Chính sách ưu đãi đặc biệt đối với lô, mỏ dầu khí
Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Đặng Hoàng An, Luật Dầu khí năm 2022 đã đáp ứng yêu cầu đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, gắn với xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, nhất là về năng lượng, bảo vệ, khai thác hiệu quả tài nguyên, chủ quyền quốc gia. Tăng cường năng lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực dầu khí, đẩy mạnh phân cấp, tránh lợi ích cục bộ của các bộ, các ngành.
Luật bổ sung chính sách quy định việc cho phép bên thứ ba tiếp cận các cơ sở hạ tầng sẵn có của ngành dầu khí và nghĩa vụ chia sẻ công trình dầu khí, cơ sở hạ tầng sẵn có nhằm sử dụng tối ưu, hiệu quả hệ thống hạ tầng cơ sở sẵn có, tránh lãng phí trong đầu tư.
Bổ sung chính sách ưu đãi dặc biệt đối với lô, mỏ dầu khí thông qua hợp đồng dầu khí, nhằm tăng cường thu hút đầu tư vào hoạt động dầu khí.
Tiếp tục hoàn thiện các quy định về hợp đồng dầu khí theo hướng thuận lợi, linh hoạt hơn cho nhà đầu tư. Đồng thời, quy định rõ trách nhiệm của các chủ thể có liên quan đối với việc quyết định thời gian tạm dừng thực hiện một số quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng dầu khí trong 2 trường hợp: bất khả kháng và vì lý do quốc phòng, an ninh, bảo đảm phù hợp, chặt chẽ.
Cụ thể, trong trường hợp bất khả kháng, các bên tham gia hợp đồng dầu khí thỏa thuận phương thức tạm dừng thực hiện một số quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng dầu khí, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam báo cáo Bộ Công thương quyết định. Trong trường hợp vì lý do quốc phòng, an ninh, thời gian tạm dừng thực hiện một số quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng dầu khí do Thủ tướng Chính phủ quyết định theo đề nghị của cơ quan có thẩm quyền.
Riêng trường hợp nhà thầu quyết định rút khỏi hợp đồng dầu khí vì lý do đặc biệt, do đây không phải là trường hợp phổ quát, nên cần được xem xét rất thận trọng, kỹ lưỡng, theo cơ chế riêng. Do vậy, Luật giao Chính phủ quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục trình, thẩm định, phê duyệt và cơ chế quản lý, theo dõi, sử dụng, xử lý tài chính đối với tài sản và tiếp nhận quyền lợi tham gia từ nhà thầu.
Luật cũng bổ sung, hoàn thiện các quy định về công tác kế toán, kiểm toán, quyết toán và xử lý chi phí trong hoạt động dầu khí phù hợp với đặc thù của hoạt động dầu khí và thông lệ công nghiệp dầu khí quốc tế. Về các hành vi bị nghiêm cấm, Luật đã bổ sung hành vi lợi dụng điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí gây ô nhiễm môi trường.
Tăng cường phân cấp cho Bộ Công thương, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam
Luật cũng tăng cường phân cấp cho Bộ Công thương, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong phê duyệt các bước triển khai hoạt động dầu khí. Phân cấp cho Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong phê duyệt việc sử dụng vốn của Tập đoàn và doanh nghiệp 100% vốn của Tập đoàn, phù hợp với chủ trương của Chính phủ về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi kèm với tăng cường kiểm tra, giám sát.
Quy định rõ hơn chức năng, quyền và nghĩa vụ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nhằm phân định hai vai trò chính của Tập đoàn là thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao và tham gia hợp đồng dầu khí với vai trò nhà thầu.
Luật quy định cụ thể nghĩa vụ của nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí tổ chức lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ, hàng hóa dầu khí phục vụ hoạt động dầu khí trước tiên phải bảo đảm nguyên tắc cạnh tranh, công bằng, minh bạch, hiệu quả, đồng thời, phù hợp với hợp đồng dầu khí vì hợp đồng dầu khí chỉ quy định những nguyên tắc chung và mỗi nhà đầu tư có quy chế riêng lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ, hàng hóa dầu khí phục vụ hoạt động dầu khí. Điều tra cơ bản về dầu khí không thực hiện theo hợp đồng dầu khí mà theo Đề án điều tra cơ bản về dầu khí được phê duyệt.
Để bảo đảm Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2023, Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết, Bộ đang tích cực xây dựng và trình Chính phủ ban hành nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Dầu khí; xây dựng và ban hành các Thông tư hướng dẫn chi tiết các nội dung được giao trong nghị định.