Khai thác và sử dụng khoáng sản phải đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước

Minh Vân lược ghi 28/10/2010 00:00

Chiều qua, 27.10, QH thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật khoáng sản (sửa đổi). Những vấn đề còn ý kiến khác nhau đó là đấu giá quyền thăm dò và quyền khai thác khoáng sản; việc chuyển nhượng quyền thăm dò, quyền khai thác và quyền lợi của địa phương và người dân nơi có khoáng sản, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân được cấp phép hoạt động, khai thác khoáng sản ở các địa phương…

ĐBQH Lưu Thị Chi Lan (Vĩnh Phúc): Cần quy định cụ thể, mang tính định lượng…

Về quyền lợi của địa phương và người dân nơi có khoáng sản được khai thác ở Điều 6. Theo Hiến pháp Việt Nam ở Điều 17 quy định về tài nguyên trong đó có khoáng sản thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước làm đại diện chủ sở hữu quản lý. Vì vậy, việc khai thác và sử dụng khoáng sản phải đóng góp vào phát triển chung của đất nước, đặc biệt là phải bảo đảm quyền lợi của người dân vùng khai thác khoáng sản. Hơn nữa, theo chủ trương chung khai thác tài nguyên phải bảo đảm hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng. Tuy nhiên, các quy định của luật và văn bản dưới luật mới chỉ bảo đảm lợi ích cho doanh nghiệp và Nhà nước, còn lợi ích của cộng đồng nơi có hoạt động khoáng sản chưa được tách ra mà gộp chung với lợi ích của Nhà nước. Do vậy, để bảo vệ quyền lợi của người dân địa phương và người dân nơi có khoáng sản được khai thác, tôi đề nghị nên tách thành một chương riêng và bổ sung các quy định cụ thể trên cơ sở nội dung của Quyết định 219 năm 1999 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách bảo vệ quyền lợi của nhân dân địa phương nơi có khoáng sản được khai thác, chế biến và bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác.

Thực tế hiện nay, khi các doanh nghiệp khai thác khoáng sản thu lợi nhuận cao thì cộng đồng dân cư nơi có hoạt động khoáng sản lại chịu nhiều thiệt thòi do không được chia sẻ công bằng và phải chịu rất nhiều những tác động bất lợi vì các dạng tài nguyên như đất, nước, rừng... bị tổn hại, môi trường sống bị ô nhiễm và cơ sở hạ tầng bị xuống cấp. Một khi lợi ích từ khai thác tài nguyên khoáng sản không được chia sẻ hợp lý giữa doanh nghiệp, Nhà nước và cộng đồng thì chắc chắn sẽ nảy sinh mâu thuẫn và xung đột xã hội. Do vậy, dự án luật cần quy định cụ thể, mang tính định lượng mới có thể giải quyết được những mâu thuẫn phát sinh và ngày càng sâu sắc thêm ở những khu vực mỏ khai thác khoáng sản.

ĐBQH Trần Đình Nhã (Bà Rịa - Vũng Tàu): Phải khoanh định được khu vực đấu giá

Mong muốn luật này khi ban hành sẽ giải quyết được những vấn đề bức xúc hiện nay trong lĩnh vực khoáng sản. Hiện nay khoáng sản đang bị khai thác một cách tràn lan, kém hiệu quả, phân chia lợi ích không công bằng, khai thác khoáng sản kéo theo nhiều hệ lụy về môi trường, về an sinh xã hội... Tuy nhiên theo tôi luật này ra đời sẽ không đáp ứng được yêu cầu đó. Vì trong luật này, vấn đề mấu chốt đã đặt ra và hy vọng đó là điểm chốt để giải quyết tình hình hiện nay, hoặc là quy định không rõ ràng, quy định không đến nơi đến chốn. Vấn đề đấu giá quyền khai thác khoáng sản, nghĩ rằng xưa nay cấp phép tràn lan, cho nên hạn chế tình trạng này chủ yếu là đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Nhưng muốn thực hiện đấu giá thì phải khoanh định khu vực. Tôi nghĩ trong vòng 1, 2, 3 năm tới chắc Bộ Tài nguyên và Môi trường và chính quyền địa phương chưa khoanh định được nơi nào có thể đấu giá.

