Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022

Khắc phục cho được tình trạng “cứng nhắc, sợ chịu trách nhiệm”

- Thứ Ba, 12/10/2021, 07:46 - Chia sẻ
Từ kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, Ủy ban Kinh tế thống nhất với đề xuất của Chính phủ về mục tiêu tổng quát của năm 2022, trong đó, tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống, kiểm soát dịch Covid-19 hiệu quả, sớm mở cửa trở lại, tận dụng tốt các cơ hội thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội... Dẫu vậy, để đạt được các mục tiêu này, từ những tồn tại trong công tác tổ chức thực hiện nhiệm vụ “kép”, nhất là sự “bất nhất” ở một số địa phương vừa qua đòi hỏi Chính phủ phải có biện pháp quyết liệt chấn chỉnh, bảo đảm chính sách được thực thi thông suốt từ Trung ương đến địa phương.
Dự kiến tốc độ tăng trưởng GDP cả năm 2021 ước đạt 3 - 3,5% Nguồn: ITN
Dự kiến tốc độ tăng trưởng GDP cả năm 2021 ước đạt 3 - 3,5%
Nguồn: ITN

Đánh giá sâu sắc các tồn tại, hạn chế

Theo Báo cáo của Chính phủ, dự kiến tốc độ tăng trưởng GDP cả năm 2021 ước đạt 3 - 3,5%, 4/12 chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch kinh tế - xã hội sẽ không đạt, ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ quan trọng theo Nghị quyết số 16/2021/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 vừa thông qua tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV.

Nguyên nhân chủ yếu là bởi đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh trở lại từ tháng 4.2021 và cao điểm là từ tháng 7 đến nay đã khiến cho “sức khỏe” của doanh nghiệp, người dân, nền kinh tế bị bào mòn, suy giảm đáng kể. Các biện pháp phòng, chống dịch quyết liệt, phong tỏa, giãn cách kéo dài ở nhiều địa phương, đặc biệt là TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh trọng điểm kinh tế phía Nam, nơi đóng góp khoảng 45% GDP của cả nước và thành phố Hà Nội, các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Dương, khu vực trọng điểm về sản xuất công nghiệp, đã tác động rất tiêu cực đến tốc độ tăng trưởng kinh tế Quý III năm nay khi âm đến 6,17%, là mức giảm sâu nhất kể từ khi nước ta công bố GDP quý đến nay... Tình hình doanh nghiệp cũng khó khăn hơn rất nhiều khi số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy có đến 94% số doanh nghiệp trong cả nước đang gặp khó khăn; tính riêng ở 19 tỉnh, thành phố phía Nam thì có đến 98% số doanh nghiệp thiệt hại nặng nề, đặc biệt các tỉnh vùng Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long thì doanh nghiệp chỉ hoạt động chừng 5 - 10% công suất.

Trong bối cảnh đó, việc không đạt được một số chỉ tiêu là bất khả kháng. Tuy nhiên, nhiều thành viên Ủy ban Kinh tế cũng đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu phải đánh giá sâu sắc những tồn tại, hạn chế, sự lúng túng, chủ quan trong quá trình tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch ở một số địa phương đã làm gia tăng khó khăn của người dân và doanh nghiệp.

Ngay trong Báo cáo thẩm tra, Ủy ban Kinh tế đã chỉ rõ: Công tác phòng, chống dịch vẫn còn tình trạng lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, sợ chịu trách nhiệm ở một số nơi; việc áp dụng các biện pháp cách ly, phong tỏa, hạn chế di chuyển và công tác phối hợp, tổ chức thực thi tại một số địa phương còn lúng túng, cứng nhắc, thiếu tính đồng bộ, nhất quán, chưa được điều chỉnh kịp thời, vừa không bảo đảm mục tiêu phòng, chống dịch, vừa phát sinh thủ tục hành chính, gây cản trở cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, gia tăng chi phí không cần thiết. Cùng với đó, công tác dự báo, xây dựng kịch bản, phương án ứng phó tại một số địa phương còn hạn chế, việc xử lý các vấn đề cụ thể, đột xuất chưa thực sự hiệu quả; việc ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch còn hạn chế...

Không thiếu những ví dụ cho thấy sự lúng túng, cứng nhắc, sợ chịu trách nhiệm đã được báo chí phản ánh và được các chuyên gia kinh tế, các doanh nghiệp trực tiếp báo cáo với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại Tọa đàm tham vấn chuyên gia về kinh tế - xã hội hay các cuộc làm việc trực tuyến với Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và cộng đồng doanh nhân Việt Nam vừa qua.

Vì thế, “phải đánh giá rõ hơn công tác điều hành, phối hợp thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 của các địa phương và làm rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan, những hạn chế lớn, nhất là hành lang pháp lý để ứng phó với tình trạng khẩn cấp về y tế, việc đầu tư sản xuất vaccine, thuốc điều trị, quản lý dân cư... đã bộc lộ trong quá trình phòng, chống dịch thời gian qua để có các chiến lược, chính sách phù hợp trong ngắn hạn và dài hạn”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh.

