Khắc phục tình trạng “nuôi” thành tích, định hướng trong xét khen thưởng
Phát biểu ý kiến về Dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, chiều 28.3, ĐBQH Nguyễn Thị Kim Anh (Bắc Ninh) đề nghị xem xét lại yêu cầu các cá nhân phải có thành tích liên tục bởi quy định này sẽ dẫn đến tình trạng khen thưởng “cộng dồn thành tích”, “nuôi” thành tích, nhường nhau hoặc có định hướng trong xét khen thưởng.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh đồng tình cao với báo cáo về dự kiến tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Thi đua khen thưởng mà Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội đã trình bày, trong đó dự thảo Luật đã cơ bản tiếp thu đầy đủ ý kiến của các ĐBQH. Tuy nhiên, để góp phần hoàn thiện hơn dự án Luật, đại biểu có 4 ý kiến như sau:
Thứ nhất, đối với danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc, chiến sĩ thi đua cấp Bộ (quy định tại Điều 18, 19 dự thảo Luật), đại biểu đề nghị xem xét lại yêu cầu các cá nhân phải có thành tích liên tục. Cụ thể: Chiến sĩ thi đua toàn quốc phải có 2 lần liên tục là chiến sĩ cấp bộ; chiến sĩ thi đua cấp Bộ phải có 3 lần liên tục là chiến sĩ thi đua cơ sở.
Bà Kim Anh cho rằng, việc quy định phải liên tục dẫn đến khó tránh khỏi tình trạng “nuôi” thành tích, “nhường nhau” hoặc có định hướng trước trong xét khen thưởng, vi phạm nguyên tắc chính xác, kịp thời, công bằng trong khen thưởng, không biểu dương đúng người, đúng thời điểm. Do đó, cần cân nhắc lại quy định theo hướng "cộng dồn thành tích", đảm bảo việc thi đua, khen thưởng khả thi hơn trong thực tế.

Thứ hai, về danh hiệu Cờ thi đua của Chính phủ và danh hiệu cờ thi đua Bộ, ban , ngành, tỉnh (Điều 22, 23 dự thảo Luật). Nội dung này có quy định “Danh hiệu cờ thi đua của Chính phủ được xét tặng hằng năm cho tập thể dẫn đầu cụm, khối thi đua do Bộ, ban, ngành, tỉnh tổ chức; Danh hiệu cờ thi đua Bộ, ban, ngành, tỉnh được xét tặng hằng năm cho tập thể là đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua của các cụm, khối thi đua do Bộ, ban, ngành, tỉnh tổ chức.
Đại biểu đề nghị cần làm rõ nội hàm của cụm từ “dẫn đầu”. Theo đại biểu, dẫn đầu được hiểu là đi đầu một đội ngũ, một phong trào, tuy nhiên, trong quá trình thực hiện mỗi cụm, khối thi đua được thực hiện chưa thống nhất, có thể theo tỉ lệ đơn vị (20%), hoặc chọn 3 - 5 tổ chức. Mặt khác, cờ thi đua là tiêu chuẩn cứng để xét tặng các hình thức khen thưởng khác (như Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Huân chương Lao động, Huân chương độc lập). Nếu mỗi cụm, khối thi đua chỉ được một tổ chức đạt cờ thi đua thì số lượng tổ chức được khen thưởng ở mức cao là rất ít, khó đạt được. Vì vậy, đại biểu đề nghị cần có quy định cụ thể hơn để tránh có nhiều cách hiểu khác nhau trong quá trình triển khai thực hiện.
Thứ ba, đối với việc tặng và truy tặng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” (khoản 2 Điều 95), là một trong những nội dung có nhiều có nhiều ĐBQH tham gia ý kiến, đại biểu hoàn toàn nhất trí với việc bổ sung danh hiệu này trong dự thảo Luật, qua đó thể hiện việc Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến các thế hệ Thanh niên xung phong. Tuy nhiên, đại biểu Kim Anh cũng băn khoăn đối với tiêu chí có thời gian tại ngũ liên tục từ 2 năm trở lên với Thanh niên xung phong tham gia thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Đại biểu nhận định, sự đóng góp, hy sinh xương máu của lược lượng thanh niên xung phong trong 2 cuộc kháng chiến là rất lớn nên nếu lấy năm phục vụ liên tục để được xét tặng, truy tặng thì thực sự chưa ghi nhận những đóng góp của lực lượng này. Thực tế, có rất nhiều thanh niên xung phong vì lý do khác nhau không phục vụ liên tục được hoặc phục vụ nhưng không đủ 2 năm nhưng lại có những công lao đóng góp lớn, nổi bật… mà không được khen thưởng thì chưa bảo đảm công bằng, là thiếu sót, thiệt thòi. Chính vì vậy, đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo, chủ trì thẩm tra cân nhắc, xem xét đối với quy định này theo hướng bổ sung trường hợp có công lao đóng góp lớn, nổi bật… làm căn cứ, tiêu chuẩn xem xét khen thưởng.
Với quy định được truy tặng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” khi làm nhiệm vụ đã được công nhận liệt sĩ có thời gian tại ngũ 1 năm trở lên, đại biểu cũng có ý kiến tương tự.
Thứ tư, một trong những đổi mới của Dự thảo Luật Thi đua khen thưởng được sửa đổi lần này là triệt để cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động thi đua khen thưởng. Trong dự thảo luật đã quy định khá đầy đủ về tiêu chí, điều kiện xét thi đua khen thưởng. Tuy nhiên, về trình tự xem xét sẽ được quy định chi tiết tại các nghị định của Chính phủ và các thông tư của các Bộ. Đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh đề nghị tại các văn bản hướng dẫn thi hành Luật cần quán triệt quan điểm này, cụ thể là đơn giản hóa, hướng dẫn cụ thể việc viết báo cáo thành tích, tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân dễ dàng thể hiện thành tích của mình để được xem xét khen thưởng.