Một vấn đề khác là giải quyết quyền lợi của địa phương và người dân nơi có khoáng sản khai thác. Nếu không có định lượng thì giải quyết cái gì? Chẳng hạn địa phương nơi có khoáng sản thì Nhà nước sẽ điều tiết từ khoản thu từ hoạt động khai thác khoáng sản để phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương đó. Tại sao lại quy định chung chung như thế? Nhà nước ở đây là ai, ai điều tiết, điều tiết bao nhiêu, khi nào?

ĐBQH Vũ Thị Phương Anh (Quảng Nam): Không đủ khả năng khai thác thì phải trả lại 

Khoáng sản là lĩnh vực hoạt động có liên quan rất mật thiết đến các ngành sản xuất, kinh doanh; trong phát triển nền kinh tế của đất nước; cung ứng nguyên vật liệu cho các ngành sản xuất khác và thu hút một lực lượng lao động rất đáng kể. Trong bối cảnh hiện nay, phát triển công nghiệp khoáng sản như thế nào để bảo đảm phát triển bền vững là hết sức quan trọng và là đòi hỏi cấp bách đặt ra đối với các nhà quản lý, các cơ quan chức năng, đồng thời đối với toàn xã hội. Lâu nay vấn đề nổi cộm là người dân ở khu vực có các loại tài nguyên khoáng sản. Làm thế nào để hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan, đồng thời cơ quan quản lý Nhà nước có thể quản lý được là vấn đề dự án luật phải tính đến.

Khoản 1, Điều 6 khi quy định địa phương nơi có khoáng sản được khai thác được Nhà nước điều tiết khoản thu từ hoạt động khai thác khoáng sản để hỗ trợ phát triển KT - XH theo quy định của pháp luật về ngân sách Nhà nước. Theo tôi khoản này cần phải được làm rõ, tức là phải quy định rõ ràng nguồn thu này được trích bao nhiêu phần trăm cho địa phương. Nếu quy định như trong dự án luật thì có thể trích 10% hoặc 90% cũng được. Về Khoản 2, tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản có trách nhiệm gồm 4 khoản a, b, c, d, tôi nghĩ phần này cần đưa về trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản, nhưng phải quy định thật rõ ràng nếu không sẽ rất khó thực hiện. Ví dụ kết hợp khai thác với việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật, bảo vệ, phục hồi môi trường, ưu tiên sử dụng lao động địa phương, phối hợp với chính quyền địa phương để chuyển đổi nghề nghiệp, hỗ trợ nâng cấp. Tôi nghĩ rằng cũng phải quy định sau khi triển khai bao nhiêu thời gian thì phải phục hồi hay hoàn thành xong phải phục hồi.

Về Điều 56, quyền và nghĩa vụ tổ chức, cá nhân được phép khai thác khoáng sản, tại Khoản 1, tôi tán thành cho đấu giá nhưng không đồng ý chuyển nhượng. Bởi vì vấn đề khoáng sản hết sức nhạy cảm, hiện nay thực tế có rất nhiều dự án sau khi cấp phép xong thì chuyển qua, chuyển lại cả chục lần. Nếu cũng áp dụng với tài nguyên khoáng sản thì sẽ xảy ra việc đầu cơ. Để minh bạch trong vấn đề này, cần quy định rõ đối với các tổ chức, cá nhân sau khi đã trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản, nếu không đủ khả năng khai thác thì phải làm thủ tục trả lại cho cơ quan có chức năng và bồi hoàn kinh phí tổ chức đấu giá để đấu giá lại…

