Theo quy định tại Luật Hộ tịch, việc khai tử được thực hiện theo quy trình: người có trách nhiệm đi đăng ký khai tử nộp tờ khai theo mẫu quy định và giấy báo tử hoặc giấy tờ khác thay giấy báo tử cho cơ quan đăng ký hộ tịch; ngay sau khi nhận giấy tờ hợp lệ, nếu thấy việc khai tử đúng thì công chức tư pháp - hộ tịch ghi nội dung khai tử vào sổ hộ tịch, người đi khai tử ký tên vào sổ hộ tịch và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp trích lục cho người đi khai tử; Công chức tư pháp - hộ tịch khóa thông tin hộ tịch của người chết trong Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử.
Để thực hiện được thủ tục này, công dân phải nộp các loại giấy tờ phải nộp cho cơ quan có thẩm quyền đăng ký hộ tịch bao gồm: Tờ khai theo mẫu quy định; Giấy báo tử hoặc giấy tờ khác thay cho giấy báo tử; Chứng minh nhân dân/Hộ chiếu/Căn cước công dân hoặc giấy tờ khác chứng minh nhân thân của người đăng ký khai tử; Giấy tờ chứng minh nơi cư trú cuối cùng của người chết, nếu không xác định được nơi cư trú cuối cùng thì giấy tờ chứng minh nơi người đó chết hoặc nơi phát hiện thi thể người đó.
Như vậy, khai tử là một thủ tục quan trọng đối với cá nhân nói chung và trong mối quan hệ của cá nhân đó đối với đời sống xã hội. Tuy vậy, thực tế cho thấy vì rất nhiều lý do mà thủ tục này bị bỏ qua, xem nhẹ, dẫn đến tình trạng không làm thủ tục khai tử, hoặc khai tử cho người sống nhằm trục lợi, vì mục đích cá nhân khác…
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, song hiện nay có thể thấy: khi thực hiện thủ tục này, người dân phải thực hiện rất nhiều loại giấy tờ, nhưng giấy tờ quan trọng nhất “Giấy báo tử” thì lại rất lỏng lẻo.
Luật Hộ tịch năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành không đưa ra khái niệm về giấy báo tử. Trong thủ tục khai tử, giấy báo tử có thể được thay thế bằng các loại giấy tờ khác do nhiều cơ quan có thẩm quyền cấp, bao gồm: Giấy báo tử do Thủ trưởng cơ quan y tế cấp đối với người chết tại cơ sở y tế; Giấy xác nhận việc thi hành án tử hình của Chủ tịch Hội đồng thi hành án tử hình; Quyết định tuyên bố một người là đã chết của Tòa án; Giấy báo tử do Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó chết cấp trong các trường hợp còn lại…
Quy định này, dẫn đến thực tế: Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó chết vừa có thẩm quyền cấp giấy báo tử, vừa có thẩm quyền cấp khai tử; Người có thẩm quyền cấp giấy báo tử không có chuyên môn y khoa, vì vậy, không thể có một bằng chứng khoa học nào về nguyên nhân cái chết của người chết cũng như xác định người chết là ai, có thực sự là người được khai tử không.
Từ đó, cần sửa đổi, quy định liên quan đến giấy báo tử theo hướng: giấy này phải do người có chuyên môn y khoa cấp trong trường hợp chết tại nhà. Có như vậy mới khắc phục trường hợp khai tử cho người còn sống nhằm trục lợi hay khai tử cho người thân chết “bất thường” thành nguyên nhân chết “tự nhiên” tại nhà để qua mặt cơ quan chức năng. Kinh nghiệm nhiều quốc gia cho thấy, người cấp giấy chứng tử nhất thiết phải có chuyên môn y khoa và phải chịu trách nhiệm cho quyết định cấp giấy chứng tử của mình trước pháp luật.