Khái niệm về khủng bố nếu không bao hàm hết sẽ gây khó trong thực hiện

Minh Vân lược ghi 19/08/2012 08:57

Cho ý kiến về dự án Luật phòng, chống khủng bố, một số ý kiến cho rằng, nếu đưa khái niệm về khủng bố theo hướng liệt kê các hành vi cụ thể sẽ không đầy đủ. Cùng với đó, nếu quy định các hành vi khác được áp dụng theo các công ước, điều ước mà nước ta đã ký kết có thể gây ra những rủi ro pháp lý nhất định.

 
Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu: Hợp tác quốc tế là cần thiết
 
Ban soạn thảo và các cơ quan liên quan phải làm rõ mấy vấn đề. Thứ nhất là mối quan hệ giữa luật này với các văn bản pháp luật đã có, như mối quan hệ giữa luật này với Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng Hình sự, Pháp lệnh Điều tra tội phạm và giữa luật này với Pháp lệnh Tình trạng khẩn cấp, Luật An ninh, Luật Cảnh sát biển, Luật về biên phòng... Trong những văn bản pháp luật đó đề cập đến những hành vi thế nào là khủng bố, trách nhiệm của các cơ quan tổ chức trong vấn đề phát hiện phòng, chống khủng bố như thế nào? Trách nhiệm của các cấp chính quyền các bộ, ngành như thế nào? Nếu không làm rõ sẽ có sự chồng chéo. Cũng phải làm rõ hiện nay trong phòng, chống khủng bố nước ta đã tham gia bao nhiêu điều ước, công ước quốc tế. Những vấn đề gì ta bảo lưu, những vấn đề gì ta coi như thừa nhận và có thể nói để nội luật hóa hoặc áp dụng trực tiếp. Loại hành vi gì mà trong công ước về phòng chống các tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, các tội phạm về khủng bố thế giới thừa nhận đó là tội phạm, nhưng trong pháp luật hình sự chúng ta chưa có? Vấn đề này cũng phải làm rõ ra để có nên gia nhập công ước đó không và có nên nội luật hóa và có ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, dân tộc không? Theo Điều 2 thì chỉ người nào phạm một tội được Bộ luật Hình sự quy định mới phải chịu trách nhiệm hình sự. Tức là chỉ những hành vi phạm tội được quy định trong Bộ luật Hình sự của Việt Nam thì mới coi là tội khủng bố và mới bị xử lý trách nhiệm hình sự. Thế thì những loại hành vi nào đó được quy định trong các công ước điều ước quốc tế có coi đó là tội phạm khủng bố hay không và có bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo pháp luật Việt Nam hay không? Đây là vấn đề rất lớn phải đặt ra, nhưng trong Tờ trình chưa thấy rõ vấn đề này.

Hai là về lực lượng chuyên trách, ý kiến giữa Bộ Công an, Bộ Quốc phòng khác nhau, ý kiến cơ quan thẩm tra cũng khác nhau. Theo tôi, muốn có lực lượng chuyên trách không, trước hết xem thử loại việc này đã có cơ quan nào, đã có ai làm chưa. Nếu như là tội phạm nằm ở Chương an ninh quốc gia thì theo pháp lệnh điều tra, theo Bộ luật Tố tụng Hình sự hiện nay chắc Bộ Công an đã có lực lượng. Còn ở Điều 230a để điều tra phát hiện xử lý thì cũng đã có C14. Ta có Văn phòng interpol, aseanapol đây là những tổ chức để hợp tác quốc tế trong vấn đề đấu tranh phòng chống tội phạm. Phải tính thêm xem có cần thiết thành lập lực lượng chuyên trách hay không.

Ba là hợp tác quốc tế, trong các công ước đều đề cao vấn đề cần phải đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhưng hợp tác quốc tế ở mức độ nào, loại việc gì và cần như thế nào thì phải xác định nguyên tắc ở đây. Trước hết, mục đích để đấu tranh phòng, chống tội phạm, ngăn ngừa loại tội phạm này nhưng phải bảo đảm nguyên tắc độc lập, chủ quyền, không can thiệp vào công việc nội bộ, không ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, dân tộc. Tôi ủng hộ trong cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm nhất là tội phạm khủng bố quốc tế cần phải có hợp tác quốc tế nhưng trên tinh thần phải xét từng trường hợp cụ thể.
 
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc K’Sor Phước: Xác định rõ phạm vi địa bàn và đối tượng của lực lượng công an và quân đội để tránh chồng chéo
 
Về giải thích từ ngữ, ở đây đặt vấn đề có nên đưa ra khái niệm khủng bố không? Theo Chủ nhiệm Nguyễn Kim Khoa thì thế giới có hơn 100 khái niệm khác nhau. Vậy khái niệm của ta thế nào? Tôi đồng tình với cách đặt vấn đề của Ban soạn thảo, Chính phủ trước mắt còn nhiều ý kiến khác nhau, ngay trong Thường vụ cũng đang còn nhiều ý kiến khác nhau thì nên chỉ đích danh những hành vi khủng bố đã rõ trong thực tiễn đất nước.

