Từ thuở xưa, trước khi các bậc tiền nhân đi khai hoang mở cõi thì vùng Đồng Tháp Mười được xem là “túi phèn, rốn lũ” của ĐBSCL, luôn đối mặt với hai thái cực trũng lụt hoặc khô hạn kéo dài. Sau ngày hòa bình, hệ thống kênh đào tháo chua, rửa phèn mang nước ngọt phù sa về biến nơi đây thành vùng đất màu mỡ đầy sức sống thuận lợi canh tác nông nghiệp.
Và nay, kinh tế trên đà hội nhập thì công cuộc kiến thiết quê hương, làm đẹp cho đời tiếp tục được viết thêm những dòng rực rỡ với khát vọng cống hiến không ngừng nghỉ. Từ đó, thôi thúc địa phương tìm kiếm nhà đầu tư đủ bản lĩnh, chuyên môn, kinh nghiệm, nhiệt huyết và trái tim yêu thiên nhiên vô bờ bến để liên kết, hợp tác phát triển du lịch sinh thái.
Một “tàng thư” tài nguyên sinh thái khổng lồ, giàu tiềm năng được giới chuyên gia đánh giá rất cao và rất cần được “khai mở” đầu tư bởi chuỗi các hoạt động chăm chút, điểm tô, làm mới, nâng tầm diện mạo phục vụ nhu cầu khám phá, trải nghiệm về với thiên nhiên trong lành mướt mát của du khách thập phương.
Phát triển du lịch xanh, du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội là một xu hướng, đồng thời là yêu cầu cũng như định hướng chiến lược quan trọng của du lịch. Thế nên, khai thác du lịch nhưng phải giữ gìn, bảo tồn và phát huy là một thách thức lớn, đòi hỏi cách làm hết sức bài bản và khoa học.
Bên cạnh đó, Nghị quyết 13 ngày 5.5.2017 của Ban Thường vụ Huyện ủy Tân Phước (tỉnh Tiền Giang), giai đoạn 2017 - 2020 và định hướng đến năm 2025 đã và đang tập trung mọi nguồn lực, thu hút, mời gọi đầu tư, từng bước hình thành, khai thác, đặt nền móng, tạo đà phát triển du lịch.
Sau thời gian nghiên cứu đánh giá thực trạng, khảo sát kỹ lưỡng, các yếu tố cần và đủ, hoạch định giải pháp tạo đột phá để phát triển du lịch sinh thái theo hướng hiện đại, bền vững, mới đây, Công ty CP Du lịch Đồng Tháp (thành viên Sao Mai Group) đã vinh dự được chính quyền địa phương, Sở ban ngành có liên quan quyết định chọn làm đơn vị “liên kết khai thác” chủ lực, đồng hành cùng Ban Quản lý Khu bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười giai đoạn 2024 đến 2030.
Mục tiêu khai thác du lịch và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, duy trì giá trị sinh thái và đa dạng sinh học nhất là cảnh quan tự nhiên của Tràm, các loài thủy sản, thiên điểu hoang dã quý hiếm như: Cò ốc, Cổ rắn (điên điển), Già đẩy, Quắm đen, Diệc xám, Diệc lửa, Cò ngà, Giang sen...Khu rừng có nhiều cảnh vật đặc trưng, sản vật đồng bằng phong phú là cả vùng trời ký ức về một thời khai hoang vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Tiền Giang như bàng, năn, bông súng, đọt troại và rất nhiều loài thủy sinh nước ngọt.
Được biết trong năm 2024, Công ty CP Du lịch Đồng Tháp sẽ tăng cường đầu tư thêm những phương tiện di chuyển, hạng mục, công trình mới để phục vụ du khách tham quan được thuận tiện hơn dựa trên nguyên tắc: “Không đánh đổi môi trường, văn hóa, văn minh xã hội để đổi lấy kinh tế”. Chuỗi hoạt động “thả cá về rừng” góp phần duy trì đa dạng sinh học, bổ sung nguồn thức ăn thủy sản, cải tạo môi sinh.
Đặc biệt, nâng niu từng cá thể, trân trọng môi sinh và tuyệt đối không được làm tổn thương đến thế giới tự nhiên là một cách tư duy rất nhân văn, lối ứng xử văn hóa với các thực thể xung quanh. Song những “sản phẩm du lịch” của “Điểm tham quan khu bảo tồn Đồng Tháp Mười” phải tiệm cận đến những giá trị du lịch xanh, thân thiện, văn minh, đầy trách nhiệm, tử tế với thiên nhiên.
Chiêm ngưỡng những cảnh sắc độc đáo như vậy, ta mới cảm nhận được trọn vẹn sự kỳ diệu của chốn rừng xanh. Tất cả, đánh dấu bước tiến tích cực trong việc hình thành xu hướng du lịch xanh tại “Điểm tham quan khu bảo tồn Đồng Tháp Mười”, mang lại lợi ích cho môi trường và sức khỏe con người, đồng thời giúp ngành du lịch phát triển theo hướng bền vững, tạo ra những trải nghiệm tốt hơn, sâu sắc hơn cho du khách.