Được tư vấn sản phẩm "tiết kiệm tích luỹ đầu tư"
Theo tìm hiểu của Báo Đại biểu Nhân dân, mới đây, một khách hàng trú tại Hà Nội đã có đơn khiếu nại gửi đến Ngân hàng đề nghị giải quyết vấn đề liên quan đến việc mua bảo hiểm nhân thọ.
Theo đó, ngày 14.9.2022, khách hàng đến ngân hàng chi nhánh Bà Triệu, Hà Nội để mở tài khoản ngân hàng cá nhân.
Tại đây, khách hàng được hai nhân viên của ngân hàng tên M và T tư vấn về sản phẩm tiết kiệm tích luỹ đầu tư của ngân hàng.
Sau khi nghe nhân viên tư vấn, khách hàng quyết định tham gia gói sản phẩm đầu tư tích luỹ của ngân hàng với giá trị 200.000.000 đồng, kỳ hạn 6 năm kể từ ngày 14.9.2022.
"Sở dĩ tôi chốt mua vì tin tưởng vào sự thành thật, minh bạch và trách nhiệm đối với khách hàng của nhân viên ngân hàng.", khách hàng trình bày trong đơn.
Để hoàn tất thủ tục, nhân viên tư vấn tên T cầm điện thoại của khách hàng để điền thông tin. Nhân viên tư vấn này sau đó có đưa cho khách hàng thêm một số giấy tờ để ký.
Sau 7 ngày làm việc tính từ ngày ký kết, nhân viên T có gửi cho khách hàng hợp đồng photo. Tuy nhiên, do đang có lịch trình đi công tác đến ngày 10.10.2022 (sau thời gian ký kết 3 tuần) nên khách hàng không có thời gian đọc kỹ.
Cho đến khi khách hàng làm hồ sơ đi nước ngoài cần phải chứng minh tài sản nên đã liên hệ với nhân viên T để xác nhận số dư và nhận sổ tiết kiệm, mới phát hiện ra sản phẩm đang tham gia không phải là gói tiết kiệm đầu tư mà là gói bảo hiểm nhân thọ.
Trước sự việc nêu trên, khách hàng đã làm đơn phản ánh đến ngân hàng và Công ty Bảo hiểm Nhân thọ với mong muốn được huỷ hợp đồng bảo hiểm nhân thọ và quay về gửi tiết kiệm thông thường.
Ngân hàng khẳng định giao dịch là "tự nguyện"
Liên quan đến thông tin nêu trên, trao đổi với Báo Đại biểu Nhân dân, phía ngân hàng cho biết, công ty bảo hiểm nhân thọ thực hiện cung cấp dịch vụ đúng các quy định của Pháp luật và Quy định nội bộ.
Theo ngân hàng, những nội dung khách hàng phản ánh không đúng, không có căn cứ. Ngân hàng và công ty bảo hiểm có đầy đủ các bằng chứng thể hiện các thông tin được cung cấp cho khách hàng là đúng, đủ. Các giao dịch khách hàng trực tiếp thực hiện một cách chủ động và tự nguyện.
Bên cạnh đó, ngân hàng và công ty bảo hiểm cho biết, luôn thiện chí làm việc và lắng nghe khách hàng. Nếu khách hàng muốn gặp gỡ các bên, ngân hàng luôn sẵn sàng bố trí buổi gặp mặt có các bên liên quan để làm rõ.
Thanh tra hoạt động bán bảo hiểm qua kênh ngân hàng
Thực tế, trường hợp của khách hàng nêu trên không phải là trường hợp đầu tiên khiếu nại về hoạt động bán bảo hiểm qua kênh ngân hàng. Nhiều khách hàng của một số ngân hàng khác cũng gặp tình trạng tương tự. Thậm chí, một số khách hàng bị nhân viên tư vấn sai lệch dẫn tới "mua nhầm" bảo hiểm nhân thọ thay vì mục đích chính là gửi tiết kiệm để hưởng lãi suất.
Trước các bất cập trong hoạt động bán bảo hiểm qua kênh ngân hàng, mới đây, cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) đang phối hợp với Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) thanh tra, xử lý các vi phạm trong hoạt động đại lý bảo hiểm của các ngân hàng. Hai cơ quan đã thống nhất lập đường dây nóng để nắm bắt và xử lý kiến nghị của người dân về hoạt động bán chéo bảo hiểm của ngân hàng.
Đáng chú ý, ông Doãn Thanh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cho biết, sau hơn 1 tháng công bố đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh của công dân về việc phân phối sản phẩm bảo hiểm qua các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng, Bộ Tài chính đã nhận được 178 cuộc điện thoại và 218 email của người dân.