Khắc phục tình trạng chồng chéo trong các phong trào thi đua

- Thứ Ba, 14/09/2021, 17:41 - Chia sẻ
Chiều 14.9, tại Trụ sở các cơ quan Văn phòng Quốc hội, để phục vụ việc thẩm tra dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh, Ủy ban Xã hội đã tổ chức tọa đàm chuyên gia về công tác thi đua, khen thưởng trong Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu tại Tọa đàm

Cùng dự có: đại diện Thường trực Ủy ban Pháp luật; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Ban soạn thảo dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi)…

Theo đại biểu, thời gian qua, các phong trào thi đua yêu nước của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội đã được triển khai với nhiều nội dung hết sức phong phú, có bước phát triển mới, hướng về cơ sở, hướng tới đoàn viên, hội viên với nhiều cách làm sáng tạo. Công tác khen thưởng của Trung ương MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội đã bảo đảm theo đúng các quy định của pháp luật; công tác thẩm định hồ sơ khen thưởng bảo đảm chặt chẽ, minh bạch, đúng thẩm quyền theo quy định của pháp luật. 

Tuy nhiên, các đại biểu cũng nêu thực tế hiện có nhiều phong trào thi đua do cơ quan Trung ương của các tổ chức chính trị - xã hội phát động và đều dồn xuống cơ sở nên không tránh khỏi tình trạng chồng chéo, quá tải với khả năng hưởng ứng, thực hiện của cơ sở. Công tác khen thưởng chưa bám sát các phong trào thi đua, chưa lấy kết quả phong trào thi đua làm căn cứ, cơ sở để khen thưởng. Trong công tác khen thưởng cá biệt vẫn có những tập thể, cá nhân được khen thưởng nhưng thành tích chưa thật sự tiêu biểu, chưa đủ giá trị nêu gương và lan tỏa…

Toàn cảnh buổi Tọa đàm

Từ thực tế nêu trên soi chiếu vào dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), một số đại biểu đề nghị, cần thống nhất nhận thức phong trào thi đua thường xuyên chung cho cả nước là phong trào thi đua yêu nước; tất cả các phong trào thi đua, các cuộc vận động của MTTQ và của các tổ chức thành viên của Mặt trận đều phải được lồng ghép và trở thành nội dung của phong trào thi đua yêu nước. Trong đó, các phong trào thi đua, các cuộc vận động do MTTQ và các tổ chức thành viên của Mặt trận phát động là nhằm giải quyết những vấn đề cấp bách, cần thiết trong một thời gian nhất định nên nội dung phải cụ thể, có tiêu chí rõ ràng và có sự tập trung cao trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Xác định rõ như vậy để cơ quan quản lý Nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng các cấp vừa có trách nhiệm, vừa có thẩm quyền trong chỉ đạo, kiểm tra giám sát các phong trào thi đua, các cuộc vận động do các tổ chức, đoàn thể phát động, tổ chức. Từ đó, khắc phục tình trạng có quá nhiều phong trào, cuộc vận động mà nội dung trùng lặp nhau hoặc tự đặt ra các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng ngoài quy định của Luật. Các ý kiến cũng đề nghị tổ chức bộ máy làm công tác thi đua, khen thưởng của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội cần được quy định rõ trong Luật Thi đua, khen thưởng sửa đổi lần này.

Ngoài ra, có ý kiến cho rằng, đối tượng được khen thưởng Huân chương các loại về quá trình cống hiến như quy định tại Khoản 4, Điều 4 Luật hiện hành mới chỉ từ cấp lãnh đạo quản lý và tương đương trở lên, trong khi đó, có nhiều trường hợp, nhất là cán bộ Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội có vài chục năm công tác ở cơ sở, vừa không lương hoặc lương chỉ là tượng trưng lại không được động viên, khen thưởng Huân chương các loại là chưa công bằng. Do đó, đề nghị cần bổ sung mở rộng đối tượng khen thưởng có quá trình cống hiến cho cán bộ cơ sở, thôn, bản…

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh đánh giá cao và ghi nhận ý kiến các đại biểu, chuyên gia đã góp ý cho dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) và cho biết, Ủy ban Xã hội sẽ cùng với Ban soạn thảo dự án Luật tiếp thu, hoàn chỉnh để bảo đảm đúng mục đích, yêu cầu của việc sửa đổi luật lần này trước khi trình Quốc hội. 

T. Thành