Khắc phục ô nhiễm môi trường do chăn nuôi
Những năm gần đây, chăn nuôi gia súc đang trở thành nghề làm giàu cho nhiều hộ dân ở huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc. Tuy nhiên, vấn đề đáng lo ngại hiện nay chính là môi trường đang bị ô nhiễm. Bởi vậy, việc phát triển chăn nuôi theo hướng bảo đảm vệ sinh môi trường đang là nhiệm vụ cấp bách của các cấp chính quyền từ huyện đến xã.
Vĩnh Thịnh - một trong những xã điển hình về chăn nuôi bò sữa, chiếm gần 70% số lượng bò sữa toàn huyện Vĩnh Tường. Với lợi ích kinh tế cao từ việc chăn nuôi bò sữa, đến nay, hầu hết các hộ dân trong xã đều xây chuồng trại chăn nuôi, ít nhất cũng gần chục con. Nhờ mô hình chăn nuôi bò sữa, nhiều gia đình trong diện hộ nghèo nay đã thoát nghèo và từng bước vươn lên làm giàu chính đáng. Tuy nhiên, một thực tế hiện nay là việc chăn nuôi bò sữa nhỏ lẻ trong khu dân cư dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng chất lượng cuộc sống của người dân. Hằng ngày, lượng phân và nước tiểu từ chăn nuôi bò sữa thải ra môi trường toàn huyện khoảng gần 40 tấn, trong khi xã chưa có hệ thống xử lý triệt để nên môi trường bị ô nhiễm khá trầm trọng.
Còn tại xã Tân Tiến, hàng trăm hộ dân đã tận dụng đất vườn để phát triển chăn nuôi gia súc. Phần lớn các hộ dân nơi đây chỉ quan tâm đến việc phát triển số lượng mà không có các biện pháp xử lý triệt để nguồn chất thải. Anh Nguyễn Văn Sơn (thôn Thượng Lạp, xã Tân Tiến) cho biết: Chất thải chăn nuôi chủ yếu theo rãnh nước xả thẳng ra kênh mương. Vào những ngày nắng nóng, mùi hôi thối bốc lên kèm theo đó là màu nước đen đặc gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.
Theo số liệu thống kê, trên địa bàn xã Tân Tiến hiện có hơn 2.400 con gia súc, trên 145.000 con gia cầm và hơn 630.000 con chim cút tập trung ở các thôn Thượng Lạp, Nội và Mới. Thu nhập từ chăn nuôi trên địa bàn xã Tân Tiến những năm qua luôn chiếm tỷ lệ cao trong tổng thu nhập của người dân. Tuy nhiên, do quy mô hộ nhỏ lẻ, gia trại nên chất thải trong quá trình chăn nuôi được thải trực tiếp ra môi trường thông qua hệ thống kênh, mương, rãnh nước. Một vài hộ đã có trang bị hệ thống hầm biogas nhưng do chuồng nuôi xây dựng hở nên mùi hôi vẫn hàng ngày lan ra cả khu dân cư. Trong khi đó, hệ thống kênh mương không được nạo vét thường xuyên dẫn đến đặc quánh bùn đất, chất thải làm ách tắc dòng chảy, gây ô nhiễm nguồn nước và không khí xung quanh.
Trước tình trạng trên, lãnh đạo huyện Vĩnh Tường cho biết: Trước mắt, địa phương tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức, khuyến khích các hộ dân sử dụng chế phẩm sinh học, đệm lót sinh học và xây dựng hầm biogas để bảo đảm chăn nuôi an toàn. Đồng thời, huyện cũng tăng cường kiểm tra, giám sát việc xử lý khắc phục triệt để sự cố ô nhiễm môi trường đối với các trang trại chăn nuôi gây ô nhiễm; xử lý nghiêm đối với các chủ trang trại cố tình vi phạm Luật Bảo vệ môi trường và các kết luận sau thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng.
Đối với việc chăn nuôi bò sữa, huyện đã và đang triển khai chính sách khuyến khích các hộ nuôi tập trung sẽ được vay vốn không thế chấp với lãi suất ưu đãi, hỗ trợ vật tư, lai tạo giống bò sữa, vaccine; hỗ trợ kinh phí di dời đàn bò ra xa dân cư là 5 triệu đồng/hộ/trại, hỗ trợ 50% kinh phí mua máy vắt sữa, máy nghiền cỏ trộn thức ăn, phí bảo hiểm nông nghiệp cho bò, đồng thời được miễn tiền thuê mặt bằng trong 3 năm đầu… Hy vọng, với các chính sách hỗ trợ, cùng nỗ lực tuyên truyền, vận động người dân chăn nuôi tập trung xa khu dân cư sẽ giúp Vĩnh Tường có môi trường trong lành, sạch đẹp hơn trong tương lai không xa.