Hình thức chưa đa dạng
TXCT là một hoạt động quan trọng của đại biểu HĐND. Làm tốt công tác TXCT góp phần giải quyết các ý kiến, kiến nghị, nguyện vọng chính đáng và những bức xúc của cử tri. Thực tế, nơi nào tổ chức tốt TXCT, đôn đốc việc trả lời, giải quyết ý kiến kiến nghị của cử tri thì nơi đó tình hình an ninh - chính trị, trật tự - an toàn xã hội được bảo đảm, không có đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân.
Các đại biểu dự hội nghị thẳng thắn cho rằng: Hiện nay, việc tổ chức hoạt động TXCT vẫn làm theo một khuôn mẫu nhất định, dẫn đến giảm dần hiệu quả, người dân không còn mặn mà với diễn đàn quan trọng dành cho chính quyền lợi của mình này. Thực tế, yêu cầu đổi mới hoạt động TXCT đã được đề cập từ lâu nhưng chưa thực sự tìm được giải pháp cụ thể để thực hiện. Hiện, các văn bản pháp luật cụ thể hóa hoạt động TXCT mới chỉ dành cho ĐBQH, còn đối với đại biểu HĐND chỉ dừng lại ở việc thực hiện theo Quy chế hoạt động của HĐND và Quy chế về mối quan hệ phối hợp công tác giữa Thường trực HĐND tỉnh và Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh mà vẫn chưa có văn bản pháp lý cao hơn.
Từ thực tế hoạt động của mình, Thường trực HĐND TP. Hưng Yên băn khoăn: Tại Hội nghị TXCT hiện nay, có rất ít ý kiến phản ánh, đề xuất, góp ý về phát triển kinh tế - xã hội… Việc tổng hợp, phân loại ý kiến của cử tri ở một số hội nghị TXCT có lúc chưa đầy đủ, chưa phản ánh hết được tâm tư, nguyện vọng của cử tri. Hoạt động giám sát việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri của một số đơn vị chưa được quan tâm đúng mức.
Thường trực HĐND huyện Văn Lâm cũng chia sẻ: Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động TXCT trong nhiệm kỳ vừa qua còn một số hạn chế cần được khắc phục như: Thường trực, các Ban, Tổ đại biểu và đại biểu HĐND ở một số địa phương chưa quan tâm đúng; chưa thực hiện nghiêm túc đổi mới TXCT theo hướng "tích cực, chủ động, trách nhiệm và hiệu quả". Nhiều cử tri không hiểu mục đích của TXCT; ý kiến chưa trọng tâm, kiến nghị không đúng cấp giải quyết… Công tác kiểm tra, theo dõi, đôn đốc UBND, các ngành, địa phương, đơn vị giải quyết ý kiến, kiến nghị cử tri chưa thường xuyên. Việc tổ chức các hoạt động giám sát trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri chưa nhiều…
Cần đi vào thực chất
Nhận diện được những tồn tại hạn chế, các đại biểu cho rằng, để nâng cao chất lượng, hiệu quả TXCT thì yếu tố đầu tiên là cần phải đổi mới hình thức tiếp xúc, nhất là tổ chức tiếp xúc theo chuyên đề, theo lĩnh vực và thành phần cử tri. Từ đó, tập trung sâu vào một lĩnh vực cụ thể, làm sáng tỏ cả về lý luận và thực tiễn, giúp các định hướng phát triển thực sự khoa học. Đặc biệt, trước khi tổ chức tiếp xúc cần thông tin đầy đủ nhất đến cử tri về: Chủ trương, định hướng phát triển kinh tế - xã hội ở từng địa phương; kết quả, hạn chế ở từng lĩnh vực và những giải pháp thực hiện trong thời gian tới. Qua đó, giúp cử tri có được cái nhìn đầy đủ, cụ thể và có những đề xuất, kiến nghị phù hợp.
Đồng tình với điều này, đại diện Thường trực HĐND thị xã Mỹ Hào cho rằng: Ủy ban MTTQ cấp huyện cần chủ động phối hợp với các Tổ đại biểu HĐND tỉnh và Thường trực HĐND, UBND cấp huyện thống nhất thời gian và địa điểm để xây dựng kế hoạch TXCT cho phù hợp. Kế hoạch TXCT phải được xây dựng sớm để có thời gian chuẩn bị chu đáo. Trước khi TXCT, đại biểu HĐND cần dành thời gian nắm tình hình địa bàn tiếp xúc, chuẩn bị kỹ nội dung và nên đến trước giờ quy định để có điều kiện gặp gỡ, thăm dò các vấn đề cử tri quan tâm; phát hiện vấn đề “nóng” có thể nảy sinh để chuẩn bị phương án xử lý.
Bên cạnh đó, cần nâng cao kỹ năng của người chủ trì, điều hành hội nghị TXCT. Cần chú trọng việc định hướng, gợi mở để cử tri phát biểu ý kiến đúng trọng tâm, trọng điểm, tạo điều kiện cho cử tri phát biểu ý kiến; linh hoạt xử lý một số tình huống xảy ra tại hội nghị, tránh tình trạng để các cử tri “chuyên nghiệp” chiếm diễn đàn quá nhiều thời gian. Trong hội nghị TXCT, đại biểu HĐND tránh báo cáo dài dòng, dàn trải, chỉ báo cáo tóm tắt các vấn đề mà cử tri quan tâm, dành nhiều thời gian để cử tri được thể hiện tâm tư nguyện vọng, đề xuất ý kiến, kiến nghị. Tại buổi tiếp xúc, nhất thiết phải có sự tham gia của đại diện lãnh đạo chính quyền địa phương và lãnh đạo các phòng, ban, đơn vị để giải đáp, giải quyết tại chỗ một số vấn đề thuộc thẩm quyền.
Thường trực HĐND các huyện Khoái Châu, Kim Động và một số địa phương khác cũng thống nhất với quan điểm: Để Hoạt động TXCT của đại biểu HĐND chỉ thực chất và hiệu quả khi mà đại biểu dân cử “trở về” với đúng chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của người đại diện. Đó là chủ trì đối thoại, phân tích, làm rõ, ghi nhận, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri; thẩm thấu được tâm tư, nguyện vọng của những người đã bầu ra mình và giám sát đến cùng đối với các cơ quan chức năng có trách nhiệm trong việc giải quyết các kiến nghị đó.