Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2020

Khai thác những khía cạnh khác biệt

- Thứ Năm, 03/12/2020, 08:35 - Chia sẻ
Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2020 khai mạc chiều 1.12 quy tụ khá nhiều tác giả với các thể loại phong phú. Mặc dù chưa có nhiều tác phẩm gây ấn tượng mạnh, song đã thể hiện khao khát cách tân, khám phá những nguyên lý sáng tác hiện đại, khai thác những khía cạnh khác biệt.

Chưa có đột phá

Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2020 đã lựa chọn 497 tác phẩm của 483 tác giả để trưng bày. Cụ thể, với thể loại điêu khắc và sắp đặt có 117 tác phẩm của 105 tác giả; thể loại hội họa, đồ họa, nghệ thuật trình diễn, video art và các hình thức nghệ thuật đương đại khác có 380 tác phẩm của 378 tác giả. 29 tác phẩm xuất sắc đã được Hội đồng nghệ thuật trao giải thưởng.

Theo nhà điêu khắc Nguyễn Xuân Tiên, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh, các tác phẩm điêu khắc, sắp đặt tham gia triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2020 đa dạng, phong phú về nội dung, chất liệu, ngôn ngữ tạo hình, phản ánh những tâm tư, tình cảm, ý tưởng nghệ thuật của mỗi tác giả đối với tình yêu, gia đình, xã hội và những thăng trầm của cuộc sống... “Tuy nhiên, vẫn chưa có tác phẩm gây ấn tượng mạnh với người xem và chưa phản ánh được bức tranh mỹ thuật Việt Nam những năm qua”.

Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2020 hội tụ những sáng tác tốt nhất trong 5 năm (2016 - 2020) của các thế hệ nghệ sĩ Việt. Họa sĩ Đào Quốc Huy, Hội Mỹ thuật Việt Nam, nhận xét: “Những năm gần đây xuất hiện nhiều hình thức hoạt động nghệ thuật, triển lãm, giải thưởng, sưu tầm... đa dạng về cách tiếp cận nội dung và quy mô. Tâm thế sáng tác, điều kiện và môi trường hoạt động của các nghệ sĩ đổi thay mạnh mẽ, dẫn tới sự lựa chọn tham gia các sự kiện mỹ thuật trở thành thái độ ở một bộ phận không nhỏ các nghệ sĩ hiện nay. Những yếu tố trên đã ảnh hưởng phần nào đến lượng và chất trong triển lãm lần này”.

Còn nhà nghiên cứu lý luận và phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng thì cho rằng, sự chú ý đến đời sống xã hội theo nghĩa rộng và liên quan đến ý tưởng của nghệ thuật đương đại, cũng vô hình trung thu hẹp cách thức sáng tác của rất nhiều nghệ sĩ trẻ. Họ đặt vấn đề giống nhau, cách thể hiện cũng có vài kiểu thức dễ nhận ra, bên cạnh việc sử dụng ảnh chụp tư liệu ở mức độ tối đa, làm giảm sự ngẫu hứng và đi sâu vào tự nhiên. Sự khuôn sáo trong nghệ thuật thời chống Mỹ từng được đề cập, nay thể hiện ở một cách khác với các sự kiện xã hội khác. Nghệ thuật có lẽ cần phản ánh xã hội có tính viễn vọng và gợi ý, trong đó đời sống tâm hồn quan trọng hơn hình thức bên ngoài.

Tuy vậy, theo NSND, nhà điêu khắc Vương Duy Biên, Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật: “Mặc dù không có đột phá hay xuất hiện những tài năng trẻ xuất sắc, nhưng phải ghi nhận sự cố gắng, đam mê đầy trách nhiệm, kiên trì với con đường, khuynh hướng lựa chọn của các nghệ sĩ để đóng góp sự đa dạng cho cuộc trưng bày lần này cũng như sự phát triển chung của nền mỹ thuật nước nhà”.