ĐBQH Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh): Kỳ vọng rất nhiều…

Cử tri cũng như ĐBQH kỳ vọng rằng việc sửa đổi luật này sẽ chấn chỉnh được tình trạng khai thác tài nguyên thiên nhiên một cách bừa bãi, thất thoát tài nguyên thiên nhiên, thất thoát ngân sách quốc gia cũng như ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên qua xem xét tất cả 86 điều luật này tôi cảm thấy rằng điều này sẽ không đạt được, tức là sau khi luật này được thông qua sẽ không cải thiện được tình hình hiện nay. Một phần vì dự án luật chưa bám sát một nội dung quan trọng, một sợi chỉ đỏ xuyên suốt là phải xác lập và duy trì được quyền sở hữu toàn dân mà Nhà nước đại diện sở hữu đối với các tài nguyên khoáng sản của đất nước, thể hiện ở những điểm sau: thứ nhất nếu tài nguyên khoáng sản là sở hữu Nhà nước thì quyền điều tra, thăm dò là quyền và nghĩa vụ của Nhà nước và phải biết chúng ta có cái gì. Sau khi biết được chính xác có cái gì, ở đâu rồi thì phải lọc được quy hoạch khai thác bao gồm cả không gian và thời gian. Không phải cứ có mỏ là khai thác mà phải xác định trữ lượng, điều tiết khai thác như thế nào, khai thác ở đâu trước, ở đâu sau, đồng thời phải có biện pháp quản lý phù hợp như vậy mới có thể tránh được thất thoát, lãng phí…

Thứ hai là Điều 6 quy định quyền lợi của địa phương nhưng trong đó Khoản 2 lại ghi trách nhiệm của người khai thác là không đúng. Quyền lợi của địa phương là quyền lợi của địa phương. Người khai thác phải nâng cấp, bảo quản, duy tu cơ sở hạ tầng, sau đó đóng một số tiền nhất định theo đề án hoặc theo đấu giá và chính quyền địa phương dùng tiền đó để lo cho người dân về cơ sở hạ tầng và các chế độ khác. Nếu nói hỗ trợ thì rất chung chung…

ĐBQH Trương Xuân Quý (Tuyên Quang): Trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan chưa đầy đủ

Về phạm vi điều chỉnh, Luật Khoáng sản năm 1996, khi đó chưa thành lập Bộ Tài nguyên và môi trường, do đó đầu mối giúp Chính phủ quản lý tài nguyên khoáng sản lúc đó giao cho Bộ Công nghiệp trước đây, nay là Bộ Công thương. Năm 2007, khi thành lập Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công thương đã chuyển chức năng cấp phép khai thác mỏ cho Bộ Tài nguyên và Môi trường. Thời điểm sau đó thì cả Trung ương và các địa phương rất lúng túng trong việc cấp phép khai thác khoáng sản. Cụ thể là quá trình thực hiện bộc lộ nhiều điểm bất cập như sau khi ngành tài nguyên môi trường cấp mỏ thì có chuyện có doanh nghiệp được cấp mỏ nhưng không có khả năng khai thác. Vì không có khả năng khai thác nên dẫn đến việc doanh nghiệp xin được mỏ bán cho doanh nghiệp khác. Doanh nghiệp có mỏ thì không chế biến được khoáng sản và doanh nghiệp chế biến đầu tư nhà máy theo đúng quy hoạch phát triển KT - XH địa phương thì không có mỏ, không có nguyên liệu; hoặc có trường hợp sau khi doanh nghiệp được cấp mỏ rồi mới xem xét vấn đề khả năng, công nghệ khai thác, công nghệ chế biến có bảo đảm không... Do vậy, tôi đồng tình là phải cải cách hành chính trong vấn đề này và thống nhất tập trung vào một đầu mối.

Vấn đề khác là phạm vi điều chỉnh của dự án luật không điều chỉnh khâu chế biến. Chính vì phạm vi điều chỉnh không điều chỉnh khâu chế biến nên quy định trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan chưa đầy đủ. Trong toàn bộ dự án luật không nói đến trách nhiệm của Bộ Công thương và Bộ Xây dựng là hay bộ liên quan rất chặt chẽ đến việc sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản. Do vậy tôi đề nghị cần phải nghiên cứu vấn đề này. Dự thảo Nghị định của Chính phủ hướng dẫn thi hành luật tại Điều 6 có nhắc đến Bộ Công thương, Bộ Xây dựng, nhưng cũng chỉ ở mức giúp Chính phủ quy hoạch thăm dò khai thác khoáng sản. Và cũng chính vì không điều chỉnh khâu chế biến nên quy định về nguyên tắc và điều kiện cấp giấy phép khai thác khoáng sản tại Điều 54 cũng có nhiều kẽ hở…

    Nổi bật
        Mới nhất
        Khai thác và sử dụng khoáng sản phải đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO