuyến huyện như luật hiện hành. Dự thảo luật quy định trường hợp người bệnh được chẩn đoán xác định với một số bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, bệnh cần phẫu thuật hoặc sử dụng kỹ thuật cao được đến thẳng cơ sở có chuyên khoa, năng lực chuyên môn kỹ thuật cao.
Chính phủ cho biết, đã chỉ đạo Bộ Y tế cùng các cơ quan nghiên cứu giải pháp để người dân có thẻ bảo hiểm y tế có thể đi khám, chữa bệnh tại bất kỳ cơ sở khám, chữa bệnh nào mà không phải làm thủ tục chuyển tuyến, theo đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tuy nhiên, Chính phủ cho rằng trong giai đoạn hiện nay chưa thể thực hiện được ngay việc này, mà cần có giải pháp từng bước để giữ ổn định hệ thống khám, chữa bệnh; chuẩn bị các điều kiện cần thiết, đặc biệt phải tăng cường năng lực, quan tâm đãi ngộ cho y tế cơ sở. Do đó, trước mắt Chính phủ đã bổ sung một số giải pháp để tạo thuận lợi cho người dân và thiết kế phương án mở có lộ trình để Quốc hội xem xét.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, mở rộng thêm quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm y tế được tự đi khám, chữa bệnh. Cụ thể, trường hợp khám, chữa bệnh tại các cơ sở thuộc cấp cơ bản (trừ trường hợp cấp cứu, mắc bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo); các cơ sở thuộc cấp khám, chữa bệnh chuyên sâu được phân tuyến tỉnh trước 1.1.2025 sẽ được thanh toán 100% chi phí điều trị nội trú và 50% chi phí khám bệnh, chữa bệnh ngoại trú, từ 1.7.2026.
Cảnh báo quá tải bệnh viện tuyến trên
Ưu điểm của phương án này, theo Chính phủ, là người tham gia bảo hiểm y tế có thể tới bất kỳ cơ sở khám, chữa bệnh cấp cơ bản (tương đương tuyến tỉnh hiện nay) để khám, chữa bệnh và được hưởng 50% chi phí ngoại trú. Tuy nhiên, theo Chính phủ, phương án này có nguy cơ mất cân đối trầm trọng hệ thống cơ sở khám, chữa bệnh, tăng tình trạng quá tải tại các cơ sở thuộc cấp cơ bản, chuyên sâu đang là cơ sở khám, chữa bệnh tuyến tỉnh hoặc một số cơ sở tuyến Trung ương.
Việc này cũng làm tăng khoảng cách chênh lệch về chuyên môn giữa các cấp chuyên môn, kỹ thuật, phá vỡ phân cấp chuyên môn và lệch trọng tâm nhiệm vụ cơ bản của từng cấp, chưa phù hợp với quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh vừa được Quốc hội thông qua.
Về quyền lợi của người bệnh, quy định này có thể làm tăng thời gian chờ đợi khám, chữa bệnh tại các cơ sở do người bệnh có xu hướng đi nhiều lên cấp cao hơn. Việc này cũng làm tăng lượt khám đối với các bệnh thông thường ở tuyến trên, ảnh hưởng đến việc điều trị bệnh nhân nặng, nguy cơ lạm dụng chỉ định xét nghiệm, khám sức khỏe, chỉ định thuốc, quá tải công suất sử dụng thiết bị y tế, giường bệnh…Đặc biệt, theo Chính phủ, quy định này có thể làm suy yếu hệ thống y tế cơ sở, giảm điều kiện hành nghề của nhân viên y tế, giảm phát triển năng lực khám, chữa bệnh…
Bên cạnh đó, việc thông tuyến, chuyển tuyến có thể làm phát sinh các chi phí trong khám, chữa bệnh, chi phí đi lại, sinh hoạt của người bệnh; lãng phí nguồn lực đầu tư của Nhà nước, đồng thời có thể tăng chi ngân sách để tăng bao cấp cho y tế cơ sở nhiều hơn mức cần thiết.