Lập Quy hoạch Điện VIII

Khai thác hợp lý nguồn năng lượng tái tạo

- Thứ Năm, 01/04/2021, 07:40 - Chia sẻ
Thực tiễn thực hiện Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia, được cụ thể hóa trong Quy hoạch điện VII hiện hành (điều chỉnh năm 2016) thời gian qua đã bộc lộ nhiều rủi ro làm mất an ninh năng lượng. Vì vậy chính sách phát triển năng lượng giai đoạn tiếp theo phải được thiết kế khoa học, hợp lý hơn để có thể khai thác, sử dụng có hiệu quả các nguồn năng lượng, bảo đảm phát triển bền vững cho cả hiện tại và tương lai.

Rủi ro khó lường

Có nhiều tiêu chí khác nhau để đánh giá an ninh năng lượng của một quốc gia. Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) thường chọn 5 tiêu chí: chỉ số mức độ đa dạng hóa nguồn cung cấp năng lượng sơ cấp (ESI1); chỉ số mức độ phụ thuộc vào nguồn năng lượng nhập khẩu năng lượng sơ cấp (ESI2); chỉ số mức độ khai thác và sử dụng nguồn năng lượng tái tạo (ESI3); chỉ số mức độ phụ thuộc vào đầu nhập nguyên liệu (ESI4); chỉ số mức độ phụ thuộc vào đầu năng lượng nhập khẩu từ Trung Đông. Ngoài ra, một số nước còn sử dụng các tiêu chí khác như tiêu chí về giá năng lượng, tiêu chí về phát triển bền vững theo môi trường và biến đổi khí hậu theo mức độ dự trữ năng lượng, năng lượng sơ cấp như than, dầu, hệ thống điện sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả…

Tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo và hoá thạch Nguồn: ITN
Tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo và hoá thạch
Nguồn: ITN

GS.TS. Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên - Môi trường cho biết, dù có nhiều tiêu chí nhưng hai tiêu chí cơ bản mà bất kỳ nước nào cũng sử dụng đó là tiêu chí ESI1 và ESI2. Tuy nhiên, xem xét cả hai tiêu chí này đều cho thấy Quy hoạch điện VII điều chỉnh đang đối mặt với rủi ro lớn không bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia khi điện than chiếm khoảng 42,6% công suất và 53,2% điện lượng trong cơ cấu nguồn điện vào năm 2030. Sự phụ thuộc quá nhiều vào một dạng năng lượng sẽ dẫn đến nhiều rủi ro, đặc biệt là khi chúng ta không chủ động được về nguồn năng lượng đó.

Thực tế đến nay đã xuất hiện nhiều yếu tố cảnh báo nguy cơ tỷ trọng nhiệt điện than trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh không thực hiện được. Điển hình, trong tổng số 62 dự án có công suất từ 200MW trở lên, có tới 47 dự án bị chậm tiến độ hoặc chưa xác định được tiến độ khiến tình hình an ninh năng lượng bị đe dọa, dẫn tới nguy cơ không có đủ điện trong tương lai gần.

Bên cạnh đó, theo Quy hoạch than điều chỉnh, nhu cầu than cho nền kinh tế quốc gia sẽ tăng lên 156,6 triệu tấn vào năm 2030, trong đó ngành điện chiếm đến 84% nhưng lượng than trong nước chỉ sản xuất được khoảng 55 triệu tấn/năm, phần còn lại phải nhập khẩu. Lượng than phải nhập cho điện theo dự báo sẽ tăng từ 1,3 triệu tấn năm 2016 lên tới hơn 86 triệu tấn vào năm 2030, nghĩa là cứ 4 ngày phải nhập khẩu 1 triệu tấn, chiếm 2/3 tổng nhu cầu than.

