Không đạt được mục tiêu đã đề ra
Theo Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố Hồ Vân Nga, qua khảo sát việc đầu tư xây dựng và quản lý một số CCN trên địa bàn cho thấy, công tác đầu tư xây dựng và phát triển công nghiệp là một trong các nhiệm vụ quan trọng được thành phố hết sức quan tâm và chỉ đạo các sở, ngành, quận, huyện, thị xã tập trung thực hiện. Đến nay, Hà Nội đã và đang triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật của 105 cụm công nghiệp, bao gồm: 70 CCN đã đi vào hoạt động đã đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật (HTKT), hoạt động ổn định được phân bố tại 17 quận, huyện, thị xã; 43 CCN thành lập giai đoạn 2018 - 2020, đang triển khai xây dựng HTKT và 4 CCN đang thực hiện đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật.
Bên cạnh đó, công tác thu hút đầu tư và quản lý, vận hành các cụm công nghiệp trên địa bàn cũng được thành phố quan tâm. Theo đó, Hà Nội đã thành lập tổ công tác đặc biệt của UBND thành phố về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn thủ đô; tổ chức hội nghị giao ban hàng quý với chủ đầu tư các CCN trên địa bàn; thường xuyên đôn đốc các sở, ngành, địa phương về thực hiện các thủ tục đầu tư, giải quyết vướng mắc trong quá trình đầu tư HTKT các CCN... Đồng thời, thành phố cũng đang tập trung phát triển các CCN mới.
Bên cạnh những kết quả đạt được, qua khảo sát trực tiếp tại nhiều địa phương, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong việc đầu tư HTKT và vận hành, quản lý các CCN trên địa bàn thành phố. Cụ thể, công tác thành lập mới và đầu tư xây dựng HTKT các CCN không đạt mục tiêu đề ra theo chỉ đạo của Thành ủy tại Chương trình số 02-CTr/TU (thành lập mới 54 CCN trong giai đoạn 2021 - 2025). Mặt khác, nhiều CCN gặp khó khăn trong công tác đầu tư xây dựng, hoàn thiện HTKT do còn vướng mắc không phù hợp quy hoạch phân khu của thành phố. Trong nhóm 43 CCN được thành lập giai đoạn 2018 - 2020, còn một số CCN có tiến độ GPMB đến nay vẫn còn thấp, trong đó có 4 CCN mới GPMB đạt dưới 50% diện tích, 3 CCN chưa lập phương án đền bù GPMB...
"Đáng chú ý, công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố còn gặp nhiều khó khăn, nhiều nơi còn chưa được sự đồng tình cao của nhân dân, dẫn đến chậm tiến độ hoàn thành GPMB và các thủ tục đất đai theo quy định", Trưởng Ban KT - NS nêu rõ.
Đoàn khảo sát Ban KT - NS cũng chỉ rõ thực trạng nhiều cụm công nghiệp được thành lập và đầu tư trước năm 2018 có diện tích nhỏ, các công trình bảo vệ môi trường không được quy hoạch hoặc không được chú ý đầu tư xây dựng đầy đủ; một số cụm không còn phù hợp với quy hoạch phát triển đô thị (được tiếp tục sử dụng nhưng phải giữ nguyên hiện trạng)... Đặc biệt, vẫn tồn tại tình trạng sử dụng đất không đúng mục đích, không đúng quy hoạch trong các CCN như: để ở, chia diện tích cho các nhà đầu tư thứ cấp thuê nhỏ hơn so với quy hoạch được duyệt/hoặc quy định của thành phố; chủ đầu tư sử dụng diện tích đất dịch vụ không đúng mục tiêu đầu tư...
Gặp khó do chính sách giải phóng mặt bằng có nhiều thay đổi
Nguyên nhân dẫn tới những tồn tại, hạn chế nêu trên được đoàn khảo sát Ban Kinh tế - Ngân sách chỉ rõ, một phần do chính sách GPMB có nhiều thay đổi, được quy định bởi nhiều Luật, nghị định, thông tư nên ảnh hưởng đến công tác quản lý, triển khai thực hiện trên thực tế. Mặt khác, trong quá trình thực hiện công tác đền bù GPMB, một số hộ gia đình không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc đất đai hoặc không đầy đủ; một số hộ gia đình đã xây dựng công trình nhà ở trên phần diện tích đất nông nghiệp từ lâu năm... Đáng chú ý, việc quản lý trật tự xây dựng; quản lý thực hiện đầu tư, quy hoạch, đất đai của chính quyền địa phương còn thiếu chủ động, chưa hết trách nhiệm. Một số chủ đầu tư xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp chưa ý thức được hết trách nhiệm trong việc để xảy ra tình trạng các nhà đầu tư thứ cấp chậm đưa đất đai vào sử dụng, lãng phí đất đai (do các nhà đầu tư thứ cấp vẫn thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính của người thuê đất).
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả việc đầu tư xây dựng và quản lý một số CCN trên địa bàn thành phố, đoàn khảo sát Ban Kinh tế - Ngân sách kiến nghị UBND thành phố tiếp tục đẩy nhanh tiến độ xây dựng HTKT và giải quyết thủ tục giao đất xây dựng HTKT các CCN. Chỉ đạo Sở Công thương phối hợp các sở, ngành tham mưu về trình tự, thủ tục tiếp nhận nhà đầu tư thứ phát vào đầu tư sản xuất kinh doanh trong CCN. Đồng thời, đôn đốc các nhà đầu tư khởi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật các CCN đã được bàn giao đất, thực hiện nhanh để kịp tiến độ đã được phê duyệt; chỉ đạo các sở ngành, UBND các huyện, thị xã tích cực, chủ động phối hợp trong việc hoàn thiện các thủ tục quy hoạch, xây dựng, đất đai, GPMB để bàn giao đất đến nhà đầu tư thực hiện dự án theo quy định...
Riêng đối với UBND các huyện, thị xã, cần tăng cường đẩy nhanh tiến độ GPMB để hoàn thiện hồ sơ, thủ tục bàn giao đất, cho thuê đất; phối hợp các sở, ngành thành phố và nhà đầu tư tổ chức thực hiện các giải pháp nhằm bảo đảm tiến độ khởi công và xây dựng hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch đã được phê duyệt; tăng cường chức năng quản lý nhà nước đối với các CCN trên địa bàn, nhất là hoạt động kiểm tra, giám sát, thanh tra, xử lý vi phạm trong quá trình xây dựng hạ tầng kỹ thuật và hoạt động của các CCN.
"Về phía nhà đầu tư, cần chủ động liên hệ với các sở, ngành thành phố và UBND các huyện, thị xã trong việc hoàn thiện quy trình, thủ tục và khởi công, triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN theo tiến độ được phê duyệt", đoàn khảo sát Ban KT - NS yêu cầu.