Đây là hoạt động có ý nghĩa mở đầu chuỗi hoạt động cao điểm kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10.10.1954-10.10.2024), đồng thời là hoạt động thiết thực hướng tới kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, hoàn toàn thống nhất đất nước (30.4.1975-30.4.2025).
Tham dự buổi lễ, về phía lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh gồm có: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố Phan Văn Mãi; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Nguyễn Phước Lộc; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Ngọc Hải.
Về phía lãnh đạo thành phố Hà Nội gồm có: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh; Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong; các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy: Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Doãn Toản, Trưởng ban Dân vận Thành ủy Đỗ Anh Tuấn; Phó Chủ tịch HĐND Thành phố Phạm Quí Tiên; các Phó Chủ tịch UBND thành phố: Vũ Thu Hà, Nguyễn Mạnh Quyền.
Cùng dự Chương trình còn có các đại biểu lãnh đạo các cơ quan Trung ương, lãnh đạo các sở, ngành, đoàn thể, các quận, huyện, thị xã của thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh; đông đảo người dân và du khách tại thành phố Hồ Chí Minh.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà nhấn mạnh: Thủ đô Hà Nội - trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, một động lực phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước - là nơi hội tụ, kết tinh và tỏa sáng của nền văn hóa dân tộc, “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”, “Thủ đô anh hùng”, “Thành phố vì hòa bình”, “Thành phố sáng tạo”.
Với bề dày hơn một nghìn năm lịch sử, Hà Nội sở hữu hàng chục nghìn di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, làng nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống, trong đó có nhiều di sản được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại. Thành phố đã tập trung phát huy, khai thác các giá trị di sản văn hóa với những sản phẩm đặc sắc và độc đáo để phát triển ngành công nghiệp văn hoá và du lịch mang đậm dấu ấn, đặc sắc riêng của Thủ đô Hà Nội, từng bước định vị thương hiệu văn hóa Thủ đô và quốc gia trong khu vực và quốc tế.
Thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, văn hoá, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, giáo dục - đào tạo của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước, là cửa ngõ quan trọng kết nối với khu vực và thế giới. Thành phố Hồ Chí Minh cũng là địa danh sở hữu kho tàng văn hoá độc đáo, phong phú, đa dạng với nhiều di tích lịch sử, cách mạng; hệ thống bảo tàng, nhà hát, công trình kiến trúc lâu đời, nhiều lễ hội văn hoá, trung tâm mua sắm, du lịch đặc sắc, hấp dẫn...
"Chương trình “Những Ngày Hà Nội tại thành phố Hồ Chí Minh” là dịp để hai thành phố ôn lại lịch sử hào hùng của dân tộc, gặp gỡ, chia sẻ, đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá, giới thiệu những nét văn hoá đặc sắc, tiềm năng và con người của mỗi địa phương đến với công chúng và du khách; làm sâu đậm thêm tình cảm gắn bó, bền chặt giữa hai địa phương, khẳng định vai trò vững chắc của hai đầu tàu kinh tế, gắn kết tạo thành sức mạnh tổng hợp để cùng phát triển, đóng góp quan trọng cho sự phát triển của đất nước", Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Vũ Thu Hà khẳng định.
Phát biểu chào mừng, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Dương Ngọc Hải nhận định, chuỗi hoạt động “Những ngày Hà Nội tại thành phố Hồ Chí Minh” không chỉ có ý nghĩa quan trọng, mà còn chuyên chở tình cảm sâu sắc của hai thành phố nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10.10.1954 - 10.10.2024), hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2025).
Đây cũng là dịp để hai thành phố tăng cường giới thiệu, quảng bá những giá trị văn hóa, nghệ thuật, di sản, truyền thống lịch sử, sản phẩm du lịch, sản phẩm làng nghề, sản phẩm nông nghiệp đặc sắc, tiêu biểu đến với Nhân dân và du khách trong nước, quốc tế. Đồng thời, qua đó thắt chặt hơn nữa tình cảm, mối quan hệ hợp tác bền vững giữa thành phố Hồ Chí Minh và Thủ đô Hà Nội.
"Phát huy hơn nữa truyền thống đoàn kết, tình cảm gắn bó và mối quan hệ hợp tác của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân hai thành phố có vai trò, vị thế đặc biệt của cả nước, hai thành phố đã tổ chức nhiều hội nghị, chương trình làm việc chung để trao đổi, chia sẻ, học tập kinh nghiệm những cách làm hay, sáng tạo, những vấn đề mới, khó, phức tạp, góp phần đẩy mạnh hợp tác, phát triển bền vững kinh tế - xã hội. Nhiều kết quả, chuyển biến tích cực, mà việc Quốc hội thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi) và ban hành Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh là minh chứng điển hình", Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Dương Ngọc Hải nói.