Mục a, Khoản 1, Điều 3, tôi đề nghị xem xét thêm. Ở đây không phải chỉ có sức khỏe, trong thực tế, không phải chỉ có xâm phạm về sức khỏe và tự do thân thể, kể cả tài sản và các quyền lợi hợp pháp khác của công dân để đạt được mục đích của mình. Tôi đề nghị phải thêm chữ "kể cả các quyền và lợi ích hợp pháp khác của công dân". Thứ hai, ở phần b: "cá nhân hoặc đe dọa xâm phạm tính mạng" tôi đề nghị bổ sung thêm "và các quyền, lợi ích hợp pháp của người khác". Không đơn thuần chỉ có khủng bố trong lĩnh vực chính trị, kể cả các tội phạm khác, tội tham nhũng bây giờ cũng khủng bố. Ở nước ta mấy năm vừa rồi trong đấu tranh phòng chống tham nhũng đã xảy ra việc khủng bố cán bộ thanh tra, hoặc cả gia đình. Khoản b này không phải chỉ riêng chính trị mà các tội khác nữa liên quan, do đó cần lưu ý thêm.

Theo tôi không nên có một Cục chuyên trách về chống khủng bố. Lực lượng cảnh sát vũ trang cơ động đã có các đơn vị, các trung đoàn, các tiểu đoàn có trang bị về kiến thức và kỹ năng chiến đấu, ứng phó với những trường hợp có yêu cầu về chống khủng bố, chứ không cần phải có một đơn vị chuyên trách, nhưng chỉ huy thì cân nhắc. Thứ hai, đề nghị cần xác định rõ phạm vi địa bàn và đối tượng của lực lượng công an và quân đội, nếu không sẽ dễ bị trùng lặp, chống chéo lấn sân nhau hoặc gây khó khăn trong chỉ đạo.
 
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Kim Khoa: Tổ chức lực lượng chuyên trách chống khủng bố trong giai đoạn hiện nay là không hợp lý
 
Về khái niệm, đây là nội dung hết sức quan trọng, bởi vì tình hình thế giới hiện nay các nước không xác định khái niệm khủng bố mà có những khái niệm khác nhau về khủng bố là đáp ứng mục tiêu chính trị khác nhau của mỗi nước. Mỗi nước có một mục tiêu chính trị và ý đồ chính trị khác nhau nên đưa ra khái niệm khủng bố để phục vụ mục tiêu chính trị của mình. Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện nay có khoảng trên, dưới 100 khái niệm về phòng, chống khủng bố ở các nước. Thế giới không có khái niệm chung, bởi vì mỗi mục đích chính trị của các nước khác nhau. Công ước của Liên Hợp Quốc hay bất kỳ một tổ chức nào cũng không có khái niệm chung. Người ta quy định từng hành động khủng bố hiện nay, ví dụ khủng bố trên máy bay thì như thế nào, trên tàu thì như thế nào và chống bắt cóc con tin thì như thế nào, chứ không có một khái niệm chung. Nhưng đối với chúng ta thì không có nghĩa là không làm được khái niệm khủng bố, qua hội thảo và qua ý kiến thẩm tra, ở Việt Nam có thể đưa ra một khái niệm khủng bố, nhưng nếu đưa ra khái niệm khủng bố như trong dự thảo luật đó là liệt kê một số các hành vi thì sẽ không đầy đủ và không bao hàm hết.

Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh xác định các hành vi trong Bộ luật Hình sự đã quy định, nếu có mục tiêu, tức là động cơ chính trị. Động cơ và mục tiêu để phân biệt phòng, chống khủng bố đó là gì? “Anh” phải đáp ứng hành vi đó để phục vụ cho mục tiêu chính trị. Ví dụ chống chính quyền nhân dân, gây thương hại qua lại quốc tế, gây hoảng loạn hoặc gây sức ép cho Nhà nước về một vấn đề nào đó được xác định là khủng bố. Như vậy tất cả các hành vi hình sự có mục đích về chính trị được coi là khủng bố. Điều này đồng nghĩa với việc không thể lọt bất kỳ hành vi nào.
Theo quan niệm của chúng tôi, nếu tổ chức một lực lượng chuyên trách chống khủng bố trong giai đoạn hiện nay là không hợp lý với tình hình thực tiễn của Việt Nam. Bởi vì nếu coi tội phạm hình sự trong Bộ luật Hình sự thì tất cả các lực lượng hiện nay, kể cả quân đội và công an cũng đang có lực lượng để làm việc này. Chỉ có điều là sử dụng lực lượng này ra sao và huấn luyện lực lượng này như thế nào để đáp ứng được các yêu cầu về chống khủng bố vì mục tiêu chính trị.

