Khai thác hiệu quả các động lực tăng trưởng mới
Trình bày tóm tắt báo cáo thẩm tra nội dung kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước (NSNN), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi đề nghị, Chính phủ cần thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng truyền thống và khai thác hiệu quả các động lực mới.
Tăng trưởng kinh tế quý I/2025 chưa đạt kịch bản đề ra
Về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và tình hình triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi cho biết, năm 2024, kinh tế - xã hội nước ta phục hồi tích cực, đạt toàn bộ 15/15 chỉ tiêu chủ yếu, tạo chuyển biến toàn diện trên các lĩnh vực.

Những tháng đầu năm 2025, kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát được kiểm soát; công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch tăng trưởng tích cực; thu hút đầu tư nước ngoài tiếp tục khởi sắc; khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số được đẩy mạnh. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, y tế, an sinh, thể thao, truyền thông được quan tâm…
Bên cạnh những kết quả đạt được, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính cũng nêu rõ, vẫn còn một số khó khăn, thách thức cần tập trung khắc phục, đó là:
Thứ nhất, tăng trưởng kinh tế quý I/2025 chưa đạt kịch bản đề ra, gây áp lực lên công tác điều hành nhằm thực hiện mục tiêu tăng trưởng cả năm từ 8% trở lên (bình quân các quý còn lại của năm 2025 phải tăng trưởng khoảng 8,4%).
Tiêu dùng trong nước tăng chậm, chưa phát huy vai trò động lực; khu vực kinh tế tư nhân chưa tạo được đột phá về quy mô và năng lực cạnh tranh. Hoạt động sản xuất, kinh doanh còn nhiều khó khăn; trung bình mỗi tháng có gần 26,3 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Thứ hai, tiến độ giải ngân đầu tư công đã có chuyển biến nhưng nhìn chung vẫn chưa đạt kỳ vọng, cần tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ hơn. Xuất khẩu hàng hóa có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại; khu vực FDI vẫn đóng vai trò chủ lực, cho thấy dư địa để nâng cao năng lực nội sinh còn lớn, mức độ tập trung thương mại của Việt Nam gia tăng.

Thị trường tài chính, tiền tệ và hệ thống ngân hàng cần được theo dõi sát để kịp thời kiểm soát các rủi ro phát sinh, đề nghị Chính phủ báo cáo đầy đủ hơn về nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu để có đánh giá toàn diện về áp lực nợ xấu và có giải pháp phù hợp; giá vàng trong nước tăng cao và có biến động khó lường, công tác quản lý thị trường vàng còn hạn chế, cần tiếp tục được hoàn thiện; áp lực đáo hạn trái phiếu bất động sản lớn chiếm 64% tổng giá trị đáo hạn năm 2025, thị trường bất động sản đối mặt với nhiều khó khăn, cần giải pháp đồng bộ để phát triển bền vững và lành mạnh.
Thứ ba, công tác xây dựng pháp luật còn một số mặt cần tiếp tục hoàn thiện để bảo đảm tính đồng bộ, khả thi và phù hợp với thực tiễn. Cải cách thủ tục hành chính tuy đã đạt được một số kết quả bước đầu nhưng vẫn còn khoảng cách so với yêu cầu đặt ra; một số quy định hiện hành vẫn gây khó khăn nhất định cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân.
Thứ tư, tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc tiếp tục diễn biến phức tạp, nhất là các vụ việc liên quan đến sữa giả, thuốc giả và giá đỗ ngâm hóa chất, gây bức xúc xã hội và đe dọa sức khỏe cộng đồng. Một số vấn đề về an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội cũng cần tiếp tục được quan tâm, xử lý kịp thời.
Về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2024, tình hình triển khai thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2025, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính tán thành với nhận định về kết quả đạt được tại Tờ trình, đồng thời nhận thấy, với kết quả thu NSNN tăng cao so với dự toán thể hiện sự chỉ đạo đúng đắn của Đảng, quyết tâm của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, sự đồng hành của Quốc hội, sự cố gắng của cả hệ thống chính trị.

Về tình hình thực hiện thu, chi NSNN những tháng đầu năm 2025, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính đề nghị, Chính phủ sớm có phương án phân bổ đối với nguồn kinh phí sự nghiệp chưa phân bổ và có giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân chi đầu tư phát triển.
Về chi cho các chương trình mục tiêu quốc gia, đề nghị Chính phủ bổ sung báo cáo cụ thể, rõ hơn về tình hình triển khai thực hiện, giải ngân 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia, trong đó làm rõ tiến độ thực hiện, giải ngân vốn chuyển nguồn sang năm 2025 đã được Quốc hội cho phép ; tình hình thực hiện, giải ngân vốn ODA, các giải pháp khắc phục tình trạng giải ngân chậm, phải thực hiện hủy dự toán, trong đó có việc nghiên cứu chế tài xử lý đối với việc trả lại kế hoạch vốn do nguyên nhân chủ quan.
Củng cố nội lực, nâng cao sức chống chịu trong bối cảnh bất định
Để thực hiện thắng lợi mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 đạt từ 8% trở lên, tạo nền tảng vững chắc cho giai đoạn tăng trưởng hai con số trong những năm tiếp theo, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính đề nghị, Chính phủ cần tập trung thực hiện đồng bộ, quyết liệt và linh hoạt các nhiệm vụ, giải pháp sau:
Tiếp tục bám sát, phân tích kịp thời diễn biến kinh tế thế giới, chính sách của các nền kinh tế lớn, xu thế chuyển dịch toàn cầu để chủ động điều hành; đồng thời, củng cố nội lực, giữ vững ổn định vĩ mô, nâng cao sức chống chịu trong bối cảnh bất định.

Thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu) và khai thác hiệu quả các động lực mới (chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế xanh, kinh tế số).
Ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát trong mục tiêu đề ra; điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, gắn với chính sách tài khóa mở rộng có trọng tâm, trọng điểm để hỗ trợ tăng trưởng; có giải pháp giảm chi phí vốn, thúc đẩy khả năng tiếp cận tín dụng cho sản xuất kinh doanh.
Về nội dung đề xuất của Chính phủ về việc rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án, cho phép áp dụng rộng rãi cơ chế xử lý khó khăn, vướng mắc tương tự các dự án, đất đai đã có kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án như Nghị quyết số 170/2024/QH15 trên phạm vi toàn quốc, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính cho biết, về mặt chủ trương Ủy ban Kinh tế và Tài chính ủng hộ việc rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các dự án, trên cơ sở ý kiến cấp có thẩm quyền, đề nghị Chính phủ hoàn thiện hồ sơ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét, quyết định.
Về chuyển nguồn dự toán chi thường xuyên ngân sách Trung ương năm 2024 chưa phân bổ sang năm 2025 để có nguồn thực hiện chính sách miễn học phí, thực hiện các nhiệm vụ phát sinh do sắp xếp tổ chức bộ máy, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính cho biết, Ủy ban Kinh tế và Tài chính nhất trí với phương án Chính phủ trình và đề nghị Chính phủ bố trí thực hiện nhiệm vụ chi theo đúng mục đích, đối tượng, chế độ, định mức theo quy định của pháp luật, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, tránh thất thoát, lãng phí; trường hợp kinh phí phát sinh lớn hơn số kinh phí được bố trí, đề nghị sử dụng kinh phí từ dự phòng NSTW và các nguồn kinh phí hợp pháp khác hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.