Khai thác nguồn lực di sản phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô
Sáng 1/7, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội đã tổ chức hội thảo “Di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội phục vụ phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô”.
Hội thảo tuyển chọn 42 bài viết, tham luận từ các chuyên gia, nhà nghiên cứu tập trung vào ba chủ đề: Nghiên cứu, đánh giá tiềm năng của di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội; Thực trạng phát triển các lĩnh vực công nghiệp văn hóa ở Hà Nội giai đoạn hiện nay; Giải pháp phát huy tiềm năng di sản văn hóa phục vụ phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô.

Phát biểu đề dẫn hội thảo, Hiệu trưởng Trường Đại học Thủ đô Hà Nội, PGS.TS. Đỗ Hồng Cường cho biết, các quốc gia đều chuyển đổi mô hình phát triển và hướng đến nhận thức mới về vai trò của văn hóa, nguồn lực văn hóa trong phát triển. Tài nguyên thiên nhiên dồi dào, vị trí địa lý thuận lợi không còn đóng vai trò quyết định sự hưng thịnh của đất nước, mà thay vào đó, nền tảng cho sự phát triển của mọi quốc gia, dân tộc là tính sáng tạo - nội lực của đất nước từ truyền thống đến đương đại. Nội lực đó, chính là nguồn lực văn hóa - sức mạnh nội sinh, sức mạnh mềm..., được xem là nguồn lực đặc biệt, là sức mạnh mềm thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển bền vững theo hướng nhân văn, nhân bản.
PGS.TS. Đỗ Hồng Cường cho rằng, Thăng Long - Hà Nội hội tụ đầy đủ yếu tố để phát triển công nghiệp văn hóa, trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, có tiềm năng lớn để Thủ đô không chỉ sở hữu các di sản văn hóa quý giá mà còn là trung tâm văn hóa và nghệ thuật của Việt Nam. Hơn nữa, việc quảng bá văn hóa và xây dựng thương hiệu quốc tế sẽ giúp Hà Nội nổi bật trên bản đồ văn hóa toàn cầu, thu hút du khách và các nhà đầu tư.
Tuy nhiên, ông Cường cũng đưa ra thách thức hiện nay, đó là việc khai thác nguồn lực văn hóa nói chung và các giá trị di sản văn hóa nói riêng cho phát triển công nghiệp văn hóa thủ đô còn không ít khó khăn, hạn chế cả về cơ chế tổ chức triển khai, phát triển sản phẩm và sự tham gia của cộng đồng, doanh nghiệp.
GS. TS. Lê Hồng Lý đề xuất, chính vì tập trung tài năng về mọi lĩnh vực: công nghệ, văn hóa, nghệ thuật, nên Hà Nội cần đầu tư, phát hiện để biến tiềm năng di sản văn hóa thành sản phẩm văn hóa phục vụ đời sống văn hóa và đem lại lợi nhuận kinh tế cao cho người dân Thủ đô cũng như khách du lịch bốn phương. Quá trình thực hiện cần khuyến khích doanh nghiệp tư nhân tham gia để họ khai thác và đầu tư vào di sản, để nó trở thành điểm sáng, cơ sở du lịch có tầm cỡ quốc gia, quốc tế. Bên cạnh đó, đề cao vai trò sáng tạo của cá nhân; tích cực hợp tác quốc tế…

Nguyên Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trương Minh Tiến cũng góp ý, cần nhận diện, liên kết hệ thống di sản và đồng bộ trong quảng bá; đầu tư cơ sở vật chất và dịch vụ; tăng cường hoạt động lễ hội văn hóa định kỳ; nghiên cứu phát huy nguồn lực di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội phục vụ phát triển công nghiệp văn hóa, giúp Hà Nội hiện thực hóa mục tiêu phát triển công nghiệp văn hóa, góp phần vào sự phát triển bền vững và nâng cao vị thế của Thủ đô trên trường quốc tế...
Các ý kiến tại hội thảo là cơ sở khoa học để Trường Đại học Thủ đô Hà Nội thực hiện Đề án số 1209/ĐA-ĐHTĐHN ngày 11/11/2022 về “Bồi dưỡng kiến thức Hà Nội học cho giáo viên phổ thông trên địa bàn Thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045".