Trong dự thảo cũng có một số điểm cần phải xem xét là nguyên tắc có đi có lại trong 16 điều ước quốc tế mà hiện nay chúng ta đã tham gia 8 điều ước. Thực tế dù ta mới tham gia 8 điều ước nhưng tôi cho rằng chúng ta đã tham gia đầy đủ. Bởi vì ta tham gia điều ước quốc tế của ASEAN mà ASEAN công nhận tất cả các điều ước quốc tế liên quan, như vậy coi như chúng ta tham gia đầy đủ. Cho nên việc trong hợp tác quốc tế  nêu trong này có mấy điều cần phải cân nhắc. Một là nguyên tắc có đi có lại, hai là nguyên tắc thực hiện khi có yêu cầu đối với việc thực hiện phòng, chống khủng bố. Hợp tác quốc tế ghi là "Trong điều kiện, khả năng của mình nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam sẵn sàng hợp tác, giúp đỡ, hỗ trợ các nước, các tổ chức quốc tế chống khủng bố khi có yêu cầu". Nội dung này cần hết sức cân nhắc.
 
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý: Phải lường hết được các tình huống
 
Thứ nhất, về phạm vi điều chỉnh, trong này chỉ nói là công dân Việt Nam, trên lãnh thổ Việt Nam. Vậy người ngoài lãnh thổ Việt Nam có thuộc phạm vi điều chỉnh của luật này không, theo tôi phải xét cụ thể. Hoạt động phòng, chống khủng bố nhiều lúc cũng cần phải điều chỉnh hành vi của một số người không ở trong lãnh thổ Việt Nam và điều này không trái với pháp luật quốc tế. Vì pháp luật quốc tế cũng cho phép trong những trường hợp có thể pháp luật của các nước, của các quốc gia có thể truy cứu trách nhiệm hình sự của những người đó.

Vấn đề thứ hai, có khái niệm khủng bố hay không và thế nào là khủng bố? Khủng bố theo dự luật này có khác với khủng bố, tội khủng bố trong Bộ luật Hình sự không? Điều 230a của Bộ luật Hình sự quy định về tội khủng bố chỉ căn cứ một dấu hiệu đặc trưng của các hành vi hình sự mà gây ra tình trạng hoảng loạn, hoảng sợ trong công chúng. Đặc trưng cơ bản của các hành vi như xâm phạm tài sản, phá hủy tài sản, xâm phạm thân thể mà gây ra tình trạng hoảng sợ trong công chúng được coi là khủng bố. Trong dự thảo Luật Khủng bố đã mở rộng phạm vi đó. Theo tôi cũng có thể mở rộng vì đây là Luật Phòng, chống khủng bố nói chung chứ chưa phải nói về tội khủng bố như Bộ luật Hình sự. Tôi đồng ý với mức độ là mở rộng nhưng mở rộng theo như dự thảo Luật thì nên bó hẹp lại. Vì theo dự thảo thì không chỉ gây ra tình trạng hoảng sợ trong công chúng mà còn gắn vào là chống chính quyền nhân dân. Nếu như chống chính quyền nhân dân thì lại bó hẹp lại. Trong Bộ luật Hình sự là gây hoảng sợ trong công chúng nói chung chứ không gắn đến chống chính quyền nhân dân. Khái niệm này theo tôi phải bàn, có thể có ý kiến cho rằng trong Bộ luật Hình sự liên quan đến các tội an ninh quốc gia hay chống chính quyền nhân dân nhưng theo tôi đã là khủng bố nói chung thì có nên gắn với khái niệm nhằm mục đích chống chính quyền nhân dân không. Tôi đề nghị làm rõ thêm.

Thứ ba là có khái niệm hay không khái niệm phòng chống khủng bố? Tôi tán thành với Ủy ban Quốc phòng và An ninh, nên rút ra khái niệm khủng bố của pháp luật Việt Nam. Đúng là khủng bố như thế nào trên thế giới có các điều ước quốc tế, có các hành vi cơ bản nhưng mỗi nước quy định theo cách, theo mục đích và mục đích chính trị của mình. Ở Việt Nam cơ bản là trên các hành vi này có thể rút ra khái niệm. Nếu khái niệm không bao hàm hết, không lường hết thì lại bó tay cho việc thực tiễn phòng chống khủng bố sau này.  

Góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

    Nổi bật
        Mới nhất
        Khái niệm về khủng bố nếu không bao hàm hết sẽ gây khó trong thực hiện
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO