Xem xét, thông qua 20 nội dung tại kỳ họp
Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh, trong tháng 9 vừa qua, do ảnh hưởng của cơn bão số 3 với cường độ đặc biệt lớn đổ bộ trực tiếp vào nước ta và hoàn lưu sau bão, mưa, lũ kéo dài trên diện rộng đã gây lũ lụt tại nhiều địa phương khu vực phía Bắc, thiệt hại rất lớn cả về tính mạng và tài sản, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống của nhân dân.
Mặc dù đã có sự chủ động, tích cực vào cuộc từ sớm, từ xa, từ cơ sở; sự nỗ lực, cố gắng rất lớn của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, các địa phương song bão số 3 và hoàn lưu sau bão cũng gây ra thiệt hại lớn đối với Thủ đô Hà Nội. Theo báo cáo của UBND thành phố, đã có 4 người chết và 28 người bị thương, trên 78.000 người dân phải sơ tán, di dời; trên 100.000 cây xanh các loại bị gãy, đổ; hơn 23.000ha lúa bị gãy đổ; trên 15.000ha lúa và 13.000ha hoa màu bị ngập úng và nhiều thiệt hại khác về tài sản.
Thay mặt HĐND thành phố, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn một lần nữa gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc đến thân nhân, gia đình cán bộ, chiến sĩ, người gặp nạn và nhân dân bị ảnh hưởng trong đợt thiên tai, lũ lụt vừa qua.
Về nội dung các kỳ họp, Chủ tịch HĐND thành phố cho biết: căn cứ các quy định của luật và tình hình, yêu cầu thực tiễn của thành phố, trên cơ sở thống nhất với UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố, Thường trực HĐND thành phố quyết định triệu tập kỳ họp để kịp thời xem xét, quyết định một số vấn đề quan trọng, cấp thiết, bảo đảm công tác chỉ đạo, điều hành, phát triển kinh tế - xã hội.
Kỳ họp thứ 18, HĐND thành phố Khóa XVI diễn ra trong 1 ngày và là kỳ họp chuyên đề khối lượng công việc lớn với 20 nội dung gồm: 5 nội dung quy phạm pháp luật, 15 nội dung chuyên đề.
Trong đó, một số nội dung có tác động lớn, quan trọng, đảm bảo an sinh xã hội của thành phố như: Hỗ trợ phát triển sản xuất cây vụ Đông góp phần khắc phục hậu quả của cơn bão số 3; chương trình phát triển đô thị thành phố Hà Nội giai đoạn đến năm 2035; cập nhật, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2024 và 5 năm 2021-2025, định hướng giai đoạn 2026 - 2030; phê duyệt chủ trương đầu tư; danh mục thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất thực hiện để thực hiện dự án; xem xét phương án sử dụng ngân sách thành phố; Đề án thí điểm thành lập Trung tâm phục vụ hành chính công; mức thu học phí đối với các cơ sở giáo dục công lập tự bảo đảm chi thường xuyên, chất lượng cao năm học 2024 - 2025; Danh mục dịch vụ sự nghiệp công trong lĩnh vực y tế, xây dựng; quy định đối tượng cho vay đặc thù qua Ngân hàng Chính sách xã hội…
Trong quá trình chuẩn bị, Thường trực HĐND thành phố đã chỉ đạo các Ban của HĐND thành phố phối hợp các cơ quan liên quan triển khai các bước thẩm tra theo quy trình chuẩn bị kỳ họp, quy trình thẩm tra của các Ban HĐND thành phố đảm bảo thống nhất, chặt chẽ, hiệu quả và đúng quy định. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố đã tổ chức phản biện xã hội đối với một số nội dung quan trọng, tác động sâu rộng đến đời sống xã hội, làm cơ sở để HĐND thành phố thảo luận và quyết định, bảo đảm nghị quyết đi vào cuộc sống.
“Thay mặt Chủ tọa kỳ họp, trân trọng đề nghị các vị đại biểu HĐND thành phố nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung nghiên cứu, thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc, thẳng thắn, chất lượng để quyết nghị các nội dung trình kỳ họp”, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh.
Quyết nghị nhiều vấn đề quan trọng của Thủ đô
Sau khai mạc, HĐND thành phố xem xét, thông qua các nghị quyết: Quy định mức thu học phí đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập tự bảo đảm chi thường xuyên; cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập chất lượng cao của thành phố năm học 2024 - 2025; Quy định giá dịch vụ giáo dục để thực hiện thí điểm đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông sử dụng ngân sách Nhà nước thành phố.
HĐND thành phố cũng xem xét thông qua quy định thẩm quyền quyết định việc đầu tư, mua sắm đối với các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng kinh phí chi thường xuyên nguồn vốn ngân sách Nhà nước thành phố; xem xét thông qua Danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình chưa được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán và cấp cứu ngoại viện của thành phố Hà Nội.
Cùng với đó, xem xét thông qua quy định đối tượng cho vay đặc thù từ nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội của thành phố Hà Nội; thông qua điều chỉnh, bổ sung danh mục các công trình, dự án thu hồi đất năm 2024; danh mục các dự án chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất năm 2024 trên địa bàn thành phố Hà Nội; phê duyệt chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác thành phố Hà Nội để thực hiện dự án: Mở rộng, cải tạo xây dựng Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân I tại xã Thủy Xuân Tiên, huyện Chương Mỹ và Khu bảo tồn thuộc khu vực IV Khu du lịch - Văn hóa Sóc Sơn tại xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn.
HĐND thành phố cũng thông qua Quy định mức tỷ lệ (%) để tính đơn giá thuê đất, mức tỷ lệ (%) thu đối với đất xây dựng công trình ngầm, mức tỷ lệ (%) thu đối với đất có mặt nước trên địa bàn thành phố Hà Nội; Cho phép sử dụng nguồn cải cách tiền lương để thực hiện các chính sách an sinh xã hội tăng thêm khi tăng lương cơ sở và đặt hàng đối với các cơ sở giáo dục công lập; Quy định chế độ hỗ trợ phục vụ công tác lễ tân, đón tiếp đại biểu đến Hà Nội để tham dự Lễ kỷ niệm cấp quốc gia kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024)...
Trước khi bắt đầu làm việc, các đại biểu dự kỳ họp đã dành 1 phút để tưởng nhớ đồng bào, chiến sĩ đã hy sinh, tử nạn do cơn bão số 3 gây ra; đồng thời, tiếp tục ủng hộ đồng bào vùng bão lũ nhằm sẻ chia, giúp đồng bào nhanh chóng vượt qua giai đoạn khó khăn, khắc phục hậu quả và ổn định lại cuộc sống. Toàn bộ số tiền quyên góp được chuyển đến Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố để gửi tới Nhân dân bị ảnh hưởng do bão lũ.