Hiện, các nước có khả năng xuất khẩu than cho Việt Nam gồm Indonesia, Australia, Nga và Nam Phi, song khả năng nhập khẩu than từ các nước này là rất thấp bởi chi phí cao, hạn chế về hệ thống vận chuyển, thị trường từ lâu đã bị nắm giữ bởi nhiều nước phát triển khác. Với khối lượng than nhập khẩu lớn di chuyển theo đường biển dài từ 2.000 - 5.000km còn phải đối mặt với nhiều rủi ro khó lường khác như thiên tai, cướp biển và xung đột trên biển trong khu vực.

Tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo, hóa thạch

Dự thảo Quy hoạch điện VIII (Quy hoạch điện quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045) đang được Bộ Công thương hoàn thiện và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt. GS.TS. Bùi Thị An cho rằng, không thể phủ nhận vai trò của nhiệt điện than trong đảm bảo cung cấp điện năng giai đoạn trước năm 2020, tuy nhiên giai đoạn tiếp theo, nước ta cần cân nhắc mức độ phát triển thêm các dự án nhiệt điện than mới. Đây là xu thế chung trên thế giới, khi mà với những thách thức của biến đổi khí hậu, suy thoái môi trường trầm trọng, phong trào thoái vốn khỏi nhiệt điện than đang diễn ra mạnh trên quy mô toàn cầu.

Quy hoạch phát triển Điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII) sẽ định hướng được tương lai phát triển của ngành điện; định lượng các giá trị mục tiêu cung cấp điện; xác định quy mô, tiến độ và phân bổ không gian của các công trình nguồn điện, lưới điện và đề xuất các giải pháp thực hiện quy hoạch.

Theo thống kê của Viện Phân tích tài chính và kinh tế năng lượng, từ năm 2013 tới nay đã có 137 tổ chức (gồm ngân hàng, công ty bảo hiểm, công ty quản lý tài sản, chủ đầu tư) ban hành các chính sách thắt chặt tài chính đối với nhiệt điện than. Phong trào này còn có sự tham gia của 1.237 tổ chức gồm các Chính phủ, quỹ từ thiện, tổ chức giáo dục, sức khỏe, công ty, tập đoàn… Trong khi đó, với sự tiến bộ của khoa học công nghệ, năng lượng tái tạo đang giảm giá thành ngày một nhanh. Đây là nguồn năng lượng Việt Nam có tiềm năng lớn nên sẽ là cơ hội để giúp bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, tránh được các rủi ro về các loại an ninh khác.

Còn theo TS. Nguyễn Thành Sơn, Đại học Điện lực Hà Nội, hiện nay tỷ trọng các nguồn năng lượng hóa thạch (than đá, dầu mỏ và khí thiên nhiên) trong sản xuất điện của Việt Nam vẫn thấp hơn nhiều so với mức bình quân của thế giới. Để chi phí sản xuất điện ở nước ta giai đoạn tới đạt giá trị thấp nhất, cần giảm tỷ trọng thủy điện, nhiệt điện than, tăng tỷ trọng điện gió, nhiệt điện chạy dầu và khí, duy trì điện mặt trời ở mức vừa phải vì nguồn điện này có chi phí cao nhất. Nhấn mạnh, Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11.2.2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 đã chỉ rõ: “… Chú trọng phát triển nhanh nhiệt điện khí sử dụng khí hóa lỏng, đưa điện khí dần trở thành nguồn cung cấp điện năng quan trọng, hỗ trợ cho điều tiết hệ thống”, TS. Nguyễn Thành Sơn đề xuất cần sớm quy hoạch lại hệ thống cảng biển theo hướng bổ sung các cảng nhập khí hóa lỏng; xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia liên quan đến khí hóa lỏng; lựa chọn đúng các đối tác có tiềm năng thực sự. Đồng thời, sớm hình thành thị trường điện cạnh tranh để làm công cụ cho Nhà nước trong việc thực hiện các chính sách khuyến khích, thu hút nguồn vốn đầu tư vào ngành điện.

Hoàng Tuấn