Sửa đổi Nghị định 34/2016/NĐ-CP

Khắc phục hạn chế, bảo đảm tính thống nhất

- Thứ Hai, 19/10/2020, 08:32 - Chia sẻ
Không chỉ cụ thể hóa những nội dung mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật vừa được thông qua tại Kỳ họp thứ Chín để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, mà còn phải tập trung khắc phục những hạn chế, tồn tại thời gian qua. Đây là những mục tiêu được đặt ra trong quá trình sửa đổi, bổ sung Nghị định số 34/2016/NĐ-CP.

Nhận diện chính xác

Ngoài khái niệm “văn bản quy phạm pháp luật” và “quy phạm pháp luật” được nêu tại Điều 2 và Khoản 1, Điều 3 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, để tránh nhầm lẫn về hình thức văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt với các chủ thể có thẩm quyền ban hành văn bản hành chính và văn bản quy phạm pháp luật nhưng có cùng tên gọi là “nghị quyết”, “quyết định”, Điều 3, Nghị định số 34/2016/NĐ-CP đã liệt kê 6 trường hợp quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 11 trường hợp nghị quyết của Hội đồng Nhân dân và quyết định của Ủy ban Nhân dân không phải là văn bản quy phạm pháp luật.

Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng pháp luật cho thấy, vẫn còn một số trường hợp có cách hiểu khác nhau trong xác định hình thức của văn bản, chẳng hạn như: Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội hằng năm, về chương trình giám sát hằng năm của Hội đồng Nhân dân; quyết định của Ủy ban Nhân dân các cấp về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan chuyên môn của Ủy ban Nhân dân… dẫn đến tình trạng có địa phương ban hành văn bản quy phạm pháp luật, có địa phương lại ban hành văn bản hành chính.

Theo đại diện Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp, nguyên nhân chủ yếu là do việc hiểu và áp dụng các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 về “văn bản quy phạm pháp luật” và “quy phạm pháp luật” chưa đầy đủ, thống nhất. Tuy nhiên, việc Điều 3, Nghị định số 34/2016/NĐ-CP chưa liệt kê một số văn bản mà thực tiễn cho thấy không phải văn bản quy phạm pháp luật cũng là một trong những nguyên nhân chính gây ra khó khăn, vướng mắc cho các địa phương trong nhận diện văn bản quy phạm pháp luật với văn bản hành chính, cá biệt. Do đó, cần bổ sung vào Điều 3, Nghị định 34/2016/NĐ-CP một số trường hợp nghị quyết của Hội đồng Nhân dân, quyết định của Ủy ban Nhân dân không phải là văn bản quy phạm pháp luật.

Hội nghị triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật  

Ảnh: Nguyễn Minh 

Hoàn thiện cơ chế kiểm soát văn bản quy định chi tiết

Thực tế thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 thời gian qua cho thấy, số lượng nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, thông tư của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ được ban hành hằng năm rất lớn và không ít trong số văn bản này giao cho Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh ban hành văn bản để quy định chi tiết. Việc liên tục theo dõi, rà soát để xác định những nội dung nào chính quyền cấp tỉnh phải ban hành văn bản quy định chi tiết, lại đúng yêu cầu về thời điểm có hiệu lực là hết sức khó khăn đối với các địa phương.

Tuy nhiên, Nghị định số 34/2016/NĐ-CP mới chỉ quy định về việc thông báo cho địa phương danh mục văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và lệnh, quyết định của Chủ tịch Nước. Nghị định này cũng mới chỉ quy định việc kiểm soát đối với văn bản quy định chi tiết luật, nghị quyết của Quốc hội; pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; lệnh, quyết định của Chủ tịch Nước, chưa có cơ chế kiểm soát đối với văn bản quy định chi tiết nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, thông tư của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ trong trường hợp các văn bản này có nội dung giao bộ, cơ quan ngang bộ hoặc Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân ban hành văn bản quy định chi tiết.

Do vậy, nhiều địa phương kiến nghị cần nghiên cứu, bổ sung cơ chế kiểm soát việc ban hành các văn bản quy định chi tiết nghị định, quyết định của Thủ tướng Chính phủ và thông tư của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ. Cụ thể, xác định rõ trách nhiệm của bộ, cơ quan ngang bộ chủ trì trong trường hợp được giao soạn thảo nghị định, quyết định của Thủ tướng Chính phủ hoặc tự mình ban hành thông tư theo thẩm quyền mà trong văn bản có nội dung giao bộ, cơ quan ngang bộ khác hoặc địa phương quy định chi tiết trong việc tập hợp, thông báo cho bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương về nội dung được giao quy định chi tiết và theo dõi việc ban hành văn bản quy định chi tiết. Đồng thời xác định rõ trách nhiệm của cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết trong việc bảo đảm chất lượng, tiến độ soạn thảo và kịp thời thông báo về những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình soạn thảo.

Đồng tình với quan điểm này, Phó trưởng phòng Công tác xây dựng pháp luật, Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp Nguyễn Hoàng Hà cho rằng, cần bổ sung vào Nghị định số 34/2016/NĐ-CP quy định về trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ được giao chủ trì soạn thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, UBTVQH và lệnh, quyết định của Chủ tịch Nước và ban hành thông tư theo thẩm quyền trong việc lập và thông báo cho HĐND, UBND cấp tỉnh danh mục nội dung của nghị định, quyết định, thông tư giao cho chỉnh quyền cấp tỉnh quy định chi tiết...

Theo Kế hoạch triển khai thi hành Luật sửa đổi một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 34/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật sẽ được trình Chính phủ vào tháng 10.2020.  

Hải Vân