Tác phẩm "Chuông", giải Ba của nhà điêu khắc Kù Kao Khải  

Khai thác tính cá nhân

Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2020 được giới trong nghề đánh giá đa dạng về ngôn ngữ tạo hình, kỹ thuật xử lý chất liệu hiện đại, phong phú các loại hình, từ đồ họa, hội họa, điêu khắc, nghệ thuật sắp đặt, video art và các loại hình nghệ thuật đương đại khác. Sự tham gia đông đảo của 1.382 tác giả trên 58 tỉnh, thành phố, cho thấy màu sắc mới, kỳ vọng mới của triển lãm năm nay.

Nhà điêu khắc Lê Lạng Lương, Ủy viên Hội đồng Nghệ thuật chuyên ngành điêu khắc, nhận định, thông qua các tác phẩm tham dự có thể nhận thấy quan điểm sáng tác ngày càng phân cực, khác biệt, tách xa nhau, từ xu hướng hiện thực, đến hiện đại, trừu tượng, tối giản, ý niệm...; khi đậm chất ngôn ngữ điêu khắc, khi nặng tính minh họa, tự sự, diễn nôm...; sự khao khát cách tân, khám phá những nguyên lý sáng tác hiện đại, khai thác những khía cạnh hẹp, khác biệt, xóa bỏ hoặc mở rộng phạm vi ngôn ngữ điêu khắc.

“Chuông” của họa sĩ Kù Kao Khải là một trong những sáng tác được đánh giá mang đậm ngôn ngữ điêu khắc, thể hiện cá tính của tác giả. Tác phẩm là hình con cá khổng lồ bằng gỗ được treo lên giá, như cách mà người ta treo một quả chuông. Và, trên phần "giá" là hình ảnh của ống khói nhà máy đang tuôn khói, của những bộ mặt người ảm đạm... Chia sẻ về tác phẩm, Kù Kao Khải cho biết: “Nhà tôi ở gần nhà thờ đá Kim Sơn - Ninh Bình, có cái chuông 1.200kg. Tôi thấy quê mình có nhiều cảnh đẹp, nhưng đang xây dựng quá nhiều nhà máy công nghiệp. Chính vì thế, tôi đã bỏ ra 5 tháng để thực hiện tác phẩm này nhằm cảnh báo…”.

Cũng mang tính thực tế, tác phẩm mang tên “Khát” của Nguyễn Tuấn Dũng được vẽ trong khoảng thời gian người dân nhiều vùng miền trên cả nước thực hiện giãn cách xã hội do dịch Covid-19, cùng thời điểm khu vực đồng bằng sông Cửu Long phải chịu cảnh khô hạn kéo dài. “Tôi có ý tưởng từ rất lâu nhưng chưa thực hiện được, tác phẩm lần này là cơ hội để tôi phản ánh suy nghĩ của mình về các vấn đề môi trường, về đời sống đương đại, bằng ngôn ngữ nghệ thuật. ‘Khát’ sử dụng acrylic trên báo cũ, lồng vào các câu chuyện thời sự trên báo. Lúc đầu tác phẩm chỉ dừng lại ở hình ảnh chiếc thuyền, sau đó tôi bổ sung hai bức tranh chim, cá hai bên, theo ý tưởng trái đất được chia thành nhiều tầng, đất - nước - khí quyển, trong đó cá tượng trưng cho đời sống dưới nước, thuyền thể hiện cuộc sống con người trôi nổi trên mặt đất, hình chim tượng trưng cho bầu trời...".

Các tác phẩm tại triển lãm đã cho thấy sự đam mê đầy trách nhiệm của các tác giả, những người đã chọn lựa con đường, khuynh hướng riêng trong sự đa dạng chung. Là họa sĩ chuyên ngành đồ họa, tác giả Vũ Bạch Liên - đoạt giải Nhì với tác phẩm đồ họa/in vân tay độc bản “Họ - Một phần cuộc sống của tôi”, cho hay: “Với tôi, đồ họa không còn bị trói buộc bởi không gian hai chiều nữa mà có thể kết hợp với các loại hình khác. Tôi đã mất nhiều tháng gặp gỡ hàng trăm người để xin hơn 10.000 vân tay sử dụng cho tác phẩm của mình. Vân tay giống như một mê cung, cuộc đời của mỗi người không ai giống ai và hành trình của mỗi người mang một màu riêng biệt và độc đáo. Nếu một nghệ sĩ khai thác được tính cá nhân đó thì sẽ thành công”.

Hương Sen