Sớm có lộ trình mở cửa trở lại nền kinh tế

Tại Hội nghị Trung ương 4, Khóa XIII, Trung ương đã bàn và thống nhất rất cao về việc chuyển hướng chiến lược sang thích ứng an toàn với dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế. Bày tỏ sự đồng thuận hoàn toàn với chủ trương này, đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc (Hà Nội), thành viên Ủy ban Kinh tế cho rằng, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, ngay tại các địa phương là “tâm dịch” một, vài tháng trước thì nay cũng đã bước đầu kiểm soát được dịch, nói cách khác “cơ hội vàng” để nới lỏng giãn cách, mở cửa thị trường, tái khởi động nền kinh tế đã đến. “Mở cửa là con đường không thể nào khác được”, nguyên Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nêu quan điểm.  

Tuy nhiên, quá trình phục hồi, tăng trưởng kinh tế cũng đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức bởi diễn biến của dịch Covid-19 vẫn khó lường trong khi chúng ta chưa thể chủ động được nguồn cung vaccine; tác động kéo dài của dịch bệnh khiến quá trình phục hồi sản xuất, kinh doanh sẽ phải mất rất nhiều thời gian. Cùng với đó là tình trạng phá sản, nợ xấu, đứt gãy chuỗi cung ứng, đình trệ sản xuất, suy giảm dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước, trật tự, an toàn xã hội, an sinh xã hội…

Vì vậy, để thực hiện được mục tiêu thích nghi, an toàn với dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế - xã hội, theo Ủy ban Kinh tế, công tác điều hành, chỉ đạo trong những tháng cuối năm nay và năm 2022 phải bám sát tình hình thực tiễn, nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, chủ động xây dựng các kịch bản, chuẩn bị cho mọi tình huống có thể xảy ra, không để lỡ nhịp hồi phục sau đại dịch. Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu là xây dựng Chiến lược tổng thể phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới, chuyển sang mô hình thích ứng, sống chung an toàn với dịch; đẩy nhanh tỷ lệ tiêm vaccine, sớm đạt mức 70% dân số được tiêm chủng đầy đủ trong nửa đầu năm 2022. Phải sớm có lộ trình phù hợp cho việc mở cửa trở lại nền kinh tế, xây dựng điều kiện và quy định cụ thể về việc mở cửa cho từng địa bàn, lĩnh vực với đối tượng cá nhân và tổ chức kinh tế, tùy thuộc vào độ bao phủ vaccine, khả năng ứng phó, kiểm soát dịch bệnh theo tinh thần “phải đáp ứng yêu cầu an toàn lên hàng đầu, tuyệt đối không chủ quan, nóng vội; giãn cách xã hội và hạn chế di chuyển cần phải được thực hiện cẩn trọng, linh hoạt, đồng bộ, nhất quán, chủ động, bảo đảm an toàn, thống nhất từ Trung ương tới địa phương gắn với áp dụng công nghệ trong phòng, chống dịch Covid-19”.

Khẩn trương xây dựng chương trình tái thiết, phục hồi nền kinh tế, có phân chia theo giai đoạn cũng là một trong những đề xuất được Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh. Trong đó, phải tập trung phục hồi sản xuất công nghiệp, các chuỗi sản xuất, cung ứng bị đứt gãy, duy trì chuỗi giá trị, tận dụng cơ hội phục hồi thị trường đối tác. Xây dựng phương án, giải pháp ứng phó với hệ lụy từ làn sóng người lao động di chuyển khỏi các tỉnh, thành phố lớn, bảo đảm an sinh xã hội tại các địa phương; khắc phục đứt gãy nguồn cung lao động, thu hút lực lượng lao động quay trở lại nơi làm việc tại các khu công nghiệp, thành phố lớn để khôi phục năng lực sản xuất...

Hôm nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và kế hoạch năm 2022, chuẩn bị cho việc trình nội dung này ra Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ Hai tới. Phát biểu khai mạc phiên họp sáng qua, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu phải đánh giá thẳng thắn, khách quan và toàn diện những tồn tại, hạn chế, yếu kém trong thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, chỉ rõ các nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhất là các nguyên nhân chủ quan và các bài học kinh nghiệm phải rút ra”.

Chủ tịch Quốc hội cũng gợi mở khả năng với những vấn đề cấp bách nhưng việc chuẩn bị chưa thật chín” để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Hai thì Quốc hội hoàn toàn có thể tổ chức thêm một phiên họp chuyên đề để xem xét, quyết định.

Quốc hội đã và đang chủ động điều chỉnh cách thức làm việc để đáp ứng kịp thời yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn trong bối cảnh đặc biệt hiện nay, như Chủ tịch Quốc hội nhiều lần nhấn mạnh “không có nội dung nào trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội mà bị chậm”. Và như vậy, để các quyết đáp kịp thời, đúng đắn của Trung ương, của Quốc hội, của Chính phủ đi vào cuộc sống nhanh nhất, hiệu quả nhất thì dứt khoát phải khắc phục cho được tình trạng “cứng nhắc, sợ trách nhiệm, mỗi nơi thực hiện một kiểu” như ở một số địa phương vừa qua.

Hải Lam