Khách hàng cá nhân cũng cần hỗ trợ

- Thứ Năm, 26/08/2021, 05:22 - Chia sẻ
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 26.7.2021, có gần 199.000 khách hàng với dư nợ hơn 309.000 tỷ đồng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ; hơn 787.000 khách hàng với dư nợ hơn 1.395.000 tỷ đồng được miễn, giảm, hạ lãi suất. Tuy nhiên, thực tế các gói hỗ trợ ngân hàng đang triển khai cho đến nay chủ yếu dành cho việc phục hồi sản xuất, đối tượng chủ yếu là các doanh nghiệp, hộ kinh doanh. Còn với khách hàng cá nhân hầu như chưa được hưởng các chính sách này.

Khách hàng cá nhân tại các ngân hàng hiện chiếm số lượng không hề nhỏ, những khoản vay của họ có thể từ vài chục triệu đến trăm triệu đồng. Trước đại dịch, thu nhập của họ đủ để trả nợ, không gặp phải khó khăn nào; nhưng trong bối cảnh hiện nay, họ cũng là đối tượng bị tổn thương. Không chỉ đối mặt với thu nhập giảm mà còn chi tiêu cho các mặt hàng thiết yếu gia tăng, đặc biệt là tại các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội, rất khó bảo đảm thanh toán đúng hạn cho các khoản vay ngân hàng.

Đến nay, hỗ trợ từ phía ngân hàng mới dừng lại ở hình thức miễn hoặc giảm phí thanh toán, hoặc cho vay khách hàng mới với lãi suất ưu đãi. Còn các khách hàng cũ chỉ được một vài ngân hàng triển khai với mức giảm khá ít, chỉ từ 0,5 - 1%/năm, đối tượng được hưởng cũng chỉ một số ngành nghề đặc thù. Mức giảm này thực tế không thấm vào đâu so với số tiền phải trả của nhiều gia đình.

Trong khi đó, theo báo cáo của Tổng cục Thống kê về việc làm 6 tháng đầu năm 2021, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động tăng, trong đó khu vực đô thị tăng mạnh hơn nông thôn. Thu nhập của lao động làm công ăn lương quý II.2021 đạt 6,8 triệu đồng, giảm 411.000 đồng so với quý trước. Ngoài ra Tổng cục Thống kê còn công bố kết quả khảo sát mức sống dân cư năm 2020, thu nhập bình quân 1 người mỗi tháng khoảng 4,2 triệu đồng, giảm 1% so với năm 2019, trong khi đó chi tiêu bình quân hộ gia đình là 2,89 triệu đồng/người/tháng, tăng 13% so với 2018…

Nhìn vào con số thống kê cho thấy, nếu dịch Covid-19 còn kéo dài thì nguy cơ mất việc, thiếu việc làm sẽ tiếp tục gia tăng. Thu nhập của nhiều người đã giảm sâu trong khi chi tiêu tăng cao. Thế nên, việc các ngân hàng có chính sách hỗ trợ trong mùa dịch như giãn nợ, giảm lãi vay vài tháng là cần thiết. Nhiều chuyên gia khẳng định, việc cho cá nhân vay được xem là phân tán rủi ro đối với ngân hàng, đồng thời cũng là “con gà đẻ trứng vàng” khi lãi suất vay ở mức cao hơn so với khách hàng doanh nghiệp. Khi “con gà đẻ trứng vàng” gặp khó khăn, rất cần các ngân hàng có chính sách hỗ trợ “đúng, trúng, đủ” và mang tính dài hạn để có thể vượt qua được “cơn bão” Covid-19.

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 88/NQ-CP sau Phiên họp Chính phủ trực tuyến toàn quốc với các địa phương về tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng năm 2021, trong đó yêu cầu “ngành ngân hàng có giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, đặc biệt quan tâm đến khách hàng có khoản vay nhỏ đang rất khó khăn do bị ảnh hưởng của dịch”. Việc Chính phủ đưa vào nghị quyết việc hỗ trợ khách hàng cá nhân mang lại nhiều hy vọng, giúp người dân giảm gánh nặng lãi vay. Đặc biệt là nhóm đối tượng ưu tiên hỗ trợ đầu tiên là khách hàng vay tiêu dùng, vì đây là đối tượng yếu thế, hành nghề tự do, mục đích vay nợ có thể trả tiền học phí, viện phí, mua đồ dùng thiết yếu… Thay vì chuyển nhóm nợ, siết nợ những khách hàng khó khăn thì có thể giảm, giãn nợ để họ có điều kiện phục hồi.

Với mức lợi nhuận tăng trưởng phổ biến trên 50%, ngân hàng tiếp tục trở thành điểm sáng và là một trong những ngành có sức chống chịu tốt nhất trước đại dịch Covid-19. Đây là lúc tốt nhất để các ngân hàng chia sẻ với người dân, doanh nghiệp. Giải pháp khả thi nhất đối với hai bên lúc này là ngân hàng có thể giãn trả nợ từ 3 - 6 tháng, giảm lãi suất ở mức ngân hàng có thể chấp nhận được để người vay không chịu áp lực trả nợ trong giai đoạn này. Sau đó, tùy thuộc vào tình hình mà ngân hàng và người vay thỏa thuận tiếp phương án tháo gỡ khó khăn.

Chi An